Đại học thực hành - mô hình giáo dục tương lai?

30/06/2016 06:47

Từ năm 2002, Đại học Olin với mô hình “không bài giảng, không lớp học, không khoa chuyên ngành” đã đón 658 trường đại học từ 45 quốc gia đến học hỏi.

Đại học thực hành - mô hình giáo dục tương lai?

Từ năm 2002, Đại học Olin với mô hình “không bài giảng, không lớp học, không khoa chuyên ngành” đã đón 658 trường đại học từ 45 quốc gia đến học hỏi.

Khi nhà khoa khọc vật liệu Christine Ortiz tưởng tượng trong đầu trường đại học lý tưởng của mình, đó là một ngôi trường “không bài giảng, không lớp học, không khoa, không chuyên ngành”. Sinh viên sẽ giải quyết các vấn đề thực tế và hóc búa ở ngoài trời. Nếu cần, họ sẽ tìm hiểu qua internet, chứ không hỏi giảng viên. Ngôi trường trong suy nghĩ của bà hoàn toàn khác xa với mô hình đại học truyền thống. Nhưng nó sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực: Tháng 7 này, sau 6 năm giữ chức chủ nhiệm khoa đào tạo sau đại học tại MIT, Ortiz sẽ ra đi để thành lập một trường đại học mới, dự kiến ra mắt trong 5 năm tới.

Đây là ví dụ điển hình cho cái mà Geoff Mulgan, CEO của tổ chức nghiên cứu Anh Nesta, gọi là “sự trỗi dậy của các trường đại học được thúc đẩy bởi thách thức”. 15 năm qua, hàng chục trường như vậy đã được thành lập tại nhiều nước từ Chile cho đến Trung Quốc. Có thêm nhiều trường khác dự kiến sẽ ra đời. Dù khác nhau về quy mô nhưng các trường này đều có chung cách tiếp cận. Đó là từ bỏ cách học thông thường xưa nay: bài giảng, sách giáo khoa, “đóng đô” ở thư viện, các bài thi và cả giáo sư. Thay vào đó, sinh viên làm dự án theo nhóm để giải quyết các vấn đề đặt ra. Doanh nghiệp thường tài trợ cho các dự án như vậy và cung cấp người hướng dẫn.

Một lý do cho nỗ lực trên là vì muốn nuôi dưỡng cách suy nghĩ phân tích, sáng tạo của giới trẻ. Những người ủng hộ “học sâu” (deeper learning) cho rằng các phương pháp dạy học ngày nay rất khó hiểu. Tony Wagner, tác giả cuốn Creating Innovators, cho rằng các trường không kích thích được tính tò mò của người học.

Ông chỉ ra nghiên cứu năm 2011 của nhà xã hội học Richard Arum, Đại học New York và Giáo sư Josipa Roksa, Đại học Virginia. Theo đó, mặc dù bỏ ra 4 năm học, nhưng có đến 36% sinh viên ra trường của Mỹ đã không cải thiện được điểm số Collegiate Learning Assessment, một bài kiểm tra về tư duy phân tích. Những người ủng hộ mô hình mới cũng trích các nghiên cứu của tác giả Kyung Hee Kim, thuộc College of William & Mary, cho rằng các điểm số Mỹ về tính sáng tạo đã giảm kể từ năm 1990 cho dù điểm số IQ trung bình đã tăng lên.

Bản thân các sinh viên cũng muốn được dạy những cách khác nhau. Khoảng 96% trong số 27.000 sinh viên được Zogby khảo sát hồi năm ngoái cho biết họ muốn các trường đại học phải thúc đẩy môi trường khởi nghiệp.

Nhu cầu bằng cấp gia tăng đã khiến các trường đại học trở nên tự mãn, không tìm tòi cách dạy mới, theo Nick Hillman thuộc tổ chức nghiên cứu Anh Higher Education Policy Institute. Hầu hết các trường đại học đều đưa ra chương trình học 3-4 năm cho tất cả các chuyên ngành, Andy Westwood thuộc Đại học Manchester nói thêm. François Taddei - Giám đốc Centre for Research and Interdisciplinarity, một trường đại học do ông thành lập tại Paris năm 2005, thì cho rằng mặc dù các sinh viên thường kêu ca về cách giảng dạy, nhưng họ đều ra trường trước khi có thể tạo nên bất cứ thay đổi nào. Trong khi đó, các giảng viên vẫn duy trì cách dạy cũ. Các chính phủ cũng “bảo vệ” lối giảng dạy này bằng cách khuyến khích các trường đại học leo lên các thứ hạng quốc tế cao hơn mà các bảng xếp hạng này lại dựa trên mô hình giáo dục đào tạo chuẩn.

Tất cả những điều này khiến các nhà tuyển dụng cảm thấy chán nản. Khoảng phân nửa số doanh nghiệp được Confederation of British Industry khảo sát vào năm 2015 cho biết các sinh viên tốt nghiệp chưa được chuẩn bị để đi làm việc. Theo một báo cáo năm ngoái của Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Mỹ, các sinh viên thiếu kiến thức ứng dụng, tư duy phân tích và kỹ năng giao tiếp.

Than phiền của giới chủ doanh nghiệp về giáo dục không có gì mới. Nhưng cái mới là ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt tay hành động. Một số công ty đưa ra các khóa đào tạo nâng cao, như thông qua “Đại học” Starbucks. Các doanh nghiệp khác như McKinsey Academy đang bán mô hình đào tạo của họ ra bên ngoài. Một số cung cấp các chương trình thay thế cho đại học. Chẳng hạn, hãng tư vấn PwC năm nay sẽ tuyển dụng khoảng 160 học sinh vừa rời ghế nhà trường. Những ai hoàn tất các chương trình chuyên sâu có thể tham gia cùng “chương trình tốt nghiệp” như những người tốt nghiệp đại học.

Mặc dù ranh giới giữa đào tạo doanh nghiệp và bậc đại học đang lu mờ, nhưng những người trẻ tuổi tham vọng đa phần vẫn muốn chọn đại học. Tuy nhiên, các trường đang thích nghi với nhu cầu thay đổi của sinh viên và nhà tuyển dụng.

Một ví dụ là đại học kỹ thuật Olin College ở Massachusetts. Trong suốt 4 năm học, sinh viên hoàn tất 20-25 dự án. Họ bỏ ra khoảng 4/5 thời gian làm việc theo nhóm và kết hợp ý tưởng từ các môn học khác nhau, như sinh học và lịch sử trong một khóa học “6 vi khuẩn đã làm thay đổi thế giới”. Richard Miller, Chủ tịch Olin, cho rằng các dự án giúp tăng trí nhớ và rèn giũa kỹ năng giao tiếp. Kể từ khi mở lớp đầu tiên vào năm 2002, Olin đã đón 658 trường đại học từ 45 quốc gia đến tham quan học hỏi mô hình. Indian School of Design & Innovation ở Mumbai, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Đại học Pohang ở Hàn Quốc cũng đang áp dụng mô hình giảng dạy tương tự.

Trong năm 2017, trường đại học tư nhân phi lợi nhuận New Model in Technology & Engineering (NMITE) sẽ ra mắt ở Anh. Giống như ở Olin, giảng viên sẽ được mời về vì tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, chứ không dựa vào số báo cáo của họ được xuất bản. Các sinh viên sẽ cần các chứng chỉ rời trường nhưng không cần phải học toán hay môn vật lý. Họ sẽ phải học nghệ thuật và khoa học xã hội. Các lớp học chỉ từ 20-30 sinh viên và họ sẽ có 3,5 giờ trao đổi với giáo viên mỗi ngày.

Một ví dụ khác là Design Factory, thuộc Đại học Aalto ở ngoại ô Helsinki. Design Factory đưa các sinh viên ngành kỹ thuật, nghệ thuật và kinh doanh lại với nhau để cùng thiết kế, phát triển và đưa ra thị trường một sản phẩm nào đó. Nhà sáng lập Kalevi Ekman cho biết ông đang “mang lý thuyết và thực hành lại gần nhau hơn”. Mô hình của ông đã được đưa sang 9 nước khác như Mỹ, Úc và Hàn Quốc... Các trường mới cũng rất sành điệu về công nghệ. Nhiều trường sử dụng mô hình “học đảo ngược” (flipped learning), tức sinh viên học các môn cơ bản thông qua các khóa học trực tuyến và khi lên đại học thì nhảy ngay vào thực hành.

Dù phương pháp cụ thể có khác nhau, nhưng “các trường đại học được thúc đẩy bởi thách thức” đã mang lại luồng gió mới cho thế giới. Các sinh viên Design Factory làm sản phẩm cho các công ty như Kone, Airbus và Philips. Nếu một ý tưởng xuất sắc, họ có thể đưa nó trở thành một lĩnh vực kinh doanh tại “startup sauna”, vườn ươm do các sinh viên Aalto điều hành. Tại Hyper Island (có cơ sở tại Anh, Singapore và Thụy Điển...), bằng thạc sĩ truyền thông số được “giám sát” bởi các chuyên gia từ IBM, hãng tư vấn thiết kế IDEO...

Dẫu vậy, một số nhà phê bình lo ngại sinh viên có thể sẽ bỏ qua những môn nền tảng quan trọng như vật lý. Và cũng không có đánh giá sâu về liệu các trường dạy mô hình mới có giúp cải thiện điểm số ở các cuộc kiểm tra mà ông Wagner nêu ra. Ông Taddei thì nói các trường như của ông không dành cho sinh viên bình thường mà cho những sinh viên thông minh, chán dạy theo bài giảng và sách giáo khoa.

>Các nước ráo riết xây dựng đại học hàng đầu

>Đại học - cánh cửa đến với thành công?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học thực hành - mô hình giáo dục tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO