Châu Á trước nỗi lo ngân sách + nợ

20/04/2011 06:59

Giá dầu tăng mạnh đã làm tồi tệ hơn tình trạng thâm hụt ngân sách tại các nước châu Á khi chính phủ các nước này tiếp tục trợ cấp mạnh để giữ giá cả ở mức thấp.

Châu Á trước nỗi lo ngân sách + nợ

Giá dầu tăng mạnh đã làm tồi tệ hơn tình trạng thâm hụt ngân sách tại các nước châu Á khi chính phủ các nước này tiếp tục trợ cấp mạnh để giữ giá cả ở mức thấp.

Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan là các quốc gia trợ giá xăng dầu mạnh tay nhất châu Á. Do đó, những quốc gia này có thể sẽ không đạt được chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách đã đặt ra do giá dầu liên tục tăng cao. Đó là khuyến cáo của Ngân hàng Bank of Amercia Merrill Lynch.

Giá dầu tăng mạnh dẫn đến thâm hụt ngân sách tồi tệ hơn. Và các quốc gia sẽ phải phát hành nợ nhiều hơn để tài trợ cho chi phí tăng thêm. Điều đó sẽ đẩy cao lợi suất trái phiếu và làm lu mờ triển vọng tín nhiệm nợ của các nước này.

Theo báo cáo của ngân hàng Singapore Oversea-Chinese Banking Corp, giá dầu 120 USD/thùng (mức giá này đã được thiết lập vào ngày 4/4/2011) sẽ lấy đi 0,5-1,2 điểm phần trăm khỏi tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) trong năm nay tại các nền kinh tế lớn châu Á.

Áp lực trợ giá

Thái Lan là một trong các quốc gia trợ giá xăng dầu mạnh tay nhất tại châu Á.

Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 2 năm tới tại Thái Lan, Ấn Độ, Singpaore, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia đang đặt nhà điều hành chính sách các nơi này trước áp lực phải duy trì giá khí đốt và lương thực ở mức thấp cho 4 tỉ người dân châu Á (Những động thái giảm trợ cấp cách đây 3 năm khi dầu mỏ đạt mức kỷ lục 147,27 USD/thùng đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố tại Ấn Độ, Indonesia và Malaysia).

“Điều đó có nghĩa họ tiếp tục trợ cấp và đôi khi chi tiêu ngân sách không hợp lý”, Jim Walker, Giám đốc Điều hành tổ chức nghiên cứu kinh tế Asianomics có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định.

Hiện tại, Ấn Độ phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn để trợ giá năng lượng nhằm giảm khó khăn cho 800 triệu người nghèo tại nước này. Và điều đó đang đe dọa làm phá sản kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee. Kế hoạch của ông là giảm khoản trợ cấp để cắt giảm thâm hụt ngân sách chỉ còn 4,6% GDP trong năm tài chính kế tiếp từ mức 5,1%. Tuy nhiên, kế hoạch này được Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đánh giá là “quá tham vọng”.

Quốc gia này sẽ tổ chức 5 cuộc bầu cử cấp bang và địa phương bắt đầu từ tháng 4. Điều này khiến chính quyền Thủ tướng Manmohan Singh càng nỗ lực giảm lạm phát để xoa dịu lòng dân.

Ông Killol Pandya, người đứng đầu bộ phận các khoản đầu tư có thu nhập cố định thuộc công ty quản lý tài sản Daiwa Asset Management ở Mumbai, nhận định: “Các nhà làm chính sách Ấn Độ có lẽ sẽ ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận tiếp tục trợ cấp trong một vài tháng nữa. Sau khi bầu cử kết thúc, họ có thể sẽ để cho giá cả tăng cao”.

Trong khi đó, đầu tháng 3/2011, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, trong năm nay trợ giá nhiên liệu của quốc gia này có thể lên tới 14 tỉ RM (4,6 tỉ USD) nếu giá bán nhiên liệu trong nước không tăng lên. Malaysia đang đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 5,4% GDP. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay có thể là 5% GDP.

“Việc tăng cường sử dụng công cụ trợ cấp để kiềm giá lương thực và nhiên liệu tăng đang là rủi ro lớn cho triển vọng tài chính của các quốc gia này. Bởi lẽ, giá cả tăng thêm không chỉ làm gia tăng chi phí triển khai các chính sách này mà còn buộc chính phủ phải thực hiện thêm những biện pháp mới”, theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.

Nỗi lo hạ bậc tín nhiệm nợ

Ông Kenneth Akintewe, nhà quản lý tiền tệ tại Singapore thuộc Aberdeen Asset Management (công ty đang quản lý 287 tỉ USD), lo ngại, giá dầu tăng cao sẽ buộc chính phủ các nước phát hành nợ nhiều hơn và điều này sẽ tiếp tục đẩy cao lợi suất trái phiếu trên khắp châu Á.

Lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Ấn Độ đang ở mức cao trong 6 tuần qua, trong khi của Malaysia đang gần đạt mức đỉnh đã được thiết lập trong tháng 1/2011.

Nhiều ý kiến lo ngại, giá dầu tăng cao sẽ khiến vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ ở châu Á thêm trầm trọng. Khi đó các nước sẽ khó tránh khỏi việc bị hạ bậc tín nhiệm nợ. Như vậy, sẽ càng gây khó khăn thêm cho các quốc gia trong việc huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, ông Kim Eng Tan, chuyên gia phân tích tín dụng tại tổ chức đánh giá tín nhiệm Mỹ Standard & Poor’s (S&P), cho rằng: “Giá dầu phải tăng lên mức đỉnh của năm 2008 thì ngân sách chính phủ mới không chịu nổi áp lực. Từ đó, nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm nợ mới hiện hữu”.

Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất bị S&P đánh giá tín nhiệm ở mức tiêu cực do các mối lo ngại về vấn đề quản lý tài chính, theo báo cáo vào ngày 7/3 của S&P. Triển vọng nợ vẫn ở mức tích cực đối với Indonesia và mức ổn định cho các nước khác trong khu vực, kể cả Ấn Độ (theo báo cáo của S&P vào ngày 6/4).

Tuy nhiên, ông Tan khuyến cáo: “Phí rủi ro (mức lợi nhuận trội thêm mà nhà đầu tư mong đợi khi đầu tư vào tài sản rủi ro) vẫn đang gia tăng”. “Nếu một nhà cung cấp lớn ngưng xuất khẩu dầu thì chúng ta gặp rắc rối to”, ông nói thêm.

Phản ứng trước nỗi lo này, từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường chứng khoán ở các nước châu Á đã sụt giảm. Theo ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, Ấn Độ là thị trường sụt giảm mạnh nhất chỉ sau Nhật và dự báo sẽ còn lao dốc trong thời gian tới. Những doanh nghiệp thuộc ngành hàng không bị tác động nặng nề nhất. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Thai Airways International (chi phí nhiên liệu chiếm tới khoảng 60% chi phí hoạt động của Hãng) đã giảm 24%, trong khi China Southern Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 Trung Quốc về giá trị thị trường, đã giảm 21%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á trước nỗi lo ngân sách + nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO