Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai

28/06/2013 06:37

Theo các chuyên gia, tiến trình đô thị hóa của châu Á "gây sốc" về tốc độ tăng dân số, số lượng thành phố và mật độ dân cư - đây là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro thiên tai.

Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai

Theo các chuyên gia, tiến trình đô thị hóa của châu Á "gây sốc" về tốc độ tăng dân số, số lượng thành phố và mật độ dân cư - đây là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro thiên tai.

Trong 5 năm qua, phần nhiều trong những chuyến “viếng thăm của thiên tai" xuống hành tinh có điểm đến là châu Á, trong đó phải kể đến những trận lụt hồi năm 2011 tại Campuchia, Thái Lan và Philippines.

Lũ lụt tại khu vực phía bắc Bangkok nhìn từ trên cao

Năm 2011 là năm thiên tai gây nhiều tổn thất nhất cho loài người, với thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan – gây thiệt hại về kinh tế lên đến 380 tỷ USD, so với mức tổn thất 262 tỷ USD hồi năm 2005.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2011, Đông Á đã hứng chịu 80% tổn thất mà thiên tai gây ra trên toàn thế giới.

Trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2010, số dân thành thị ở châu Á đã tăng hơn 1 tỷ, nhiều hơn mức tăng ở các đô thị thuộc các khu vực khác của thế giới cộng lại. Dự báo, đến năm 2040, số cư dân thành thị ở châu Á sẽ tăng thêm 1 tỷ nữa.

Khu vực đô thị ở châu Á có mật độ dân số cao và là nơi có nhiều “siêu thành phố” nhất thế giới. Ước tính, đến năm 2050, châu Á sở hữu 21 trong tổng số 37 “siêu thành phố” trên toàn thế giới.

Số tài sản và siêu thành phố nở rộ cũng có nghĩa là nguy cơ xảy ra các thảm họa “trị giá” nhiều tỷ USD sẽ ngày càng lớn tại khu vực.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo Bangkok có nguy cơ cao phải đối mặt với thiên tai. Đặc biệt, lụt lớn có thể gây tổn thất nặng nề về kinh tế.

WB khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phải có ba bước chuẩn bị để đối phó với thiên tai: đánh tác động của chương trình quản lý nước trị giá 350 tỷ baht (11,5 tỷ USD); đảm bảo sự hợp tác giữa các cơ quan có chức năng phân tích/nghiên cứu thiên tai; và lên kế hoạch phát triển đô thị nhằm giảm thiểu rủi ro khi mở rộng đô thị.

Abhas Jha, phụ trách mảng quản lý giao thông vận tải, đô thị và thiên tai ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương thuộc WB cũng khen ngợi Chính phủ Thái Lan đã phản ứng nhanh và đối phó hiệu quả với trận lụt hồi năm 2011.

Chính phủ Thái Lan đã dành 350 tỷ baht trong ngân sách để đầu tư quản lý nước – nhân tố sẽ giúp kinh tế nước này phục hồi nhanh.

Tận dụng không gian hiệu quả, có kế hoạch sử dụng tốt đất đai, và lên kế hoạch đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu mở rộng các thành phố (để các trung tâm đô thị được bảo vệ tốt hơn) – sẽ là một thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách Thái Lan.

Với tốc độ đô thị hóa cao, vương quốc này phải đối mặt với một vấn đề hệ trọng, đó là chọn địa điểm đặt các khu sản xuất và công nghiệp.

Bert Hofman, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB về Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng, các thành phố lớn, trong đó có Bangkok, đang phải đối mặt với nguy cơ thiên tai ngày càng tăng do thiếu kế hoạch đô thị hóa hợp lý.

Xu hướng này có thể gây ra những tổn thất lớn về kinh tế cho dù khu vực đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Trong bối cảnh hơn 50% dân số Đông Á sống tại các thành phố như Bangkok, Jakarta và Manila, việc mở rộng các thành phố trong khu vực với tốc độ vũ bão là một mối lo do tạo ra nguy cơ lớn hơn để thảm họa xuất hiện.

Việc mở rộng các thành phố sẽ tăng liên tục trong 30 năm tới và buộc các chính phủ trong khu vực phải có công cụ quản lý tốt để bảo vệ đất nước trước thiên tai.

Theo báo cáo của WB, năng lực và ý thức đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai (DRM) giữa các nước ở Đông Á-Thái Bình Dương là không đồng đều. Đây là khu vực có các nước đã phát triển đang sở hữu các cơ sở hiện đại và công cụ tinh vi để quản lý hiệu quả rủi ro thiên tai. Đó là trường hợp của Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand.

Một số nước trong khu vực đã có những bước tiến đáng kể trong việc đưa DRM vào quá trình phát triển, như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Đông Á-Thái Bình Dương cũng là mái nhà của những nước đang phải đối mặt với hạn chế lớn về năng lực và thể chế như Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar và một số quốc đảo Thái Bình Dương.

Các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, Papua New Guinea và Timor-Leste đứng trước thách thức lớn về khả năng phục hồi sau thiên tai. Độ chênh về nguồn vốn và năng lực cũng tồn tại giữa chính quyền cấp trung ương và địa phương, cũng như giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Các nước có thu nhập thấp chưa trong tư thế sẵn sàng và thiếu vốn để thực hiện nhiệm vụ quản lý rủi ro và phục hồi kinh tế. Và hiện trạng này thể hiện rõ nhất ở cấp địa phương.

Tính trên quy mô toàn cầu, chưa đầy 20% nước có thu nhập thấp và trung bình thấp đầu tư vào việc lên kế hoạch sử dụng đất. Chỉ có chưa đến 30% các nước thu nhập thấp đầu tư vào các giải pháp hạn chế lở đất; gần 50% các nước thu nhập thấp đầu tư vào hệ thống tưới tiêu nước để giảm bớt lũ lụt.

Nhiều nước Đông Á-Thái Bình Dương đã đạt được tiến bộ trong quản lý rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia với việc xây dựng các chiến lược và hệ thống pháp lý, nhưng việc thực hiện vẫn là một thách thức. Các cơ quan, tổ chức ở cấp địa phương không đủ ngân sách, thiếu nhân lực và kỹ thuật để làm tròn vai khi ở tiền tuyến đối phó với thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO