Đàm phán TPP: Cần thêm một cuộc họp nữa

V.T| 01/08/2015 00:50

Vòng đàm phán TPP diễn ra vào ngày 31/7 tại Hawaii vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, song các bên cam kết sẽ tiếp tục đàm phán.

Đàm phán TPP: Cần thêm một cuộc họp nữa

Kết thúc cuộc họp ngày 31/7 tại đảo Maui-Hawaii, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung",song các bên cam kết sẽ tiếp tục đàm phán.

Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akima Amari khẳng định các bên đã tiến rất gần một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc. Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này.

Reuters cũng dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Australia - Andrew Robb - cho hay vấn đề còn tồn tại nằm ở 4 nền kinh tế lớn trên bàn đàm phán, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. “Điều đáng buồn là 98% nội dung thỏa thuận đã được kết luận”, ông nói.

Những khúc mắc chưa được giải quyết

Bất đồng giữa Nhật và khu vực Bắc Mỹ về ngành xe hơi, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến vòng đàm phán rơi vào bế tắc.

Trong khi Nhật Bản và Mỹ cố gắng nhất trí quyết định không đánh thuế đối với ô tô có xuất xứ từ khu vực tự do thương mại, thì Canada và Mexico - hai quốc gia có lợi ích gắn liền với ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ - lại phản đối ý kiến này.

Giữa Mỹ và Nhật Bản cũng tồn tại bất đồng khi Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng bỏ thuế đối với linh kiện xe hơi Nhật nhập vào Mỹ song không được chấp thuận. Nguyên nhân bởi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nhập khẩu nhiều linh kiện từ Thái Lan, mà Thái Lan lại không phải thành viên TPP nên các nước tham gia dây chuyền sản xuất không hài lòng.

Đàm phán TPP cũng gặp trở ngại khi New Zealand cho hay nước này không ủng hộ thỏa thuận trong đó thị trường sữa không được mở cửa. Phía New Zealand khẳng định họ sẽ không ủng hộ một hiệp định không cho phép “mở cửa” các thị trường sữa, chủ yếu là các thị trường xuất khẩu của New Zealand là Mỹ, Nhật, Canada và Mexico.

Ngoài vấn đề sữa của New Zealand, các bộ trưởng cũng chưa thỏa thuận được vấn đề bảo hộ dữ liệu dùng để phát triển các dược phẩm sinh học. Đây là một trong những bất đồng lớn nhất về quyền sở hữu trí tuệ của vòng đàm phán TPP. Trong khi Mỹ muốn bảo hộ 12 năm thì Úc lại cho rằng thời gian bảo hộ nên là 5 năm.

Các bên tham gia đàm phán cũng đề xuất 7 hoặc 8 năm để dàn hòa giữa 2 bên, nhưng cuối cùng cũng không thỏa thuận được.

Nguồn tin từ một quốc gia tham gia đàm phán cho hay: “Gần như Mỹ đơn độc ở một phía, còn tất cả các quốc gia khác ở phía kia. Cả 2 đều xem đây là vấn đề then chốt nhưng không đạt được thỏa thuận chung".

Thỏa thuận cuối cùng đang ở rất gần

Trao đổi về kết quả đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được tiến triển đáng kể trong đàm phán, và dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng song các bên sẽ thảo luận về những vấn đề còn khúc mắc.

Bên cạnh những bất đồng diễn ra trên bàn đàm phán, các Bộ trưởng đã đi đến thống nhất trong nhiều lĩnh vực.

Thỏa thuận về bảo vệ môi trường đã được ký kết, theo đó, tất cả 12 nước tham gia TPP sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ động vật hoang dã. Các chương trình trợ cấp có khả năng gây hại cho môi trường sẽ bị cấm.

Các nước cũng thống nhất về việc sẽ dán nhãn địa lý với sản phẩm xuất khẩu như thế nào, cũng như nhất trí về bộ quy tắc chung giải quyết xung đột lợi ích cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài.

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản, ông Akira Amari cho hay tất cả những vấn đề còn tồn đọng có thể được giải quyết bằng một cuộc họp nữa.

Tuy nhiên hiện các nước đàm phán TPP chưa đưa ra lịch cụ thể cho cuộc đàm phán cấp bộ trưởng tiếp theo.

Thất bại của vòng đàm phán lần này cho thấy những khó khăn để đi đến kết luận cuối cùng, khi có quá nhiều nước với hệ thống chính trị khác biệt tham gia, cho dù, một số nước như Việt Nam, Malaysia, New Zealand đã nhượng bộ rất nhiều để có cơ hội thâm nhập vào thị trường Mỹ, tờ New York Times bình luận.

Đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3/2010 với sự tham gia của 12 quốc gia - chiếm 40% GDP toàn cầu gồm: Việt Nam, Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

TPP được kỳ vọng là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và nếu có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

>Tham gia TPP: GDP Việt Nam có thể tăng đến 30%

>Có TPA, Obama vẫn khó kết thúc nhanh TPP

>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

>Đàm phán TPP: Nhật muốn "ngửa con bài cuối"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàm phán TPP: Cần thêm một cuộc họp nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO