Con đường tơ lụa của Trung Quốc ảnh hưởng toàn cầu thế nào?

GIANG LANG| 06/08/2018 09:20

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình ra đời nhằm củng cố, phát triển kinh tế và bành trướng sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đế chế trong thế kỷ XXI này được dẫn lối bởi thương mại và những món nợ, không còn là những đoàn quân trên con đường chinh chiến, Bloomberg viết. Theo hãng tin này, nếu tham vọng của ông Tập thành hiện thực, Bắc Kinh chắc chắn sẽ giữ vị trí trung tâm trong trật tự kinh tế thế giới mới, với độ bao phủ hơn một nửa địa cầu.

Sáng kiến về một Con đường Tơ lụa mới được Chủ tịch Tập nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2013. Nó đang dần cân bằng lại vị thế kinh tế - chính trị giữa các đồng minh. Các quốc gia kém phát triển trở nên nổi bật trên bức tranh lớn. Bị tụt hậu trong suốt nửa thế kỷ đã qua của sự phát triển toàn cầu, các quốc gia này nhanh chóng chớp lấy lời hứa của Trung Quốc về những dự án đầu tư tài chính có thể giúp họ trở lại cuộc đua.

Thế nhưng, khi một số lãnh đạo bắt đầu dè chừng, chi phí tài trợ của Trung Quốc ngày một tăng lên. Những quốc gia hưởng lợi từ Hambantota, Sri Lanka đến Piraeus, Hy Lạp bắt đầu nghi ngờ về cái giá họ phải trả trong dài hạn.

Malaysia là một trong những quốc gia được Trung Quốc đầu tư nhiều nhất tại Đông Nam Á. Thủ tướng mới tái nhiệm của họ - ông Mahathir Mohamad đang lùi lại. Tỏ ra quan ngại trước những điều kiện vay nợ và sử dụng nguồn lao động Trung Quốc làm giảm lợi ích cho kinh tế nội địa, ông buộc ngừng triển khai tất cả các dự án xây dựng đường ray và ống dẫn, trị giá hàng tỷ đô do Trung Quốc đầu tư.

Link bài viết

Theo tính toán của Morgan Stanley, chỉ trong một thập kỷ, Trung Quốc và những đối tác trong khu vực của họ sẽ tiêu khoảng 1,3 nghìn tỷ đô cho các dự án cầu đường, đường sắt, cảng và mạng lưới điện.

Tại Trung Quốc, BRI cũng mang ý nghĩa chính trị quan trọng. Với chính phủ và các công ty quốc doanh đầu tư khắp nơi trên thế giới, ông Tập khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các dự án trong nước, để làm giàu cho nền kinh tế, cũng như gián tiếp củng cố cho chính quyền của ông.

Doanh nghiệp Trung Quốc dựa vào BRI để định vị những hạn chế ông Tập sẽ dành cho đầu tư từ nước ngoài và luồng vốn. Rất nhiều trong số họ núp bóng các dự án “con cưng” của Chủ tịch Tập để nhận hồng ân từ chính quyền. Trong năm nay, dự án này đã vươn tới Nam Mỹ, vùng Caribe và ngay cả Bắc Cực. Hồi tháng 6, Bắc Kinh tuyên bố các nước tham gia dự án của họ sẽ được ưu tiên sử dụng dịch vụ định vị và điều hướng trên toàn cầu từ vệ tinh mới của họ.

Mạng lưới thương mại phát triển nhanh chóng, bao gồm hai vế Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển, đã bao phủ ít nhất 76 quốc gia. Đa số trong đó là các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh cùng với nhiều quốc gia ở rìa đông của châu Âu.

Không có gì bất ngờ, khi phần lớn thương mại toàn cầu đều dựa vào hàng hải, hầu hết các nơi đầu tiên ký kết cùng các gói đầu tư Trung Quốc là các hải cảng, đường ống dẫn và các mối giao thông kết nối giữa cảng và thị trường tiêu thụ. Trung Quốc đang dự tính xây mới và xây thêm hàng chục cảng biển, đặc biệt là xung quanh Ấn Độ Dương. Điều này đã đánh động cảnh giác của Washington và New Delhi về việc: Bao nhiêu cảng sẽ cho phép tàu chiến Trung Quốc neo đậu?

Giống như lực lượng hải quân hùng hậu và mạng lưới căn cứ quân sự bao trùm đã bảo vệ cho đế chế thương mại của Anh vào thế kỷ XIX và Mỹ vào thế kỷ XX, hạm đội tàu ngầm, tàu sân bay và tàu chiến mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ cạnh tranh trực tiếp với sức mạnh của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường tơ lụa của Trung Quốc ảnh hưởng toàn cầu thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO