Chào “thập kỷ mới 2010”

LAM HỒNG| 07/01/2010 08:30

Mỗi một thập niên người ta đặt cho một tiêu đề. Nếu như những năm 1970 tụ họp lại dưới khẩu hiệu “Tình yêu, hòa bình và hạnh phúc”...

Chào “thập kỷ mới 2010”

Mỗi một thập niên người ta đặt cho một tiêu đề. Nếu như những năm 1970 tụ họp lại dưới khẩu hiệu “Tình yêu, hòa bình và hạnh phúc”, và lời kêu gọi chiến đấu của những năm 1980 là: “Tôi muốn vui chơi”, thì thập niên vừa qua được nhìn nhận với nhiều bi quan: “Một thập kỷ đầy sóng gió”, “Một thập kỷ mất mát” hay “Một thập kỷ vô nghĩa”... Một thập kỷ tiếp theo sẽ được định nghĩa như thế nào?

Qua thập kỷ đổ vỡ

Mô thức hay nhất để nhìn lại thập kỷ vừa qua là mô thức mà kinh tế gia Joseph Schumpeter đã đưa ra mấy chục năm trước đây. Mặc dù không trực tiếp đưa ra mô hình của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, nhưng kinh tế gia này nhấn mạnh, khi kỹ nghệ công nghiệp tăng cao, khi mọi người đều đuổi theo chủ nghĩa tư bản thì đó là thời kỳ “tạo nên tàn phá”.

Sử gia, GS. Michael Stoff nhận định trong nghiên cứu của mình như sau: “Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI là một giai đoạn đầy sóng gió, thập kỷ của tàn phá và của sáng tạo. Những gì mà chúng ta thấy trong 10 năm qua chẳng khác gì những điều đã được báo động từ nhiều năm trước. Báo động này không chỉ được cảnh báo về mặt kinh tế, xã hội, mà còn được cảnh báo cho cả môi trường chính trị nữa”.

Khoảnh khắc bước ngoặt của thập kỷ vừa trải qua chính là cú sốc với tâm dư chấn xuất phát từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảo tưởng về siêu quyền lực Mỹ đã tan vỡ không phải một mà hai lần trong thập kỷ qua. Cảnh báo đầu tiên trong những cái tên từ thành phố Sadr, Iraq và thung lũng Helmand, Afghanistan, nơi để lộ ra không chỉ những hạn chế về sức mạnh quân sự của Mỹ, mà quan trọng hơn, là sự sai lầm trong cách nhìn về làn sóng dân chủ tại Trung Đông. Và lần thứ hai diễn ra với sự leo thang cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2007, thành sự co hẹp tài chính nghiêm trọng năm 2008 và để rồi dẫn tới "cuộc đại khủng hoảng" năm 2009.

Trụ đỡ thứ hai của kinh tế thế giới là người khổng lồ Nhật Bản cũng lại thêm một thập kỷ mất mát. Người ta cho rằng, rất có thể, “thập kỷ mất mát” từng diễn ra ở Nhật vào những năm 1990 có thể lặp lại ở nước Anh khi nền kinh tế nước này đang nằm dưới áp lực quá lớn của những núi nợ và những ngân hàng suy sụp.

Sắc màu rực rỡ của pháo hoa chào năm mới 2010, góp hy vọng một năm khởi sắc sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là: “Một thập kỷ tiếp theo sẽ như thế nào?”.

Đến thập kỷ hàn gắn

Tất nhiên, thập kỷ tiếp theo sẽ là thập kỷ hàn gắn và thu dọn lại đống bề bộn và dang dở của thập kỷ trước đó. Tờ Christian Science Monitor dẫn các kết quả dự báo của nhiều chuyên gia với những giả định khá bất ngờ: Châu Phi, mảnh đất quanh năm đói kém, có thể là giỏ bánh mì của thế giới trong thập niên mới. Châu Âu, nơi Pháp cấm dùng khăn trùm đầu của đạo Hồi tại các trường học công và Thụy Sĩ, quốc gia cấm xây tháp trong giáo đường Hồi giáo, có thể sẽ khoan dung hơn với đạo Hồi. Trẻ em ở Trung Quốc sẽ có anh chị em ruột trong thập niên mới và giới lãnh đạo chính trị ở Nga sẽ được lựa chọn theo phong cách "Idol", qua những cuộc tuyển chọn tài năng trên toàn quốc...

Thế nhưng, cũng có những dự báo mà kết quả của nó đã có từ ngày hôm nay. Đó chính là những giả định mà thực tế đã diễn ra: nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn thì nó sẽ gây ra bất đồng chính trị, nhiệt độ Trái đất tăng sẽ làm tăng 50% các cuộc xung đột vũ trang không chỉ tại châu Phi...

Những xáo trộn đã thay đổi nhiều trật tự và những người tận dụng xáo trộn này đã hình hài nên diện mạo chính của thập kỷ tiếp theo. Trong khi các nước phát triển còn đang bấp bênh bên bờ vực của cuộc đại suy thoái, thì Trung Quốc lại chỉ phải trải qua sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng, nhờ vào gói kích thích hiệu quả cao của chính phủ và sự mở rộng tín dụng. Sẽ là ngây thơ khi cho rằng, thập kỷ tới sẽ không mang đến thách thức cho Trung Quốc. Nhưng chắc rằng cuộc cách mạng công nghiệp mới nhất và lớn nhất của châu Á chỉ ngừng lại để lấy sức trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009.

Tạp chí Time đã chọn "Người công nhân Trung Quốc" vào vị trí á quân cho giải thưởng "Nhân vật của năm" năm 2009. Sự lựa chọn này ghi nhận hiện đang có sự đổi ngôi về phương diện tài sản, qua đó quyền lực chính trị đang thuộc về Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên, theo chuyên gia Broadfoot, nếu sự đổi hướng từ Tây sang Đông được duy trì trong vài thập kỷ tới thì việc gọi thế kỷ này là "Thế kỷ Trung Quốc", chứ không phải "Thế kỷ châu Á", sẽ hợp lý hơn. Một thập kỷ tới sẽ ghi nhận rõ nét hơn dấu ấn này.

Theo báo cáo của NIC, trong thập kỷ tới, vẫn diễn ra xu hướng, theo đó, sự thịnh vượng và sức mạnh kinh tế toàn cầu dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông, từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á. Trong hai thập kỷ tới, Trung Quốc được đánh giá đóng vai trò quan trọng trên thế giới hơn bất cứ nước nào khác. Nếu xu thế hiện nay được duy trì, vào năm 2025, Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quân đội của họ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn.

Cùng với Trung Quốc, tăng trưởng về kinh tế và sức mạnh chính trị đã đảm bảo rằng giai đoạn 10 năm qua đặt nền móng cho châu Á. Và một thập niên tiếp theo sẽ củng cố cho viễn cảnh mà giới phân tích dự đoán sẽ là "Thế kỷ châu Á" trong bối cảnh thế giới đang nghiêng về phía Đông.

Ông Alan Dupont, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chứng khoán Quốc tế thuộc Đại học Sydney (Úc) nói: "Tôi nghĩ rằng thập kỷ này đang chứng minh triển vọng thực sự của châu Á. Đặc biệt, hai năm qua đã chứng kiến sự đổi ngôi trong quyền lực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và tôi cho là điều đó đã được nhấn mạnh bởi những khó khăn mà người Mỹ và người châu Âu vấp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới".

Thế nhưng, nói như Patrick Tucker thuộc tổ chức những người theo thuyết vị lai: "Tương lai không phải là một địa điểm cố định. Tương lai thay đổi mỗi ngày khi cộng và trừ nó bằng những hành động của chúng ta, những việc mà thực tế không tồn tại".

* Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu lương thực sẽ tăng 50% vào năm 2030 do dân số thế giới gia tăng. Số lượng các nước không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước ổn định sẽ tăng từ 21 nước, tương đương khoảng 600 triệu dân, lên 36 nước vào năm 2025, ảnh hưởng đến khoảng 1,4 tỷ dân.

* Chủ nghĩa khủng bố sẽ vẫn tồn tại nhưng sức mạnh của lực lượng này sẽ giảm nếu tăng trưởng kinh tế được duy trì và tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp ở Trung Đông giảm sút.

* Nguy cơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong 10 năm tới có thể cao hơn mức hiện nay. Những va chạm cường độ thấp hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan có thể dẫn đến cuộc xung đột rộng hơn. Khả năng về việc thay đổi chế độ ở một quốc gia có vũ khí hạt nhân chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên làm gia tăng các vấn đề liên quan đến kiểm soát và bảo đảm kho vũ khí hạt nhân.

(Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược trực thuộc Chính phủ Mỹ - NIC)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chào “thập kỷ mới 2010”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO