Doanh nghiệp Hong Kong và mối lo chuyển giao thế hệ

01/03/2017 06:28

Nhiều gia tộc lớn thống trị hoạt động kinh tế của Hong Kong đều có cùng mối lo chuẩn bị người kế tục.

Doanh nghiệp Hong Kong và mối lo chuyển giao thế hệ

Một trong 4 gia tộc giàu nhất Hong Kong đang chuẩn bị chuyển giao quyền thừa kế cho một thanh niên thế hệ thứ ba, như thể đang "thách thức" câu ngạn ngữ cổ: "Không ai giàu ba họ..."

Adrian Cheng - cựu sinh viên Harvard 36 tuổi, sẽ nắm quyền lãnh đạo 2 tập đoàn lớn của gia tộc Cheng: tập đoàn New World Development Co. chuyên lĩnh vực bất động sản và khách sạn và Công ty nữ trang Chow Tai Fook Ltd. Anh sẽ thay thế người cha 69 tuổi của mình là ông Cheng Kar-shun “Henry” mới vừa nghỉ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành do bệnh tật.

Nối nghiệp gia đình, anh Adrian Cheng sẽ lãnh đạo một trong số ít nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong, điều hành khách sạn Carlyle Hotel ở New York và 17 khách sạn khác ở châu Á, trong đó có khách sạn 5 sao New World Saigon ở TP.HCM.

Ở mảng kinh doanh nữ trang, anh phải điều hành công ty nữ trang lớn nhất thế giới với doanh thu toàn cầu lớn hơn đại công ty nổi tiếng Tiffany & Co tới 80%. Tính chung, gia tộc Cheng kiểm soát 4 công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa hơn 25 tỷ đô la Mỹ, chưa kể nhiều công ty chưa niêm yết.

Nhưng nhiều thách thức đang chờ Adrian ở phía trước. Ở mảng phát triển bất động sản và kinh doanh khách sạn, Adrian đang phải đối mặt với xu thế giảm tỷ suất lợi nhuận đã bắt đầu vài năm trước. Còn ở mảng nữ trang là sự sút giảm nhu cầu các mặt hàng trang sức cao cấp đắt tiền. Quan trọng hơn, anh phải làm sao duy trì các mối quan hệ mà các bậc tiền bối đã xây dựng nhiều thập niên trước.

Hong Kong vẫn là thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới nhưng New World Development không được hưởng lợi nhiều. Theo ngân hàng JPMorgan Chase&Co, giá đất cao đang làm xói mòn lợi nhuận của nhà phát triển, những khu nhà xây trên đất mua năm ngoái chỉ mang lại lợi nhuận 22%, giảm mạnh so với tỷ suất 32% nhà xây trên đất mua năm 2011. Để ứng phó, New World liên tục bán đi các bất động sản ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc để tập trung mua đất ở các thành phố loại 1, dự phòng giá đất có thể tăng hơn nữa.

Lợi nhuận của Công ty nữ trang Chow Tai Fook đã giảm suốt hai năm rưỡi qua do chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc đã khiến nhu cầu mua hàng trang sức cao cấp để tặng biếu giảm mạnh. Tháng 12 vừa qua, doanh số bán lẻ toàn Hong Kong giảm tháng thứ 22 liên tiếp do sức mua hàng trang sức và lượng khách du lịch đều giảm so với trước.

>>8 đặc trưng của các doanh nghiệp gia đình thành danh

Trong một bài phỏng vấn cuối năm ngoái, Adrian nói rằng anh sẽ xây dựng lại Chow Tai Fook, tập trung vào lớp người trẻ độ tuổi 20 bằng những mẫu thiết kế nữ trang hợp thời hơn và đẩy mạnh quảng bá trên toàn cầu.

“Trong 10 năm tới, thương hiệu Trung Quốc, xuất xứ Trung Quốc và tính sáng tạo Trung Quốc sẽ trở thành một phần của làng thời trang thế giới. Người ta sẽ bàn tán xem cái gì đang được chuộng ở Trung Quốc thay vì chỉ chạy theo những gì được chuộng ở Mỹ”, Adrian nói.

Chưa biết Adrian có thành công không nhưng theo GS. Joseph P.H. Fan của Đại học Trung Hoa ở Hong Kong - người đã bỏ ra 20 năm nghiên cứu các doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc - thì Adrian cần phải chứng tỏ mình.

“Anh ấy không cần phải biết mọi thứ về điều hành doanh nghiệp bởi vì các đội chuyên gia sẽ làm việc đó, nhưng anh ấy phải chứng tỏ mình có khả năng tập hợp mọi người làm việc cùng nhau”, GS. Fan nói.

Và dù còn trẻ nhưng anh Adrian - cháu đích tôn của nhà tài phiệt quá cố Cheng Yu-tung - đã được đào tạo bài bản về kinh doanh ở Đại học Harvard, đã rèn luyện nhiều năm ở hàng chục vị trí quản lý cao cấp như Phó chủ tịch tập đoàn New World Development và Giám đốc điều hành Công ty Chow Tai Fook.

>>Top 9 người thừa kế giàu nhất Ấn Độ

Chuẩn bị người kế tục không phải là chuyện riêng của gia tộc Cheng; một số gia tộc lớn thống trị hoạt động kinh tế của Hong Kong đang có cùng mối lo. Những gia tộc này, hầu hết đều rời Trung Hoa đại lục trong thập niên 1940 để tránh cuộc xâm lăng của quân phiệt Nhật, lập nghiệp và phát đạt ở Hong Kong, nay đều chuẩn bị chuyển giao cơ đồ cho lớp con cháu.

Tỷ phú Lee Shau Kee - nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Henderson Land Development Co. - vừa làm sinh nhật lần thứ 89, còn người giàu nhất Hong Kong - tỷ phú Li Ka-shing, Chủ tịch tập đoàn CK Hutchison - sẽ mừng sinh nhật lần thứ 89 vào tháng 7 tới.

Cũng như ông Li và ông Lee, ông Cheng Yu-tung và Cheng Kar-shun của gia tộc Cheng có quan hệ bền chặt và rộng rãi với quan chức, doanh nghiệp và giới đầu tư Hong Kong. Để kế nghiệp thành công, Adrian Cheng phải nỗ lực duy trì mối quan hệ ấy bởi vì theo GS. Fan, “Hong Kong chưa mấy người biết chàng trai này”.

Theo nghiên cứu của GS. Fan, các doanh nghiệp gia tộc thường mất khoảng 60% giá trị sau mỗi cuộc chuyển giao thế hệ bởi vì lớp cha anh không truyền lại được cho con cái các tài sản vô hình như quan hệ và lòng tin cậy. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Hong Kong và mối lo chuyển giao thế hệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO