Bước tiến nhỏ trong hồ sơ lớn

LAM HỒNG tổng hợp| 29/07/2011 04:17

Hồ sơ Biển Đông được nêu trở lại tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) khai mạc ngày 23/7, với sự tham gia của rất nhiều nước, trong đó có Nga và Hoa Kỳ.

Bước tiến nhỏ trong hồ sơ lớn

Hồ sơ Biển Đông được nêu trở lại tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) khai mạc ngày 23/7, với sự tham gia của rất nhiều nước, trong đó có Nga và Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ không rút lui

Ngoại trưởng Mỹ, TQ và các đồng nhiệm ASEAN

Trước đó, ngày 21/7, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc (TQ) đã thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh bước tiến này. Về phần mình, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khẳng định đây là “một tài liệu quan trọng... thúc đẩy hòa bình và ổn định”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, kết quả này là chỉ là một thỏa thuận ở mức tối thiểu, một “lộ trình” giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ không có ý định lùi bước trong hồ sơ này khi Washington luôn khẳng định tầm quan trọng của việc “tôn trọng tự do lưu thông hàng hải, không ngăn cản hoạt động thương mại và duy trì hòa bình, ổn định” trong khu vực.

Cựu Tổng thư ký ASEAN, ông Rodolfo Severino, hiện lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Singapore nhận định rằng TQ trở nên hung hăng hơn trong việc quyết đoán chủ quyền của mình tại Biển Đông bởi vì nơi đây có rất nhiều tài nguyên. Trừ phi TQ yên tâm là sẽ không bị một số nước Đông Nam Á tấn công hoặc xâm chiếm những vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của mình, thì rất khó mà TQ có những nhượng bộ.

Vì vậy, Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra các tuyên bố ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đa phương.

Tranh chấp giữa các phía cần phải được giải quyết thông qua trung gian của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, theo đó các đường biên giới trên biển phải được xác định dựa trên lãnh thổ, chứ không phải là được vạch ra một cách võ đoán ngay giữa biển.

Nhắc nhở kể trên đã gián tiếp chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông với bản đồ hình chữ U hay bản đồ 9 vạch, mà theo Bắc Kinh, dựa trên các đặc quyền “mang tính lịch sử”.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã nhắc lại các sự cố giữa TQ và Việt Nam để dẫn chứng khi thẩm định rằng các hành động hù dọa ngày càng tăng - như các vụ cho tàu đâm vào tàu thuyền và cắt cáp tàu nước khác - làm cho tình hình căng thẳng thêm và “tăng chi phí kinh doanh cho tất cả những ai đi qua vùng Biển Đông”. Đồng thời, bà cảnh báo “Hoa Kỳ kiên quyết chống lại việc các bên sử dụng sức mạnh hay đe dọa dùng sức mạnh’ trong cuộc đọ sức này”.

Vấn đề đáng bàn là TQ tìm mọi cách coi đây là vấn đề nội bộ khu vực và chỉ muốn giải quyết trong khuôn khổ song phương. Đồng thời, TQ vẫn coi Biển Đông là một bộ phận lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối của các nước liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia...

Ngày 22/7, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì đã kêu gọi Hoa Kỳ “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của TQ” cũng như “tôn trọng những quan ngại chính của TQ liên quan đến Tây Tạng và những chủ đề nhậy cảm khác”.

Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, cho rằng, Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông. Theo tờ báo này “bóng dáng mối đe dọa tiềm ẩn đối với biển Hoa Nam là hình ảnh một cuờng quốc lớn khác, đó là Hoa Kỳ”.

Không đủ để gây niềm tin

Trong cuộc họp ASEAN+ 1, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì và các Ngoại trưởng ASEAN chính thức thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giới quan sát đánh giá bản hướng dẫn thông qua được xem là một bước nhỏ nhưng quan trọng để giảm nhiệt sau khi Philippines, Indonesia và Việt Nam lên tiếng tố cáo TQ ngày càng hung hăng trong tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ASEAN vẫn nỗ lực đàm phán buộc TQ phải ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì lâu nay vẫn được cho là có giá trị ràng buộc pháp lý cao hơn so với DOC, vốn chỉ là một tuyên bố thể hiện ý chí chính trị hơn là cam kết pháp lý của các bên tham gia.

ASEAN hy vọng rằng một COC mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn sẽ khuyến khích TQ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Mặc dù vậy, ASEAN đã đưa ra tự thảo để xây dựng COC thì cả 20 lần TQ đều bác bỏ. Bên cạnh đó, bản thân COC có thể sẽ không tạo nên khác biệt lớn trên thực tế trong việc giúp các nước ASEAN đối phó thành công với người láng giềng khổng lồ nhưng đầy tham vọng bá quyền.

Ông Jin Canrong, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, được Financial Times trích dẫn, nhận định TQ chấp nhận ký bản hướng dẫn thực thi DOC là muốn ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ, và thuyết phục các nước Đông Nam Á coi đây là công việc nội bộ trong khu vực.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói thẳng là những lời trấn an của TQ không có nhiều ý nghĩa khi mà Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường cố hữu, không thừa nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông. Ông nói: “Làm sao mà bạn có thể thảo luận được điều gì trong khuôn khổ song phương, khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với TQ thì họ nói rằng tất cả là của họ”.

Vì vậy, theo ông Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, thì “cuộc gặp của bà Hillary Clinton với ông Dương Khiết Trì và các ngoại trưởng Đông Nam Á khác góp phần làm giảm căng thẳng xảy ra trong những tuần qua”.

Thế nhưng, ông cũng phải thừa nhận là nhìn từ quan điểm chiến lược thì các cuộc thảo luận ở Bali đã thu được kết quả ít ỏi và “những bất đồng về lập trường của các bên vẫn tồn tại”.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước tiến nhỏ trong hồ sơ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO