Doha: Con đường thiên lý

LAM HỒNG| 12/12/2013 07:12

Thỏa thuận ký kết tại Bali đạt gần 10% quy mô của chương trình cải cách đưa ra ở Doha. 90% còn lại vẫn được coi là "con đường thiên lý” Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải tiếp tục đi qua trước khi mọi thị trường được mở cửa hoàn toàn.

Doha: Con đường thiên lý

Thỏa thuận ký kết tại Bali đạt gần 10% quy mô của chương trình cải cách đưa ra ở Doha. 90% còn lại vẫn được coi là "con đường thiên lý” Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải tiếp tục đi qua trước khi mọi thị trường được mở cửa hoàn toàn.

Đọc E-paper

Bộ trưởng từ 159 quốc gia đã đạt một thỏa thuận nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu tại một cuộc họp tại Bali, Indonesia tuần trước. "Lần đầu tiên trong lịch sử, WTO đã thực hiện hết chức năng của mình. Chúng ta thực sự đưa từ "thế giới" trong tên gọi WTO về đúng nghĩa của nó”, Giám đốc WTO Roberto Azevedo phát biểu trong nước mắt như vậy khi tổ chức này đạt được thỏa thuận toàn diện đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1995.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: "Thỏa thuận lịch sử này có thể là một con đường sống cho những người nghèo nhất thế giới, cũng như mang lại lợi ích hơn 1 tỷ USD mỗi năm cho doanh nghiệp Anh ".

Có thể thấy sự hồ hởi và xúc động của lãnh đạo các nước trước thỏa thuận này khi tưởng chừng mọi đàm phán đi vào bế tắc trong nhiều năm qua. Nếu hội nghị tại Bali năm nay chấm dứt mà không có thỏa thuận nào được đưa ra, chắc chắn WTO không còn được nhìn nhận như là một diễn đàn quan trọng về đàm phán tự do thương mai đa phương.

Theo những gì đạt được tại hội nghị, các nước giàu đã đồng ý giúp đỡ các thành viên nghèo hơn thực hiện tự do hóa thương mại bước đầu, trong đó quan trọng nhất là mở cửa thị trường cho hàng hóa của các nước nghèo. Bên cạnh đó là việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia nghèo nhất. Một số nhà phân tích cho rằng, lợi ích của thỏa thuận mới đạt được này rất lớn, có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới 1 ngàn tỷ USD và 20 triệu việc làm.

> “Mùa xuân mới” cho Doha
> Nhiều lời mời từ Doha
> Vòng đàm phán Doha: "Kế hoạch B"
> Tạm biệt Doha, xin chào Bali!

Theo Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht, nếu có tăng trưởng thương mại tại các quốc gia nghèo nhất cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng trong đầu tư hạ tầng tại đây. Thực chất, thỏa thuận đã giải quyết bất đồng lớn nhất trong các cuộc đàm phán tự do thương mại nhiều năm qua.

Trong đó, Ấn Độ, đại diện cho các quốc gia đang phát triển, nhất quyết giữ quyền trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực tại những nước nghèo. Bên kia là Hoa Kỳ và một số nước giàu có khác phản đối quyết liệt vì cho rằng trợ cấp là vi phạm luật WTO.

Để giải quyết trở ngại này, một "điều khoản hòa bình" đã được thỏa thuận, theo đó, các thành viên sẽ không chống lại những vi phạm về giới hạn trợ cấp nông nghiệp như một phần của an ninh lương thực. Tuy nhiên, điều khoản này chỉ kéo dài bốn năm. Chính vì vậy, nhiều nhà vận động đã chỉ trích rằng thỏa thuận Bali đã "không đi đủ xa", chưa đáp ứng được hy vọng đồng thời là tham vọng của WTO về việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan trên toàn cầu, được bày tỏ suốt quá trình hơn một chục năm thương thảo tại Doha.

Nick Dearden của Phong trào phát triển thế giới cho biết: "Nếu Mỹ và EU thực sự muốn giải quyết vấn đề đói nghèo toàn cầu, họ đã có thể thực hiện các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn". Nhà vận động John Hilary của Phong trào War of Want, một nhóm trụ sở tại Anh, cho biết: "Các cuộc đàm phán đã thất bại trong việc bảo vệ lâu dài quyền lợi của những người dân nước nghèo, hàng trăm triệu người chết đói chỉ đơn giản là để đáp ứng các tín điều của thương mại tự do".

Theo đánh giá, thỏa thuận ký kết tại Bali đạt gần 10% quy mô của chương trình cải cách đưa ra ở Doha, nhưng nhiều người có trách nhiệm e ngại cho tương lai của chính WTO và cho chính sách đa phương nói chung, trong trường hợp thất bại ở cấp bộ. Toàn bộ các biện pháp ở mức tối thiểu được mệnh danh là một "Doha light" liên quan đến ba lĩnh vực. Các thành viên cam kết giảm trợ cấp xuất khẩu nông sản, dự kiến miễn dần thuế hải quan đánh trên sản phẩm của các nước nghèo và giảm các thủ tục quan liêu trong xuất nhập khẩu để tạo điều kiện cho các trao đổi thương mại.

Mặc dù vậy, thỏa thuận Bali vẫn được coi là "một bước quan trọng" nhằm tự do hóa các trao đổi thương mại được đề xướng tại Doha (Qatar) từ năm 2001 sau nhiều lần được cho là hoàn toàn mất hết hy vọng. Vòng thương lượng "Uruguay Round" trước đây kết thúc vào năm 1994 với thỏa thuận Marrakech (Maroc) đã dẫn đến việc thành lập WTO một năm sau đó. Vì thế, người ta hy vọng lịch sử sẽ lặp lại với bước tiến quan trọng tại Bali năm nay.

Song thực tế vẫn là thực tế. Ấn Độ luôn đòi hỏi phải được tăng trợ cấp nông nghiệp, lần này chỉ chấp nhận vào phút chót. Và đến lúc gần như đã thương lượng xong, các nước Cuba, Nicaragua, Bolivia và Venezuela đang đêm lại đòi phải thêm vụ Mỹ cấm vận Cuba vào khiến hội nghị phải kéo dài. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận toàn cầu đầu tiên trong lịch sử WTO chỉ mới là bước đầu trên "con đường thiên lý” hướng về việc tự do hóa trao đổi thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doha: Con đường thiên lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO