Đằng sau đợt tư hữu hóa lớn nhất của kinh tế Nga

LAM HỒNG| 04/11/2010 05:28

Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch tư hữu hóa với mục tiêu thu về khoảng 50 tỷ USD, chuyển nhượng một phần vốn của nhà nước trong các tập đoàn từ trước đến nay vẫn được coi là mang tính chiến lược đối với kinh tế Nga.

Đằng sau đợt tư hữu hóa lớn nhất của kinh tế Nga

Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch tư hữu hóa với mục tiêu thu về khoảng 50 tỷ USD, chuyển nhượng một phần vốn của nhà nước trong các tập đoàn từ trước đến nay vẫn được coi là mang tính chiến lược đối với kinh tế Nga. Đây là một đợt cải cách lớn hay xu thế tất yếu của toàn cầu hóa mà cường quốc Nga không thể đứng ngoài?

Sức ép khủng hoảng

Kế hoạch tư hữu hóa đã được chính quyền Nga thông qua ngày 20/10 và dự trù kéo dài trong 5 năm, liên quan đến 900 công ty nhà nước. Đáng nói hơn nữa là trong số này có nhiều tập đoàn được coi là mang tính chiến lược, như trong lĩnh vực năng lượng, tài chính hay vận tải.

Bất ngờ lớn nhất là Phó thủ tướng Nga Igor Chouvalov cho biết sẵn sàng bán lại 15% vốn của Tập đoàn dầu khí Rosneft, và như vậy Nhà nước có thể sẽ mất quyền kiểm soát Rosneft khi đã chuyển nhượng hơn 50% số vốn của Tập đoàn cho tư nhân.

Bất ngờ không kém liên quan đến ngân hàng Sberbank (ngân hàng lớn nhất mà nhà nước nắm 60,3%) và VTB (85% của nhà nước). Trong danh sách này còn có một loạt tập đoàn khổng lồ như: Tập đoàn xe lửa quốc gia RGD, Tập đoàn vận tải biển Sovkomflot, Tập đoàn thủy điện Rus-Guidro... Các tập đoàn lớn nêu trên đều sẵn sàng nhượng lại từ 4 - 50% tài sản.

Thời gian gần đây người ta thấy Tổng thống Medvedev không hề ngần ngại chỉ trích Thủ tướng Putin, ít nhất là bằng lời nói. Medvedev công khai chỉ trích các tập đoàn nhà nước cũng như bày tỏ sự không hài lòng về việc nền kinh tế nước Nga phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên.

Qua đó, Medvedev nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như đòi hỏi phải xác định tương lai cho nền công nghiệp tin học của nước Nga, truyền thông và vũ trụ, coi đó là những ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế.

Trong khi Medvedev nhắc đi nhắc lại việc hiện đại hóa, thì Putin, trong các phiên họp ở đảng Nước Nga thống nhất, đã tỏ ra hài lòng khi lắng nghe ý kiến của các đảng viên về các đặc điểm tích cực của việc duy trì chủ nghĩa bảo thủ và sự ổn định chính trị.

Ngay cả làn sóng tư hữu hóa các cảng và sân bay ở Nga gần đây cũng do Medvedev khởi xướng, ngược hẳn với cách mà Putin đã đối phó với cuộc khủng hoảng, nghĩa là quốc hữu hóa hoặc hỗ trợ các công ty và tập đoàn đang gặp khủng hoảng bằng ngân sách nhà nước.

Vì vậy, hẳn sẽ có nhiều nghi ngờ cũng như quan tâm về đợt tư hữu hóa 50 tỷ USD này của nước Nga. Để an lòng dư luận, đích thân Thủ tướng Nga Vladimir Putin gửi các thông điệp chào đón vốn đầu tư của nước ngoài vào ngành ngân hàng nước này.

“Nếu các thể chế tài chính vững chắc ở Mỹ và châu Âu đầu tư vốn vào các thể chế ngân hàng trọng yếu của chúng tôi, chúng tôi chẳng có gì phải phản đối cả. Chúng tôi đang cân nhắc chọn lựa này và chẳng thấy có gì bất thường”, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Putin.

Thực tế, với 900 công ty, đây là đợt tư hữu hóa quan trọng nhất được chính quyền Nga tiến hành kể từ những năm 1990. Nội các của Thủ tướng Putin hy vọng thu về 50 tỷ USD nhằm “hiện đại hóa” bộ mặt của đất nước, giảm bớt thâm thủng ngân sách nhà nước, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu cũng như của tình trạng dầu hỏa và khí đốt giảm giá.

Theo tiết lộ của Bộ Tài chính Nga, trong ba năm tới Nga sẽ “bội chi ngân sách”, cùng lúc đó, nợ của các ngân hàng và doanh nghiệp (DN) Nga vẫn sẽ cao hơn 400 tỷ USD. Điều này đã buộc lãnh đạo Nga đối mặt với áp lực thiếu vốn. Hay nói cách khác, khủng hoảng tài chính quốc tế đã cho ra đời công cuộc “tư hữu hóa” mới ở Nga.

Hiện đại hóa hay là chết

Mấy năm trước đây, chiến lược “tái quốc hữu hóa” của Putin đã giúp Chính phủ Nga thành lập được các DN cổ phần quốc doanh quy mô lớn ở mỗi lĩnh vực chiến lược quan trọng, tăng cường mạnh mẽ vai trò chủ đạo của nhà nước đối với nền kinh tế, duy trì hiệu quả sự ổn định kinh tế.

Theo đánh giá mới nhất, hiện tại Chính phủ Nga sở hữu cổ phần của khoảng 5.500 DN, số DN mà Chính phủ Nga trực tiếp và gián tiếp kiểm soát chiếm khoảng 45 - 50% tổng kinh tế Nga. Tỷ lệ này cao hơn mức bình quân 30% của toàn cầu.

Trong khi đó, đánh giá về các kế hoạch cải cách kinh tế tại Nga, các nhà phân tích muốn tìm hiểu khả năng nước Nga “có trở thành một nền kinh tế tự do thực sự hay không”.

“Hiện đại hóa hay là chết”, đó là khẩu hiệu cho nước Nga lúc này. Sau 10 năm tăng trưởng một cách khá dễ dàng, nước Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua.

Giờ đây, Nga ý thức được cơ sở hạ tầng công nghiệp của mình còn lạc hậu, đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp và nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu cơ bản.

Ông Igor Iourgens, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển của Nga, cho biết: “Nền kinh tế của chúng tôi đang mất cân đối. Nhà nước có tất cả, còn khu vực tư nhân thì chẳng có gì. Phần kinh tế quốc doanh chiếm 50% GDP, đây là điều hiếm thấy trong một nền kinh tế tự do”.

Trước “làn sóng tư nhân hóa mới” đáng kinh ngạc, có người thậm chí nghi ngờ chính sách kinh tế Nga đã thay đổi phương hướng. Thực tế, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ Nga vẫn luôn tích cực điều tiết nền kinh tế thị trường và thực chất, tư nhân hóa sẽ không ảnh hưởng đến cơ cấu quyền sở hữu của Nga.

Trong số tài sản cố định của Nga trong năm 2009, quyền sở hữu quốc gia chiếm 40%, trong đó liên bang và chủ thể liên bang chiếm 22%, thể chế tự trị địa phương (tương đương với thành phố và đơn vị hành chính bên dưới) chiếm 18%.

Như vậy, lần tư hữu này sẽ không làm suy yếu khả năng khống chế của Nhà nước đối với các công ty lớn, cũng sẽ không ảnh hưởng đến năng lực điều khống đối với toàn bộ nền kinh tế.

Về phương diện chuyển đổi chính sách, Tổng thống Nga Medvedev còn tuyên bố một kế hoạch: trong 10 năm tới sẽ giảm phân mức nắm giữ nền kinh tế của quốc gia từ 50% như hiện nay xuống còn 30%.

Có thể nói, hiện tại đang là thời cơ tốt nhất để bán cổ phần chính phủ, việc này không liên quan đến vấn đề cân bằng ngân sách, mà còn thể hiện lòng quyết tâm tự do hóa thị trường Nga với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Nga sắp bước chân vào Tổ chức Thương mại Thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau đợt tư hữu hóa lớn nhất của kinh tế Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO