Các hãng dược giảm giá: Lương tâm lên tiếng?

THANH TÂM| 04/05/2010 09:33

Lần đầu tiên trong lịch sử, những hãng dược lớn như Eisai, GlaxoSmithKline và Sanofi-Aventis giảm giá thuốc mạnh tại những nước nghèo.

Các hãng dược giảm giá: Lương tâm lên tiếng?

Lần đầu tiên trong lịch sử, những hãng dược lớn như Eisai, GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi-Aventis giảm giá thuốc mạnh tại những nước nghèo. Có gì đằng sau hành động có tính “nghĩa hiệp” này của các ông lớn dược phẩm sau rất nhiều năm kiên quyết không hạ giá thuốc?

Tăng số lượng

Yasushi Okada, Trưởng đại diện Eisai châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông tuyên bố sẽ giảm giá thuốc trị bệnh mất trí nhớ Alzhemer loại tốt và bán chạy nhất thế giới Aricept tại ít nhất sáu quốc gia châu Á. Chưa tiết lộ cụ thể giá bán mới, nhưng ông ước đoán doanh số sẽ tăng nhiều đủ để bù lỗ. Ông phát biểu: “Với giá hiện tại, chỉ một bộ phận nhà giàu có thể mua và sử dụng thuốc. Chúng tôi muốn gia tăng khả năng tiếp cận thuốc cho thêm nhiều bệnh nhân châu Á”...

Năm 2009, GSK cũng công bố giảm giá hầu hết sản phẩm tại những quốc gia đang phát triển. Giá bán mới tại 50 nước nghèo nhất thế giới sẽ thấp hơn 2/3, thậm chí chỉ bằng 25% giá ở các nướcphương Tây. Đổi lại, Công ty hy vọng lượng bán tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 sẽ tăng 10%... Tháng 1/2010, Sanofi giảm phân nửa giá một số loại thuốc đặc biệt dùng trong điều trị ung thư như Taxotere.

Nguyên nhân chính của hành động “trượng nghĩa” này là vì các công ty chi phối thị trường dược đang đổi chiến lược kinh doanh. Họ vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa làm hài lòng các “thượng đế nghèo” bằng cách bán số lượng nhiều thay cho giá bán cao. Hiện tại, 87% trong tổng số tiền773 tỷ USD doanh thu của các công ty dược là từ thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật. Tuy nhiên, lượng thuốc bán ra dần dần bão hòa. Trong khi đó, doanh số tại châu Á, châu Phi, Úc cộng lại đạt 90,8 tỷ USD và có tiềm năng tăng trưởng.

Theo Công ty Nghiên cứu IMS, từ 2009 - 2014, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil sẽ dẫn đầu nhóm 17 quốc gia tăng tiêu dùng dược phẩm với nhu cầu tiêu thụ thuốc trị giá khoảng 90 tỷ USD. Mặt khác, nhiều nước nghèo đang tăng sức ép buộc các hãng dược phẩm phải hạ giá nhiều loại thuốc, nếu không các nước nghèo sẽ tự bào chế các loại thuốc có giá rẻ hơn, tất nhiên là có cùng công thức.

Chẳng hạn, năm ngoái, Brazil ra tối hậu thư cho Abbott về việc Brazil sẽ sản xuất những loại thuốc điều trị HIV/AIDS giống với Kaletra của Abbott nếu hãng này không giảm giá. Kết quả là Abbott đã chấp thuận giảm giá thuốc Kaletra và hứa chuyển giao công nghệ cho hãng dược FarManguinhos (chịu sự quản lý của Brazil)...

Mở thị trường mới

Mặt khác, theo chuyên gia Tim Anderson, từ năm 2011 - 2016, 18 trong 20 loại thuốc bán chạy nhất toàn cầu sẽ hết hạn bằng sáng chế. Theo đó, thuốc cùng gốc có giá thành rẻ và chất lượng tốt được sản xuất đại trà tại Âu - Mỹ sẽ khiến các hãng dược mất khoảng 80 tỷ USD doanh thu hằng năm. Vậy nên, từ bây giờ, họ phải đôn đáo tìm nguồn thu nhập mới bằng cách nhắm đến châu Á, nơi cư ngụ của 60% dân số thế giới.

GSK không chỉ giảm giá thuốc cho 50 nước nghèo nhất thế giới , mà còn dùng 20% lợi nhuận ở những thị trường này để xây dựng phòng khám và các cơ sở hạ tầng khác. Trước những hành động như của GSK, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh chiến lược giảm giá của các hãng dược lớn. Tuy nhiên, WHO e ngại: “Hành động này chỉ giúp thêm chút ít để người bình dân có thể tiếp cận thuốc trị bệnh. Trong khi giải pháp thực sự cho người nghèo chỉ có thể là sử dụng thuốc cùng gốc”...

Các chuyên gia thăm dò thị trường Á, Đông Âu, Mỹ Latin cũng đưa ra báo cáo: “Người dân tại những quốc gia đang phát triển ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe và rất sợ thuốc giả. Vậy nên, họ sẵn sàng chi cho sản phẩm chính hãng, với điều kiện giá cả có thể chấp nhận được”. Nắm bắt được tâm lý khách hàng, những ông trùm ngành dược cũng để mắt đến giải pháp “thuốc cùng gốc chính hãng”. Ví dụ cụ thể, GSK kiểm định chất lượng sản phẩm thuốc cùng gốc do công ty Dr. Reddy’s của Ấn Độ sản xuất, rồi đóng logo GSK trên bao bì sản phẩm. Năm 2009, ông trùm này còn mua cổ phần của công ty sản xuất thuốc cùng gốc Aspen ở Nam Phi...

Trước đây, các hãng dược phân biệt: Thuốc chữa bệnh kinh niên như đái tháo đường, tim mạch, ung thư được bán ở thế giới giàu, còn thuốc chữa bệnh lây nhiễm như AIDS, sốt rét, lao chuyên phục vụ những nước nghèo.

Tuy nhiên, ranh giới đó dần bị xóa nhòa. WHO báo cáo hiện trạng thế giới thứ ba: “Do chất lượng đời sống khá hơn, khả năng chống chọi bệnh lây nhiễm tốt; và do tuổi thọ trung bình tăng, bệnh kinh niên bắt đầu xuất hiện nhiều...

Tỷ lệ tử vong do bệnh lây nhiễm và suy dinh dưỡng sẽ giảm 3%, trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh kinh niên tăng 71%... Bệnh ung thư đang là tử thần cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn AIDS, sốt rét và lao cộng lại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các hãng dược giảm giá: Lương tâm lên tiếng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO