Chống kẻ thù vô định

LAM HỒNG| 24/04/2013 04:16

Nếu vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đặt nước Mỹ vào tình trạng bất an trong chiến tuyến chống khủng bố toàn cầu...

Chống kẻ thù vô định

Nếu vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đặt nước Mỹ vào tình trạng bất an trong chiến tuyến chống khủng bố toàn cầu, thì vụ đánh bom ở Boston mới đây khiến chiến tuyến này trở nên mong manh hơn khi kẻ thù lại ở trong lòng nước Mỹ.

Đọc E-paper

Một nạn nhân trẻ em trong vụ đánh bom

Ngày 15/4 là Ngày Yêu nước nhưng đã đi vào lịch sử nước Mỹ với sự đau thương khi hai quả bom phát nổ ở Boston khiến 3 người chết và 180 người bị thương.

Hai anh em Tamerlan và Anzor Tsarnaev được coi là nghi phạm đã thực hiện vụ đánh bom đẫm máu này. Động cơ của vụ đánh bom này khiến cả Tổng thống Mỹ Barack Obama phải ngạc nhiên trong đau xót: "Không hiểu vì sao hai kẻ lớn lên và ăn học tại nước Mỹ lại có hành vi tàn bạo như vậy với nước Mỹ!".

Cả hai nghi phạm đều ở tuổi thanh niên, đã được nước Mỹ cưu mang sau khi rời khỏi Chechnya cùng gia đình sau cuộc xung đột diễn ra ở đây vào những năm 1990.

Tamerlan từng theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Bunker Hill với mơ ước trở thành một kỹ sư. Người em trai Dzhokhar Tsarnaev đã giành được khoản học bổng 2.500 USD vào năm 2011 từ thành phố Cambridge.

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải anh em nhà Tsarnaev đã có liên quan tới các tổ chức khủng bố hay chỉ là những "con sói cô độc"? Tất cả còn đang được xác minh nhưng rõ ràng rằng, vụ tấn công khủng bố do anh em nhà Tsarnaev gây ra đã cho thấy việc chống lại những kẻ cực đoan hình thành từ trong lòng nước Mỹ là công việc vô cùng khó khăn.

Kể từ ngày 11/9/2011, các cuộc tấn công hay khủng bố nước Mỹ gần như đã được chặn đứng. Theo số liệu của New America Foundation, có 380 người đã bị buộc tội âm mưu tấn công nước Mỹ.

Trong số đó, 77 người được cho là chế tạo vật liệu bom và đã bị bắt trước khi thực hiện các vụ đánh bom. Theo Brian Michael Jenkins, một chuyên gia chống khủng bố tại Rand Corp, nước Mỹ sau sự kiện 11/9 là "giai đoạn bình yên nhất" kể từ năm 1960. Bởi vì, trong những năm 1970, trung bình các cơ quan an ninh Mỹ phải đối mặt với trung bình 50 - 60 vụ đánh bom khủng bố.

Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, mối đe dọa từ Al Qaeda và nguy cơ cuộc khủng bố quy mô lớn nhằm vào Mỹ đã được giảm thiểu.

Thế nhưng phong trào Hồi giáo cực đoan lại được truyền bá rộng rãi hơn. "Những kẻ ác tâm đơn độc, những kẻ cực đoan nội địa và các nhóm lấy cảm hứng Hồi giáo cực đoan vẫn quyết tâm tấn công các lợi ích phương Tây", James Clapper phát biểu.

Vụ đánh bom tại Boston cho thấy nước Mỹ phải đối phó với những kẻ thù mới, đó chính là những kẻ cực đoan hình thành từ chính bên trong nước Mỹ.

Đó có thể là bất kỳ ai, đặc biệt là những kẻ cực đoan kết nối thành một tổ chức chung qua internet. Chúng được nhồi sọ tư tưởng cực đoan mà thậm chí còn không cần phải rời khỏi máy tính.

Neil Doyle, một chuyên gia về hiện tượng cực đoan hóa qua mạng internet, cho trang tin CBSNews.com biết, cách tiếp cận với thế giới của anh em Tsarnaev đã "cho thấy các bằng chứng về hiện tượng tự cực đoan hóa bản thân".

"Chúng tôi biết phải làm gì với al-Qaeda nhưng chưa hiểu rõ và chưa biết phải làm gì với những kẻ tự cực đoan và có thể dẫn đến bạo lực", Rick Ozzie Nelson, một cộng tác viên cao cấp trong chương trình chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu Tổng thống Obama hành động để Djokhar Tsarnaev phải ra tòa với tư cách "chiến binh thù địch", theo diện dành cho tất cả nghi can khủng bố dù không có bằng chứng. Theo các viên chức Mỹ, hai anh em nghi phạm không bị giám sát đặc biệt, tuy FBI đã tra hỏi người anh Tamerlan vào năm 2011. Reuters cho biết, theo một nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ, thì chính quyền Nga từ năm 2011 đã đề nghị FBI điều tra về nhân vật trên, dựa trên cơ sở Tamerlan là tín đồ Hồi giáo cực đoan. Thông báo của FBI cho biết, hồ sơ trên đã bị xếp lại do không có bằng chứng "hoạt động khủng bố trong hay ngoài nước".

Những kẻ thù mới của nước Mỹ như anh em Tsarnaev song hành với nạn bạo lực bùng phát tại nước Mỹ trong thời gian gần đây. Hàng loạt các vụ xả súng diễn ra giết chết nhiều người với những kẻ thủ ác đều ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc trong một xã hội "tự do súng đạn", cũng đồng nghĩa với "tự do giết chóc". Trong một diễn biến phản ánh rõ những mâu thuẫn đảng phái sâu sắc trong một vấn đề xã hội nóng hổi của nước Mỹ, ngày 17/4, Thượng viện Mỹ đã không thông qua dự luật tăng cường kiểm soát súng đạn.

Đây được coi là một thất bại trong nỗ lực ráo riết nhiều tháng qua của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát như đã từng xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái tại bang Connecticut làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 học sinh từ 6-8 tuổi.

Ngay sau kết quả bỏ phiếu của Thượng viện, Tổng thống Barack Obama đã xuất hiện cùng với thân nhân của các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Connecticut mạnh mẽ chỉ trích và cho rằng tính chất đảng phái đã phá hỏng một dự luật được cử tri cả nước ủng hộ mạnh mẽ.

Ông Obama cho rằng: "Ngày Thượng viện nói "Không" với dự luật này là một ngày đáng hổ thẹn đối với thiết chế chính trị đảng phái ở thủ đô Washington".

Hơn một thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9/2001, nước Mỹ lại hứng chịu một vụ tấn công đẫm máu nhưng lần này không biết hiểm họa đến từ đâu.

Nếu vụ khủng bố tòa tháp đôi buộc nước Mỹ mở rộng cuộc chiến chống khủng bố khắp tòan cầu, thì vụ đánh bom ở Boston sẽ khiến nước Mỹ lúng túng trong việc triển khai cuộc chiến ở ngay trong nước Mỹ.

Đổ nhiều tiền hơn vào các chiến dịch quân sự hoặc các biện pháp an ninh mới tốn kém đã không làm cho nước Mỹ an toàn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống kẻ thù vô định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO