Đằng sau tòa nhà cao nhất Trung Quốc

KIM THỦY| 08/09/2016 06:28

Việc được công nhận là công trình xanh liệu có giúp tháp Thượng Hải - tòa tháp cao nhất Trung Quốc, trở thành biểu tượng tăng trưởng bền vững như quốc gia này đang ca ngợi?

Đằng sau tòa nhà cao nhất Trung Quốc

Việc được công nhận là công trình xanh liệu có giúp tháp Thượng Hải - tòa tháp cao nhất Trung Quốc, trở thành biểu tượng tăng trưởng bền vững như quốc gia này đang ca ngợi?

Đọc E-paper

Xu hướng công trình xanh

Tháp Thượng Hải có chiều cao 632m, tổng diện tích sàn 380.000m2, gồm 137 tầng, hiện là tòa nhà cao thứ hai thế giới sau Burj Khalifa ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất).

The Guardian đánh giá, với một quốc gia ưa thích việc xác lập kỷ lục như Trung Quốc thì việc cho lắp đặt hệ thống thang máy nhanh nhất thế giới hay xây dựng nhà hàng sang trọng bậc nhất tại đây cũng không lấy gì làm lạ, ngoại trừ tuyên bố mới đây của chính phủ nước này ca ngợi tháp Thượng Hải như một dấu hiệu tăng trưởng xanh bền vững, khi tòa tháp này đạt chứng chỉ Lãnh đạo trong thiết kế môi trường và năng lượng (LEED) hạng Bạch kim.

Theo tính toán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc hiện tiêu thụ 47% sản lượng than trên thế giới. Ngoài nạn phá rừng tràn lan, quốc gia này còn đối mặt với nạn ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ô nhiễm không khí khiến các nhà lập pháp đã yêu cầu có biện pháp mạnh để giảm kẹt xe, nhất là ở Bắc Kinh, Thượng Hải, đồng thời tăng cường trồng cây phủ xanh thành phố, đầu tư vào công nghệ xanh trên diện rộng.

Được biết, số tuabin gió được đặt trên tầng thượng của tháp Thượng Hải sẽ là nguồn năng lượng dùng để chiếu sáng khu vực bên ngoài và trong bãi đậu xe. Đồng thời, tòa nhà được bao phủ bằng 2 lớp kính trong suốt được cho là sẽ giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm nhu cầu sử dụng ánh sáng nhân tạo. Bộ điều khiển thông minh sẽ kiểm soát mọi thứ trong tòa nhà từ sưởi ấm, thông gió, giúp giảm năng lượng tiêu thụ. Theo công ty thiết kế tòa nhà Gensler, chỉ riêng việc điều khiển ánh sáng cũng giúp tiết kiệm được 556.000USD mỗi năm. Trong khi đó, các tính năng bền vững khác giúp giảm 34.000 tấn khí thải carbon ra môi trường từ tòa nhà mỗi năm.

Ngày 23/8, The Guardian dẫn lời kiến trúc sư Xiaomei Lee, Giám đốc quản lý Công ty Gensler chi nhánh Thượng Hải: "Tính đến thời điểm hiện tại, các công trình đều cố gắng thiết kế theo tiêu chuẩn xanh của LEED, nhưng chưa một tòa nhà siêu cao nào như tháp Thượng Hải đạt chứng nhận Bạch kim từ tổ chức này. Nhiều người cho rằng với kích cỡ khổng lồ như thế sẽ khiến tòa tháp khó đem lại hiệu quả tái tạo năng lượng một cách bền vững".

Trên thế giới đã có nhiều tòa nhà chọc trời được xây dựng theo hướng bảo vệ môi trường. Tòa tháp đôi Bosco Verticale (Rừng thẳng đứng) ở Milan (Italy) từng gây xôn xao với hàng trăm cây xanh khắp các tầng, mái nhà, giúp lọc không khí, làm đẹp thành phố. Khách sạn Stadthalle (Vienna, Áo) là khách sạn tự cấp năng lượng đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ Passivhaus - thuật ngữ chỉ những ngôi nhà siêu tiết kiệm năng lượng nhờ sử dụng tấm pin mặt trời, có hệ thống cách nhiệt, thu hồi nhiệt, tái sử dụng nguồn nước. Hay tòa tháp cao nhất London - The Shard, được thiết kế theo hướng thân thiện môi trường khi sử dụng ít hơn 30% mức năng lượng so với những tòa nhà cùng kích cỡ khác.

Theo thống kê, chỉ có 75 tòa nhà chọc trời hiện nay trên thế giới được tổ chức LEED công nhận là công trình xanh.

Những nhà thầu ủng hộ xu hướng xây dựng công trình xanh cho biết, họ mang tiếng là người gây ô nhiễm môi trường nhưng không thể phủ nhận những lợi ích môi trường mà các tòa nhà chọc trời mang lại. Mahesh Ramanujam - Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Mỹ nói: "Nếu được phát triển đúng cách, các tòa nhà này góp phần giữ gìn không gian xanh quý giá trong môi trường đô thị”.

Thật sự bền vững?

Đang có nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm "tòa nhà chọc trời xanh". Theo nhiều chuyên gia môi trường, các tòa nhà đang là tác nhân góp phần không nhỏ gây nên biến đổi khí hậu thông qua lượng khí thải carbon hằng ngày, và tòa tháp càng cao sẽ cần càng nhiều nguồn lực cho việc vận hành. Đó là chưa kể chiều cao của tháp có thể che ánh sáng tự nhiên trên đường phố, buộc nhu cầu sử dụng điện chiếu sáng của người dân tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến năng lượng mặt trời.

Shunfu Cha - một kỹ sư làm việc tại Thượng Hải phân tích: hai trăm tuabin gió được lắp trên tháp Thượng Hải chỉ đủ khả năng đáp ứng 10% sản lượng điện cho cả tòa nhà. Tại Trung Quốc, việc xây dựng các công trình xanh dường như chưa đem lại lợi ích rõ rệt cho môi trường khi đa phần các nhà thầu chỉ muốn sớm hoàn thành công trình và bán hết sản phẩm.

Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng, đến năm 2020, sẽ có 30%  tòa nhà mới của nước này được phủ xanh, bất chấp thực tế con số này mới chạm ngưỡng 1% theo thống kê năm 2014. "Tháp Thượng Hải là một trong những công trình xanh rõ ràng nhất, nhưng nó chỉ đóng góp một phần nhỏ cho việc sử dụng năng lượng tái tạo" - Cha nói. 

Bên cạnh đó, các tòa tháp cao cũng đối mặt với cáo buộc làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Mới đây, 260 tòa nhà chọc trời của London đã bị phản đối gay gắt bởi các nhà vận động xã hội khi cho rằng các nhà thầu chủ yếu xây dựng những căn hộ sang trọng phục vụ cho người giàu thay vì cung cấp nhà ở xã hội cho người dân. Nhiều tiểu bang ở Mỹ còn có quy định cắt giảm thuế dành riêng cho những tòa nhà tiết kiệm năng lượng dẫn đến việc có không ít khiếu nại cho rằng các công trình xanh đạt tiêu chuẩn LEED được xây dựng chỉ nhằm hưởng ưu đãi thuế.

Chưa kể việc đạt chứng nhận công trình xanh không phải lúc nào cũng đảm bảo sự phát triển bền vững. Các nhà phân tích cho rằng những tiêu chuẩn của LEED tập trung quá nhiều vào việc phát triển tòa nhà mà quên đi hiệu quả hoạt động sau đó.

Một báo cáo mới đây của Tạp chí New Republic cho biết tòa tháp trụ sở của ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ - Bank of America, vốn được ca tụng là "tòa nhà văn phòng có trách nhiệm với môi trường nhất trên thế giới" lại  tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn bất cứ tòa nhà văn phòng cùng kích cỡ khác tại Manhattan.

Với việc phụ thuộc quá nhiều vào tiêu chuẩn xếp hạng của LEED, giới phê bình cho rằng chính phủ và các nhà phát triển bất động sản đang quảng cáo quá nhiều về lợi ích của các công trình xanh mà bỏ qua tính hiệu quả lâu dài.

>Israel xây tháp năng lượng mặt trời cao nhất thế giới giữa sa mạc

>TPP: Ngành dệt may, da giày cần tận dụng lợi thế từ công trình xanh

> Công trình xanh Việt Nam: Nên học Singapore

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau tòa nhà cao nhất Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO