G20: Lịch sử tạo nên sự tình cờ

LAM HỒNG| 02/10/2009 07:24

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tạo lực đẩy cho nhóm những nước đang phát triển có tiếng nói quyết định tới hệ thống tài chính thế giới.

G20: Lịch sử tạo nên sự tình cờ

G20 trên trường quốc tế là một sự tình cờ của lịch sử. Nhóm này đã tồn tại mà chẳng hề có ý nghĩa gì trong vòng gần một thập kỷ. Khủng hoảng kinh tế làm thay đổi bản đồ kinh tế toàn cầu, cũng đồng thời tạo thành lực đẩy cho nhóm những nước đang phát triển có tiếng nói quyết định tới hệ thống tài chính thế giới.

20 nhiều hơn 8

Nhóm lãnh đạo các nước G20

Nhà Trắng, trong một bài phát biểu tổng kết hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh mới đây, cho biết: “Các nhà lãnh đạo đã xác nhận G20 với tư cách là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu”. Quyết định này chính thức đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng trong thế cân bằng quyền lực toàn cầu của nhóm các nền kinh tế đang phát triển. Các nhà lãnh đạo nhóm G20 đã đi đến quyết định xóa bỏ vai trò chủ chốt của nhóm G8.

Thay vào đó, 20 nền kinh tế lớn nhất trở thành một hội đồng chính thức trong hợp tác kinh tế toàn cầu và giải quyết hậu quả suy thoái. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ vốn đang tìm tiếng nói trên trường quốc tế. Nói như Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva: “Tôi cho rằng rất khó khăn để tiếp tục duy trì G8 mà không tính đến tầm quan trọng của các nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ trong nền kinh tế thế giới, bởi chúng tôi là những nước tiêu dùng khổng lồ và chúng tôi đang trở thành các nhà sản xuất lớn”.

Về số phận của G8, nhiều viên chức cao cấp của các nước thành viên trong G20 cho rằng, quyết định hợp thức hóa G20 không có nghĩa là G8 sẽ không còn hiện hữu và nhóm 8 nước giàu nhất vẫn còn vai trò về mặt an ninh quốc tế. Trọng tâm chính sách của G20 hiện nay là chuyển từ chống khủng hoảng sang đưa ra quy định mới cho nền kinh tế thế giới. Định chế hóa G20 cho phép bảo đảm được sự hiện diện của các quốc gia cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu vững mạnh hơn và cân bằng hơn, nhằm tiến tới việc cải tổ hệ thống tài chính và cải thiện đời sống của những thành phần nghèo nhất. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra đã cho thấy tương lai của thế giới không còn thuộc về một nhóm nhỏ các cường quốc, toàn cầu hóa thương mại đã gắn kết số phận của các nền kinh tế mới nổi với thị trường toàn cầu.

300 năm một thay đổi

Vị thế mới của G20 còn cho thấy đợt đi xuống gần đây của nền kinh tế bắt nguồn từ nền kinh tế các nước phát triển và sự hồi phục đang nhờ nhóm nền kinh tế khác. Suy thoái lần này khác hẳn với những lần trước khi nhóm G8 đi đầu trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhóm nền kinh tế mới nổi sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong đảm bảo an ninh và chính sách ngoại giao toàn cầu. Fareed Zakaria, biên tập của tờ Newsweek International và The Post American World bình luận: “Lần đầu tiên trong 300 năm qua không có yếu tố phương Tây trong những thể chế định đoạt tương lai thế giới”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã đưa G20 lên hàng đầu và ba hội nghị thượng đỉnh đã được triệu tập trong vòng không đầy một năm. Nhiều học giả bắt đầu nói về vị thế mới của G20 với sự trỗi dậy của các nước đang phát triển đã “mở ra một chương mới của kinh tế thế giới”. G20 đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế toàn cầu và cuộc gặp gỡ tại Pittsburgh là cột mốc xác lập sự chuyển đổi từ “kỷ nguyên không trách nhiệm” sang “cải tổ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thế kỷ XXI”. Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng: “G20 sẽ là thế lực mới khả dĩ đối phó tốt nhất với các thay đổi trong nền kinh tế thế giới”.

Một thay đổi lớn khác là sự xuất hiện của Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), gồm một nhóm các nhà điều hành ngân hàng trung ương. Tổ chức này đảm nhiệm vai trò dẫn đầu trong hợp tác và giám sát tài chính chặt chẽ hơn cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đánh giá FSB như “cột trụ thứ tư của nền kinh tế toàn cầu cùng với IMF, WB và WTO”.

Tuy vậy, vẫn có nhiều câu hỏi hoài nghi về khả năng của G20 ở vị thế mới trong bản đồ kinh tế thế giới. Hội nghị G20 vừa kết thúc ở Pittsburgh, người ta cũng thấy những kết quả tương tự khi các hội nghị G8 kết thúc: Nhiều mục tiêu vĩ mô, nhưng ít chi tiết cụ thể cũng như kế hoạch triển khai chi tiết để đạt được các mục tiêu đó. Mặc dù vậy, G20 đang được kỳ vọng và đánh giá cao hơn G7 hoặc G8 vì thành phần tham gia đã có vẻ cân bằng và tiếng nói được vang lên từ đại diện của nhiều khu vực hơn trên thế giới.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999, vốn là một diễn đàn không chính thức dành cho các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương bàn bạc các vấn đề liên quan đến kinh tế toàn cầu. Bao gồm 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu, G20 chiếm 85% GDP toàn cầu, 80% thương mại quốc tế, 2/3 dân số thế giới. Bên cạnh các quốc gia công nghiệp vững mạnh G7, trong G20 còn có cả các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
G20: Lịch sử tạo nên sự tình cờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO