Chiến lược Made in China 2025: Công ty ngoại chật vật

KIM THỦY| 23/03/2017 09:10

Sau gần 2 năm triển khai, kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế của ông Tập Cận Bình - chiến lược Made in China 2025 - ngày càng khiến các công ty nước ngoài chật vật tìm cách thích nghi.

Chiến lược Made in China 2025: Công ty ngoại chật vật

Sau gần 2 năm triển khai, kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế của ông Tập Cận Bình - chiến lược Made in China 2025 - ngày càng khiến các công ty nước ngoài chật vật tìm cách thích nghi.

Đọc E-paper

Chiến lược Made in China 2025 vạch ra kế hoạch tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 10 ngành, bao gồm robot, xe điện và công nghệ thông minh. Tuy nhiên, bộ công cụ chính sách sâu rộng mà Bắc Kinh dùng để triển khai lại "vô cùng có vấn đề” - Phòng Thương mại của Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc (EUCC) nhận định.

Luật chơi mới

Hôm 7/3, EUCC đã công bố một báo cáo dài, trong đó chỉ trích chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc đang tạo sự đối xử bất bình đẳng với các công ty châu Âu đang hoạt động tại đây.

Cơ quan này dẫn chứng, trong lĩnh vực ô tô, các công ty châu Âu bị yêu cầu phải chia sẻ công nghệ hiện đại (công nghệ pin) với đối tác Trung Quốc để đổi lấy cơ hội tiếp cận thị trường trong tương lai gần. Chưa kể, việc chính quyền Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất xe điện, robot khiến không ít thương hiệu nước ngoài mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường, CNN đưa tin.

Báo cáo trên được EUCC đưa ra trong thời điểm Trung Quốc đang tiến hành kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII (diễn ra từ ngày 5 - 15/3). Trong đó xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy kinh tế là nỗ lực thực hiện chiến lược Made in China 2025.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Miêu Vu đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của EUCC. Vị này lý giải, những chính sách của Trung Quốc liên quan tới hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực như xe hơi năng lượng mới không chỉ nhằm vào các công ty nước ngoài mà còn hướng đến cả các công ty nội địa.

Đồng thời, ông Miêu Vu khẳng định Trung Quốc không ép buộc các doanh nghiệp ngoại phải chuyển giao công nghệ cho nước này, mà chỉ "nhằm ngăn chặn hành vi gian lận của một số công ty nội địa muốn hưởng trợ cấp của chính phủ”. 

Lời giải đáp của vị bộ trưởng này dường như vẫn chưa thỏa đáng. Bởi ngay từ đầu, Trung Quốc đã rầm rộ công bố hai mũi nhọn chiến lược của Made in China 2025 là phát kiến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trong đó, mục tiêu chuyển giao công nghệ được thực hiện bằng cách khai thác những thành quả công nghệ cao từ các nước tiên tiến và vận dụng vào quy trình sản xuất Trung Quốc, Bloomberg phân tích.

Lằn ranh giữa hành động "khai thác" và "ép buộc chuyển giao" bỗng trở nên nhạt nhòa sau báo cáo của EUCC.

>>Trung Quốc gồng mình vì kế hoạch Made in China 2025

"Lục địa già” không phải là nơi duy nhất có doanh nghiệp bị Trung Quốc hắt hủi. Năm ngoái, 77% doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đây thừa nhận họ không có cảm giác được chào đón tại quốc gia này - CNBC dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ. Trước đó, Bắc Kinh thường xuyên chịu chỉ trích về những chính sách siết chặt thị phần, làm "tê liệt" hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài.

Trả lời vấn đề này, Reuters dẫn lời ông Miêu Vu nói trước báo giới hôm 10/3, cho biết, việc Chính phủ Trung Quốc đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các công ty nội địa "chỉ mang tính chất dự báo chứ không phải bắt buộc" và nước này "không cố ý tìm kiếm mục tiêu thị phần khi xây dựng chiến lược Made in China 2025".

Nên rắn hay mềm?

Rõ ràng, việc chính quyền của ông Tập đột ngột chơi theo luật riêng khiến không ít "tay chơi" sửng sốt. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp ngoại sẽ thích ứng theo cách nào khi tinh thần fair play (công bằng) không còn như trước.

Bloomberg hôm 14/3 "khuyên" các công ty nước ngoài nên tìm cách làm thân với đường lối cải cách mới của Bắc Kinh nếu muốn tiếp tục bám trụ tại thị trường này. Tuy nhiên, các công ty Mỹ lại không nghĩ vậy, đặc biệt với giới công nghệ.

Thứ Năm tuần trước, Reuters dẫn phát biểu một tổ chức công nghệ Mỹ kêu gọi nước này nên gây sức ép quốc tế buộc Trung Quốc thiết lập lại chính sách. Trong khi đó, tổ chức tư vấn công nghệ ITIF có trụ sở tại Washington khẳng định các chính sách của Trung Quốc đang "đe dọa toàn bộ hệ thống kinh tế và toàn cầu".

"Nước Mỹ không thể đáp trả bằng sự nhân nhượng ủy mị hay chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Mỹ nên xây dựng một liên minh quốc tế nhằm gây sức ép lên Trung Quốc để ngăn chặn hành động thao túng thị trường, tạo sự cạnh tranh dựa trên nguyên tắc bình đẳng", ITIF hiến kế.

ITIF là tổ chức quy tụ đại diện của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Apple, Amazon, Cisco, Google, Intel... Tổ chức này cho biết đã "rủ” Mỹ, Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, EU cùng gây áp lực để Trung Quốc "thiết lập lại chính sách kinh tế cơ bản".

Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ lên tiếng phàn nàn về chính sách thương mại của Trung Quốc được Reuters đánh giá là sự chuyển biến tích cực so với vài năm trước. Thời điểm đó, nhiều công ty tìm cách né tránh ý tưởng lên án mạnh mẽ Trung Quốc của Washington vì lý do lo sợ Bắc Kinh trả thù.

Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa XII ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng "hai bên sẽ cùng hưởng những chính sách ưu đãi như nhau trong chiến lược Made in China 2025". Cam kết trên của ông Lý được cho nhằm xoa dịu những lo ngại từ các đối tác thương mại của Trung Quốc.

Global Times nhận định, kể từ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng lan rộng trên toàn thế giới. Đây là dịp may hiếm có giúp ông Tập Cận Bình đưa Trung Quốc, vượt mặt Mỹ, trở thành nhà vô địch về tự do thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nên duy trì sự tỉnh táo và thái độ khách quan trước tham vọng toàn cầu hóa, theo tờ báo này.

>>Vì sao nhiều doanh nghiệp Mỹ tháo chạy khỏi Trung Quốc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến lược Made in China 2025: Công ty ngoại chật vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO