Chiến tranh của Obama

LAM HỒNG| 10/12/2009 08:24

Sau hơn 8 năm sa lầy, Mỹ đã phát động một cuộc chiến mới tại Afghanistan với hy vọng thay đổi được cục diện tại đây. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên của người mới nhận giải Nobel Hòa bình Thế giới...

Chiến tranh của Obama

Sau hơn 8 năm sa lầy, Mỹ đã phát động một cuộc chiến mới tại Afghanistan với hy vọng thay đổi được cục diện tại đây. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên của người mới nhận giải Nobel Hòa bình Thế giới...

Sự giận dữ của rắn mang bành

Quân đội Hoa Kỳ cho hay, hơn 1 ngàn binh sĩ của liên minh tại Afgahnistan, hầu hết là từ Hoa Kỳ, đã phát động một chiến dịch tấn công mới nhắm vào những cứ điểm của Taliban ở miền nam Afghanistan. Người phát ngôn lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, thiếu tá William Pelletier cho hay, mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ sự hiện diện của phe Taliban và cắt đứt đường tiếp tế. Chiến dịch có tên "Sự giận dữ của rắn mang bành" được phát động hôm thứ Sáu, tại thung lũng Now Zad ở tỉnh Helmand. Các hoạt động này khởi đầu một cuộc chiến mới của quân đội Mỹ thực hiện tại Afghanistan dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Đúng với chờ đợi của giới tướng lĩnh Mỹ, ông Obama đã tuyên bố sẽ đưa 30.000 quân tăng viện cho chiến trường Afghanistan. Giải thích về quyết định khó khăn này, ông Obama đã nêu bật tính chất tối cần thiết của việc can thiệp vào Afghanistan, cũng như nước Pakistan lân cận: “Tôi đã không đưa ra quyết định này một cách hời hợt. Nếu tôi không cho rằng tình hình Afghanistan ảnh hưởng đến nền an ninh của nước Mỹ và của người dân Mỹ, thì tôi đã hoan hỉ ra lệnh cho toàn bộ người của chúng ta rời khỏi Afghanistan ngay từ ngày mai rồi. Sở dĩ tôi phải quyết định như vậy, là vì tôi tin chắc rằng an ninh của chúng ta được quyết định tại Afghanistan và Pakistan. Các nơi đó là tâm điểm của chủ nghĩa cực đoan đầy bạo lực do Al Qaeda thực hiện".

Đây là lần thứ hai ông Obama tăng quân số tại Afghanistan, sau khi đã điều thêm 17.000 lính hồi tháng Hai. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực tăng cao với hơn 900 lính Mỹ đã chết tại Afghanistan, cùng cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng Tám đã khiến dư luận Mỹ ngày càng bất mãn với cuộc chiến tại Trung Á này.

Theo ước tính sơ bộ, việc phái thêm 30.000 binh lính qua Afghanistan sẽ tốn kém thêm khoảng 30 tỷ USD cho ngân sách Mỹ. Đây là vấn đề mà Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phải xem xét, vì điều động thêm quân đội là một nhiệm vụ khó khăn với Chính phủ Mỹ và liên minh trong tình hình kinh tế khó khăn, thâm hụt ngân sách lớn. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs đã thừa nhận, với mỗi một binh lính bổ sung, Mỹ sẽ tiêu tốn 1 triệu USD/năm, đó là chưa kể chi phí phụ trội cho việc huấn luyện và duy trì lực lượng an ninh. Lầu Năm Góc đã chi gần 200 tỷ USD vào cuộc chiến này. Người dân Mỹ muốn biết số tiền này được lấy ở đâu, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thâm hụt ngân sách cao.

Nỗi lo âu của người Mỹ

Để trấn an dư luận Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ đã xác định rằng, lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu công cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan sau 18 tháng. “Sau 18 tháng, quân đội chúng ta sẽ trở về nhà”, ông Obama tuyên bố như vậy, nhưng không nói bao nhiêu người sẽ trở về và trở về như thế nào. Nhiều chuyên gia nhận định, bất chấp việc Mỹ đã đổ gần 200 tỷ USD và hàng chục nghìn quân vào Afghanistan trong 8 năm qua, cuộc chiến của Washington chống Taliban và al-Qaeda ở nước này không biết đến khi nào mới kết thúc.

Một trong những yếu tố dẫn đến thất bại của Mỹ trong việc bình định Afghanistan là sự thất bại của "mô hình dân chủ" do phương Tây tạo dựng, và sự lớn mạnh trở lại của Taliban. Nhiều chiến lược gia nhận định, sự thành bại của Mỹ trên chiến trường Afghanistan không phải là tăng thêm bao nhiêu quân, mà là Mỹ, đồng minh phải chiến thắng trên mặt trận dân sự; còn hệ thống chính trị Afghanistan trong sạch, đoàn kết, vững mạnh...

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen hoan nghênh diễn văn của Obama, và tuyên bố NATO sẽ triển khai ít nhất 5.000 quân tới Afghanistan, “mà cũng có thể thêm vài nghìn quân nữa”. Tuy nhiên, con số mà Rasmussen đề cập thấp hơn nhiều 10.000 lính mà Bộ Quốc phòng Mỹ chờ đợi. Theo kế hoạch, đến tháng Bảy năm 2011, Hoa Kỳ và NATO sẽ bắt đầu chuyển giao các khu vực lại cho lực lượng an ninh của Afghanistan, cho phép bắt đầu rút quân nước ngoài. Vì vậy, ông Obama phải sớm giải quyết vấn đề Afghanistan nếu không muốn sa lầy vào cuộc chiến này như ở Iraq trước đây.

Trong 18 tháng, chiến lược sẽ là tăng cường lực lượng cho Hoa Kỳ và NATO để đối phó với Taliban và kiểm soát các trung tâm dân cư quan trọng, cho phép chính phủ và quân đội Afghanistan có vùng xoay xở. Đây là cơ hội cho Afghanistan và cho chính phủ của ông Hamid Karzai. Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu: “Bắt đầu từ năm 2011, chúng ta sẽ sẵn sàng cho một sự bàn giao trách nhiệm an ninh cho lực lượng an ninh Afghanistan, dựa vào các điều kiện như chúng ta đánh giá vào thời điểm đó. Điều đó không có nghĩa là đến năm 2011 chúng ta cứ nhảy bừa từ trên đỉnh núi xuống. Mà là, chúng ta sẽ thận trọng và cân nhắc kỹ càng như cần thiết, nhưng trông đợi đến năm 2011 có thể bàn giao trách nhiệm an ninh cho một lực lượng an ninh của Afghanistan lớn hơn, và được cải thiện hơn”.

- Trước khi Mỹ và Anh có quyết định bổ sung quân, có khoảng 110.000 lính nước ngoài từ 42 nước đang hoạt động tại Afghanistan, dưới sự chỉ huy của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO thành lập tháng 12/2001.
- Khoảng 1.530 lính nước ngoài đã bị giết ở Afghanistan kể từ khi cuộc chiến bắt đầu tháng 12/2001. Mỹ đã mất 928 lính, Anh mất 236 và các nước thuộc NATO mất 368.
Khoảng 800 dân thường đã thiệt mạng chỉ tính trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh của Obama
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO