Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguồn lực của Bắc Kinh nằm ở đâu?

GIANG LANG| 18/07/2018 08:28

Khối đầu tư tư nhân và Liên minh châu Âu (EU) được cho là hai nguồn lực tiềm năng để Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến thương mại này.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguồn lực của Bắc Kinh nằm ở đâu?

Trung Quốc nên thúc đẩy đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước, cùng lúc đó liên kết với EU và Nhật Bản để có thể giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đây là ý kiến của một chuyên gia Trung Quốc, giữa lúc Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng các biện pháp thuế quan, trả đũa thương mại.

Trong báo cáo ngày 17/7 của Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia, thuộc Đại học Nhân dân, các nhà kinh tế Trung Quốc cũng nêu rõ quốc gia này phải khiến các công ty đa quốc gia lệ thuộc vào thị trường nội địa nhiều hơn nữa, bằng cách “nhập khẩu hàng hóa của họ vào Trung Quốc và cho phép họ địa phương hóa sản phẩm, cũng như hoạt động mua bán”.

Cách làm này có thể giúp Bắc Kinh tạo đối trọng với chính sách đơn phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cùng lúc đó, báo cáo trên cũng đề xuất Trung Quốc phải thật “linh hoạt” với danh sách các biện pháp trả đũa thuế quan và kiểm soát chặt dòng vốn xuyên biên giới.

Link bài viết

Thật ra rất nhiều trong số những kế sách trên đều đã nằm trong kế sách và từng động thái của Trung Quốc, từ khi ông Trump bắt đầu leo thang căng thẳng và đe dọa áp thuế nhập khẩu 10% lên lượng hàng hóa có giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc. Mỹ cũng từng áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Trung Quốc đã kiện vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp đối phó cụ thể nào được công bố.

“Để đấu với chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, (chúng ta) phải lợi dụng những lợi ích khác nhau giữa các quốc gia để thắt chặt hợp tác kinh tế với Nhật, EU, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Nhật và Nga”, báo cáo này viết.

Nó được công bố một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU tại Bắc Kinh, sự kiện được cho là mang tín hiệu khởi sắc cho hiệp ước đầu tư song phương.

Thế nhưng giáo sư Yu Chunhai của Đại học Nhân dân, đồng tác giả của báo cáo trên, lưu ý rằng nền tảng hợp tác của Trung Quốc và EU vốn “không vững chắc như ta tưởng”. Lý do xuất phát từ thực tế EU chưa có nhiều đóng góp trong chuỗi giá trị hàng hóa đang quá gắn chặt với Mỹ của quốc gia này.

Trên chiến tuyến nội địa, các chuyên gia đề xuất Bắc Kinh đẩy mạnh tiêu dùng bằng cách gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư tư nhân ở những khu vực chăm sóc y tế, giáo dục, du lịch và an ninh xã hội.

Ngoài ra, nước này còn cần phải khiến tỷ giá đồng Nhân dân tệ “uyển chuyến hơn” – một gợi ý rằng Bắc Kinh có thể tăng giá đồng tiền này. Song song đó là cải thiện kiểm soát tàì khoản vốn để giảm thiểu tác động từ “đồng đô Mỹ và chính sách tiền tệ của Mỹ đối với tình hình tiền tệ, tài chính và kinh tế của Trung Quốc”.

Ông Mei Xinyu, một nhà nghiên cứu hợp tác cùng Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng tinh với các đề xuất trên. Ông cho rằng Trung Quốc đã tăng cường hợp tác kinh tế cùng EU và Nhật Bản, cũng như lợi dụng chiến tranh thương mại làm bài kiểm tra, nhằm tìm ra các lỗ hổng kinh tế.

Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân, ông Liu Yuanchun cho biết nước này đã tiến vào “thời kỳ khó khăn thực sự”, do cuộc chiến thương mại diễn ra giữa thời điểm Trung Quốc đang thực hiện những điều chỉnh cấu trúc đầy “đau đớn”.

Ông Liu nói hiện trạng trên vốn đã lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc.

“Chúng ta cần tinh chỉnh các chính sách của mình để bù đắp cho một chuỗi các cú sốc, nhất là những cái xuất phát từ bên ngoài… Cuộc chiến tranh thương mại (với Mỹ) hoàn toàn không tuân theo logic kinh tế mà là chính trị. Nó sẽ không chấm dứt ngay và leo thang dần dần”, ông nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguồn lực của Bắc Kinh nằm ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO