Chỉ số MSCI tăng: Chớ vội mừng!

THỤY KHA| 11/10/2012 05:00

Bất ổn chính trị sẽ biến thành bất ổn kinh tế và điều tồi tệ là tình hình chính trị của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang phải đứng trước những quyết định quan trọng.

Chỉ số MSCI tăng: Chớ vội mừng!

Bất ổn chính trị sẽ biến thành bất ổn kinh tế và điều tồi tệ là tình hình chính trị của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang phải đứng trước những quyết định quan trọng.

Đọc E-paper

Nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới đang lạc quan về sự phục hồi của kinh tế thế giới. Chỉ số MSCI (chỉ số chứng khoán) toàn cầu đã tăng gần 10% kể từ tháng 7. Cũng trong tháng này, ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), đã đưa ra lời hứa “sẽ làm bất cứ điều gì để giữ đồng euro lại với nhau”.

Thực tế, vào đầu tháng 9, ECB cam kết tung tiền cứu các chính phủ đang nợ nần, mặc dù kèm theo đó là một số điều kiện nhất định. Ngay sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra chương trình nới lỏng định lượng mới (in tiền để mua trái phiếu) và hứa sẽ tiếp tục mua các tài sản cho đến khi tình trạng thất nghiệp tại Mỹ bớt “tồi tệ”.

Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng nối tiếp những chương trình nới lỏng và kích thích kinh tế, một phần để ngăn chặn đồng tiền tăng giá. Những động thái đồng loạt này đã thúc đẩy thị trường cổ phiếu lên giá.

Nhưng điều này có hợp lý? Trong vài tháng qua, tăng trưởng toàn cầu đã chậm nhất kể từ khi suy thoái kinh tế năm 2009, các nền kinh tế lớn đều mất động lực tăng trưởng cùng lúc.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng dưới 2%. Tăng trưởng ở Trung Quốc, cho đến gần đây là hai con số, dường như đã giảm xuống còn khoảng 7%. Nền kinh tế Nhật Bản gần như chắc chắn suy giảm mạnh trong quý III. Và suy thoái kinh tế của khu vực đồng euro cho thấy không có dấu hiệu khả quan.

Các nhà đầu tư đang đánh cược rằng, duy trì nới lỏng tiền tệ sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lạc quan bỏ qua một thực tế là kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra.

Bằng cách khác nhau, các chính trị gia hành động (hoặc không hành động) có thể tạo ra rủi ro ngắn hạn đối với các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Đánh giá các hoạt động bầu cử hiện tại tại các nền kinh tế lớn có thể thấy kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn nữa, thậm chí có thể rơi vào suy thoái vào năm 2013.

Ở Mỹ, bất kỳ giải pháp kinh tế nào hiện nay cũng đòi hỏi sự thỏa hiệp giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Thế nhưng cho đến nay, đương kim Tổng thống Obama và ứng viên Mitt Romney không thể tìm ra tiếng nói chung.

Thiếu đi sự thỏa hiệp sẽ dẫn tới một cú sốc thuế vào đầu năm tới giống như khi các chương trình cắt giảm thuế ban hành dưới thời Geogre Bush hết hiệu lực. Theo các nhà kinh tế, cái được gọi là “vách đá tài chính” liên quan đến kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế có thể được áp dụng vào đầu năm tới nhiều khả năng sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại suy thoái.

Điều tương tự đang xảy ra ở châu Âu, nơi các chính khách dường như biến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thành sàn diễn “hứa hẹn” để lấy điểm trong các cuộc tranh luận hoặc bầu cử sắp diễn ra, mặc dù người dân khắp châu Âu đang phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Tương tự, cải cách kinh tế ở Trung Quốc đang bị đình trệ trước cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới diễn ra một lần. Không nhận thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự đoán nền kinh tế này sẽ suy yếu từ chỉ số so sánh 47,5 trong tháng 8 vừa qua.

Nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi Bắc Kinh chưa hành động kiên quyết để ngăn chặn đà sụt giảm kinh tế trong năm nay. Để giữ ổn định, giới chính trị gia của Bắc Kinh hầu như không phản ứng gì trước khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại nước này dù tình hình đã đến mức nghiêm trọng. Kết quả là suy thoái của Trung Quốc có thể diễn ra lâu hơn và đau đớn hơn hơn mức cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ số MSCI tăng: Chớ vội mừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO