Đặt cược vào khả năng đi lên của giá dầu

GIA LÊ| 13/10/2018 06:00

Giá dầu biến động mạnh gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường. Ngày 3/10, giá dầu Brent đã leo lên mức cao nhất trong gần 4 năm qua tại 86,74 USD/thùng, tăng hơn 28% so đầu năm. Giá dầu WTI của Mỹ cũng leo tiếp cận vùng 77 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 đến nay, tăng 27,4% so với đầu năm nay.

Đặt cược vào khả năng đi lên của giá dầu

Việc giá dầu tăng giảm mạnh ngày càng khó lường nhưng vẫn duy trì xu hướng đi lên là chủ đạo kể từ mức đáy vào tháng 12/2016 đến nay đã khiến các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ bắt đầu sốt ruột. Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này lại hướng sự quan tâm sang giá dầu và đổ lỗi cho OPEC bằng dòng tweet: "Chúng ta đang bảo vệ khu vực Trung Đông và họ sẽ chẳng an toàn được bao lâu nếu không có chúng ta, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục đẩy giá dầu ngày càng cao hơn! Chúng ta sẽ ghi nhớ điều này. Tổ chức độc quyền OPEC cần phải hạ giá xuống ngay lập tức!".

Dù vậy, OPEC và Nga đã từ chối tăng thêm sản lượng dầu theo như yêu cầu của ông Trump, vì cho rằng nguồn cung hiện tại đã đáp ứng đủ cho thị trường. Thậm chí Tổng thống Putin còn "phản pháo" lại quan điểm của ông Trump khi cho rằng chính Tổng thống Mỹ mới là thủ phạm làm cho giá dầu tăng cao, bằng cách tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị ảnh hưởng.

Chẳng những vậy, ngoài nỗi lo về cuộc chiến thương mại đẩy giá dầu lên cao, thì việc Mỹ cấm vận Venezuela đã đẩy nền kinh tế này lâm vào cảnh khốn đốn, việc khai thác dầu bị ngưng trệ, do đó nguồn cung dầu của Venezuela đã sụt giảm nghiêm trọng.

Thống kê trên các sàn giao dịch phái sinh cho thấy vị thế mua ròng các hợp đồng dầu Brent của các quỹ đầu cơ ngày càng tăng cho thấy giới đầu tư tiếp tục tin tưởng vào  khả năng tăng mạnh của giá dầu.

Mặc dù báo cáo gần đây của OPEC dự báo nguồn cung dầu từ các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2019, trong đó chủ yếu là nguồn cung tăng thêm từ Mỹ, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày và sẽ không theo kịp nguồn cung, do đó có thể gây áp lực lên giá dầu.

Tuy nhiên, giới phân tích hầu hết đều cho rằng giá dầu sẽ sớm chạm mốc 100 USD/thùng trong thời gian tới. Mốc cao nhất của giá dầu WTI là 147,2 USD/thùng và của giá dầu Brent là 147,5 USD/ thùng vào tháng 7/2008.

Trang web longforecast khi dự báo về thị trường dầu cho rằng giá dầu WTI sẽ kết thúc ở mốc 89 USD/thùng vào cuối năm nay, tức tăng thêm 16% từ mức cao nhất gần đây. Tiếp đó vào cuối năm 2019 sẽ leo lên mức 123 USD/thùng và củng cố ở vùng cao này trước khi đạt tới đỉnh điểm 145,58 USD/thùng vào tháng 5/2021 và sau đó sẽ giảm trở lại cho đến năm 2022.

Đối với giá dầu Brent, cuối năm nay sẽ đóng cửa ở mức 100 USD/thùng, cuối năm 2019 sẽ tiếp cận kỷ lục cũ ở 147 USD/thùng, củng cố quanh vùng này để tích lũy và đạt kỷ lục mới ở 173 USD/thùng vào tháng 5/2021. Sau đó sẽ bắt đầu xu hướng giảm trở lại và rớt về 95 USD/ thùng vào cuối năm 2022.

Có vẻ như những nhận định trên đang tin rằng giá dầu sẽ tăng vọt khi nền kinh tế được dự báo bắt đầu rơi vào khủng hoảng vào năm 2020 và lên tới đỉnh điểm vào năm 2021, điều từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng giai đoạn 2007 - 2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đặt cược vào khả năng đi lên của giá dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO