Bứt khỏi hình thức bảo hộ để vượt khủng hoảng

08/07/2009 09:20

Các chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng, thương mại toàn cầu tiếp tục giảm trong năm 2009, nhưng tốc độ suy thoái kinh tế toàn cầu dường như đã chậm lại.

Bứt khỏi hình thức bảo hộ để vượt khủng hoảng

Các chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng, thương mại toàn cầu tiếp tục giảm trong năm 2009, nhưng tốc độ suy thoái kinh tế toàn cầu dường như đã chậm lại. Những đánh giá này được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 1/7 và cũng là bản báo cáo thứ ba của WTO về vấn đề bảo hộ, sau khi kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái từ năm ngoái.

Ông Pascal Lamy cho biết: WTO và các đối tác của Viện trợ cho thương mại sẽ xây dựng trên những thành quả đã đạt được từ trước tới nay trong các diễn đàn viện trợ cho thương mại của khu vực và quốc tế.

Báo cáo cho biết về cơ bản, các biện pháp bảo hộ mạnh đã được ngăn chặn, dù vấp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong ba tháng vừa qua, nhiều nước vẫn áp đặt các chính sách hạn chế thương mại và bóp méo thị trường. Theo WTO, các biện pháp bảo hộ mậu dịch thời kỳ này nhiều hơn gấp đôi các biện pháp tự do hóa thương mại mới, chưa tính đến những biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ thị trường trong nước sau khi bùng phát dịch cúm A/H1N1 tháng 4 vừa qua. Những mặt hàng được bảo hộ nhiều nhất gồm sản phẩm làm từ sữa, sắt, thép, ô tô, hóa chất, đồ nhựa và hàng dệt may. Một số nước còn bảo hộ khu vực năng lượng và dịch vụ tài chính.

Theo WTO, khối lượng buôn bán toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 10%, chứ không phải 9% như thông báo hồi tháng ba vừa qua, ở các nước phát triển, tăng trưởng thương mại giảm mạnh tới 14% so với mức dự báo 10% trước đó, trong khi tỷ lệ này đối với các nước đang phát triển là 7% so với 2-3%. Nguyên nhân do xuất khẩu giảm, đặc biệt là ô tô, phụ tùng ô tô, máy cơ khí ở các nước phát triển giảm, cũng như nguyên liệu thô và bán thành phẩm ở các nước đang nổi lên. WTO dự đoán tình trạng thương mại giảm sẽ tiếp tục, nhưng có thể “đảo chiều” nếu xuất hiện sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới.

WTO đánh giá tình hình kinh tế thế giới hiện nay là “mong manh”: chiều hướng tăng trưởng giảm mạnh trong quý đầu năm nay “giảm tốc”, nhưng vẫn có nguy cơ diễn tiến theo “đồ thị” đi xuống.

Báo cáo cũng đưa ra quan ngại về các chính sách kích thích kinh tế đang được nhiều nước áp dụng để thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái, cho rằng các chính sách này tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng giữa các đối tác thương mại. Hơn nữa, do các nước không báo cáo với WTO về những biện pháp kích thích kinh tế mà họ đã sử dụng, tổ chức này không thể đánh giá mức độ bóp méo thị trường và khả năng cạnh tranh do những biện pháp trên gây ra, cũng như không thể xác định liệu những biện pháp hỗ trợ hay bảo trợ có được chấm dứt khi tình hình đã thay đổi hay không.

Trong thông báo của WTO về cuộc họp đại diện các thành viên để xem xét toàn cầu lần thứ hai về viện trợ cho thương mại, nhằm mở rộng khả năng buôn bán của các nước đang phát triển, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cho biết, cuộc họp về Viện trợ cho thương mại nhằm ủng hộ các nước đang phát triển khi các nước này đang tìm cách hội nhập tốt hơn vào hệ thống buôn bán đa phương và để tận dụng những cơ hội về xuất khẩu.

Ông nói, vấn đề này ngày nay thậm chí còn quan trọng hơn, bởi Viện trợ cho thương mại là bước chuẩn bị cần thiết cho các nước nghèo thoát khỏi khủng hoảng và bây giờ không phải lúc để phớt lờ các lời hứa về phát triển. Theo đó, kết quả cuộc họp về Viện trợ cho thương mại mong muốn đẩy lùi những hiện tượng tương tự theo kiểu “người Mỹ mua hàng Mỹ”, hay việc gần đây là Trung Quốc muốn siết lại việc xuất khẩu khoảng 20 loại khoáng sản bằng một lời giải thích” mục tiêu chính của chính sách Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu là bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên...”

Ông Pascal Lamy cho biết, vòng phát triển Đô-ha sẽ đem lại nhiều cơ hội mở cửa thị trường cụ thể cho các nước đang phát triển không có khả năng, nhiều nước sẽ không thể bắt kịp những cơ hội này và hậu quả là không thể sử dụng thương mại như công cụ cho công cuộc phát triển và xóa đói giảm nghèo. Ông cho rằng, các nước cần củng cố cơ sở hạ tầng, khả năng sản xuất và đào tạo liên quan đến thương mại nếu thương mại hỗ trợ tốt hơn cho các chiến lược phát triển và xóa đói giảm nghèo ở những nước đang phát triển. Sáng kiến Viện trợ cho thương mại được đưa ra có liên quan mật thiết với kết quả đầy tham vọng về phát triển của vòng đàm phán Đô-ha.

Theo ông Lamy, WTO và các đối tác của Viện trợ cho thương mại sẽ xây dựng trên những thành quả đã đạt được từ trước tới nay trong các diễn đàn viện trợ cho thương mại của khu vực và quốc tế, đồng thời củng cố vai trò của khu vực tư nhân và xã hội dân sự để mở rộng cơ sở kinh nghiệm và các nguồn lực dành cho buôn bán và phát triển.

WTO cho rằng nhiệm vụ cấp thiết đối với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20) là phải nhanh chóng hình thành một chiến lược bứt ra khỏi chủ nghĩa bảo hộ cục bộ nhằm những biện pháp ứng phó khủng hoảng hiện nay đưa các thị trường thế giới trở lại hoạt động bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bứt khỏi hình thức bảo hộ để vượt khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO