"Bro Culture": Mối họa của những startup triệu USD

TĂNG KHÁNH| 10/05/2017 06:28

Nền công nghiệp công nghệ rơi vào một rắc rối có tên là “Bro Culture", dẫn đến sự lụi tàn của nhiều kỳ lân ở Thung lũng Silicon.

Nền công nghiệp công nghệ đang rơi vào một rắc rối mang tên “Bro Culture”. Đó là một nền văn hóa diễn ra âm thầm nhưng ăn sâu vào cách thức hoạt động của công ty, tác động tiêu cực đến sự phát triển và... lụi tàn của nhiều startup tại Thung lũng Silicon.

Nền văn hóa “ăn xổi ở thì”

Tại SXSW – một trung tâm tổ chức hội nghị về nhiều lĩnh vực hàng đầu thế giới từ năm 1987 – tác giả sách Dan Lyons đã có buổi thảo luận nhiều giờ về chủ đề “Bro Culture”.

Văn hóa "Bro Culture" rất dễ nhận biết trong thực tế với các thuộc tính đặc trưng: CEO công ty startup là một người đàn ông trẻ, da trắng, điển trai, hoạt ngôn, kiêu ngạo và khá ít kinh nghiệm thương trường. Sau CEO có một quản lý, trông như một bản sao của CEO, sẽ luôn được miêu tả rằng “hoàn toàn phù hợp với văn hóa công ty” để giải thích vì sao người này nắm nhiều quyền hành, và được sự tin tưởng quá mức. Người này có thể là bạn rất thân hoặc là anh em với CEO. Đồng thời, phụ nữ và người thiểu số hiếm khi được thăng chức, họ phải nỗ lực để tìm cách tồn tại với những đồng nghiệp nam da trắng.

Dù không chính thức nhưng tại Silicon Valley, bốn thước đo để xác định một startup thành công gồm: Tăng trưởng nhanh, gọi được số vốn lớn, IPO và bán công ty. Như vậy, một nhà sáng lập – CEO công ty thường chỉ đồng hành với “đứa con” của họ trong khoảng 5 năm. Sau khi IPO, rủi ro sẽ được chia đều cho công chúng, trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm và những nhà quản lý cấp cao đã thu được lợi nhuận khủng.

Thực tế này đưa đến một tiêu chí: một CEO startup phải đầu tư một tầm nhìn dài hạn bao gồm sự đa dạng về nhân sự, định hướng đường lối phát triển bền vững cho công ty cả khi anh ta chỉ đồng hành với nó trong 5 năm, The Next Web cho biết.

Trước những năm 1990, một công ty được cho là thành công khi làm ra tiền. Một CEO chỉ được xem là thành công khi anh ta dẫn dắt công ty thành công, đạt lợi nhuận và được đánh giá cao tại Phố Wall. Thế nhưng, giá trị này đã đảo lộn trong "thời đại" startup hiện tại. Ngày nay, chúng ta có một nền văn hóa mà 60 công ty công nghệ IPO kể từ năm 2011, trong đó chỉ có 10 công ty có lợi nhuận. Và hầu hết 10 công ty đó không thể duy trì lợi nhuận sau đó, theo The New York Times.

Khi thước đo thành công thay đổi, các công ty “Bro Culture” cần một CEO có khả năng gọi vốn hơn là người có thể làm ra tiền. Đó là lý do vì sao các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn tiếp tục cấp vốn khủng cho startup. Cũng có thể, nhiều quỹ đầu tư cũng chính là những “Bro Culture”. Những nhà đầu tư này từng là những kỹ sư công nghệ, nghỉ hưu sớm và bắt đầu đầu tư vào các doanh nghiệp startup như một sở thích, một trào lưu đầu tư mới tiếp nối việc kinh doanh cổ phiếu.

>>27 startup fintech “kỳ lân” có giá trị nhất thế giới

Đồng thời, ngày càng ít phụ nữ tham gia vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu năm 1999, 10% các quỹ đầu tư do phụ nữ đứng đầu thì đến năm 2014, con số này chỉ còn 6%, theo Diana Project tại Babson College. Đây cũng là một trong những lý do các công ty startup của các CEO nữ khó gọi được số vốn lớn và không lọt vào top 15 kỳ lân lớn nhất thế giới, cho dù khả năng lãnh đạo của họ có tốt đến đâu.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm được cho là nguyên nhân lớn đằng sau nền văn hóa đặc biệt này. Kể từ năm 1995-2015, các quỹ đầu tư mạo hiểm bùng nổ đã tạo ra thị trường mới được dẫn dắt dựa trên sự tăng trưởng người dùng thay vì mức độ tin cậy và doanh thu.

Nền văn hóa này đang hủy hoại những startup mạnh mẽ nhất thế giới, đưa công ty rơi vào cuộc khủng hoảng sâu đến nỗi, theo các chuyên gia, mọi nỗ lực cứu vãn đều đã quá muộn. Trong đó, Uber chính là bài học đau đớn nhất trong nền văn hóa “Bro Culture”.

CEO Uber Travis Kalanick

Những “thiếu gia” startup

Cách đây không lâu, Uber – kỳ lân lớn nhất thế giới được định giá 69 tỷ USD. Nhưng từ tháng 2/2017, startup này rơi vào cú trượt dài trong khủng hoảng, bê bối, những nhà điều hành hàng đầu thì tháo chạy khỏi công ty. The Next Web cho biết, những tai họa mà công ty gánh chịu ngày nay xuất phát từ “Bro Culture”, mà chính CEO Travis Kalanick là người “tạo tác”.

Tờ công nghệ The Verge miêu tả về Kalanick là một người bỏ học đại học, quậy phá. “Thành tích” của ông ở Uber là gây ra tổn thất khoảng 5 tỷ USD trong 2 năm qua. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư bao gồm cả Goldman Sachs và Morgan Stanley đã đổ vốn tổng cộng 16 triệu USD.

Một CEO trẻ khi nhận được rất nhiều tiền sẽ chi tiêu thiếu thận trọng. Những hành vi xấu, trong trường hợp này, sẽ không bị kiềm chế mà còn được dung túng. Văn hóa công ty bị ảnh hưởng bởi những buổi tiệc tùng quá mức, như cách mà Kalanick – CEO Uber đã cùng một nhóm đồng nghiệp đến quán rượu ở Hàn Quốc vào năm 2014. Những nhân viên nam của Uber gọi các cô gái được đánh số đến phục vụ tại bàn cho họ. 

Sự sụp đổ hàng loạt của Uber bắt đầu từ tháng 2, khi Susan Fowler - cựu kỹ sư của công ty viết về nạn quấy rối tình dục và kỳ thị tại công ty trong một thời gian dài. Văn hóa làm việc tại Uber lùm xùm đến nỗi công ty phải mở cuộc điều tra, đứng đầu là Tổng chưởng lý Attorney General Eric Holder cùng người đồng sáng lập Huffington Post là Arianna Huffington. Tuy nhiên, các nhân viên của Uber tỏ ra không hài lòng khi kết quả điều tra kết luận lạm dụng tình dục chỉ là những sự việc đơn lẻ, không mang tính hệ thống tại Uber, tờ The Verge cho biết.

Cùng thời điểm đó, mảng xe tự lái của Google kiện Uber đánh cắp ý tưởng công nghệ độc quyền của họ. Tháng 3/2017, The New York Times đưa tin Uber sử dụng phần mềm Greyball để “qua mặt” các nhà quản lý tại các thành phố Hãng này không được cấp phép hoạt động. Sau cùng, chính CEO Kalanick cũng trở thành một phần của khủng hoảng khi đoạn video ông cãi nhau với tài xe Uber được tung lên mạng. Người lái xe này phàn nàn về việc giảm giá của Uber khiến ông bị phá sản và ông chủ của startup này cần chịu trách nhiệm về việc đó.

Zenefits là một startup về quản lý nguồn nhân lực. Tháng 2/2015, người ta chứng kiến sự thành công đáng kinh ngạc của công ty khi gọi vốn được 583 triệu USD, với giá trị đỉnh điểm lên đến 4,5 tỷ USD. Chỉ 1 năm sau đó, công ty rơi vào khủng hoảng từ việc tăng trưởng quá nhanh, bị điều tra vì nghi ngờ bán bảo hiểm không có giấy phép, vi phạm quy chuẩn đạo đức. CEO Parker Conrad từ chức, 100 nhân viên nghỉ việc, giá trị công ty bốc hơi hơn một nửa.

Ông lớn Microsoft cũng dính bê bối vào 3/2016 khi mời những vũ nữ thoát y đến một sự kiện dành cho các nhà phát triển game khiến lãnh đạo hãng này phải công khai xin lỗi dư luận, theo Business Insider.

Quirky - nền tảng kinh doanh các ý tưởng, sáng chế từ cộng đồng được thành lập từ năm 2009 bởi Ben Kaufman. Công ty tăng trưởng nhanh đến nỗi cứ sau mỗi 6 tháng Ben Kaufman cảm giác như mình điều hành một công ty mới, bởi có quá nhiều nhân viên và quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Từng được xem như biểu tượng thành công, nhưng đến tháng 9/2015 công ty đệ đơn phá sản bởi nó không thực sự kinh doanh hay được điều hành hiệu quả, The New York Times bình luận.

Sự tăng trưởng nhanh chóng được đánh giá cao hơn tăng trưởng bền vững đã khuyến khích các doanh nhân trẻ bỏ qua các quy định để làm bất cứ thứ gì miễn là giành chiến thắng. Các công ty đốt tiền, và cuối cùng nhận ra họ hoạt động không hiệu quả thì đã quá muộn.

Liều thuốc muộn màng?

“Một thực trạng đã tồn tại quá lâu, dù nhận ra nhưng không ai thực sự giải quyết nó”, New York Times bình luận.

Sai lầm của các công ty theo văn hóa “Bro Culture” là thay vì phải được điều hành bởi những nhà lãnh đạo cao cấp, số phận của nó được trao cho CEO độc tài, chuyên quyền, thiếu kinh nghiệm. Không có gì ngạc nhiên về sự sụp đổ của Uber, nhưng đó là bài học quan trọng rằng văn hóa nơi làm việc không lành mạnh sẽ dẫn đến hậu quả tài chính thê thảm. Sau các bê bối, CEO Kalanick hứa sẽ… trưởng thành hơn và thừa nhận mình cần giúp đỡ bởi một người vững vàng, nhiều kinh nghiệm như Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành của Facebook.

"Đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng giá mà nó xuất hiện cách đây nhiều năm, bởi bây giờ đã quá muộn", New York Times viết

Một startup chỉ có thể vận hành tốt nếu nó được điều hành bởi những nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Nhà sáng lập, CEO trẻ cần có sự giám sát, tư vấn, kèm cặp bởi những thể chế chặt chẽ. Nếu không, những "cậu ấm" này sẽ lại được vây quanh bởi những lời khen ngợi, số tiền đầu tư lớn và những cám dỗ từ những thành công sớm.

Sau hàng loạt các bê bối của những starup ngôi sao, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng bị tổn thương và dần đầu tư thông minh hơn thay vì đổ tiền vào những chú ngựa non phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Theo Lyons, những công ty đã tồn tại lâu năm như Google, Apple, Uber đã đi quá xa để có sự thay đổi. Thế nhưng, những công ty thế hệ tiếp theo có thể làm điều đó tốt hơn. Thay đổi sẽ đến từ những công ty chưa thành lập.

>>Họ đã khởi nghiệp như thế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bro Culture": Mối họa của những startup triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO