BRIC muốn tiếm ngôi G-8?

HÀ CÚC| 24/06/2009 00:28

Nhóm bốn nước đang trỗi dậy (BRIC) muốn đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế thế giới thông qua một những thỏa thuận riêng có tính thách thức vị trí của các nước giàu.

BRIC muốn tiếm ngôi G-8?

Nhóm bốn nước đang trỗi dậy (BRIC) muốn đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế thế giới thông qua một những thỏa thuận riêng có tính thách thức vị trí của các nước giàu.

Nguyên thủ của bốn nước Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (BRIC) họp hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố Yekaterinburg (Nga) vào ngày 16/6/2009. Bộ tứ này không hề che giấu tham vọng muốn “chôn vùi vai trò độc quyền của câu lạc bộ các nước giàu, cụ thể là G-8”, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của các nền kinh tế đang vươn lên trong các quyết định chính trị và kinh tế thế giới.

Tại hội nghị này, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố: “Có một tin tốt lành, đó là các nước giàu đang bị khủng hoảng và các nước đang trỗi dậy đã đóng góp nhiều vào việc cứu vớt nền kinh tế, có nghĩa là cứu vớt các nước giàu”.

Theo ông, từ nay trở đi, khi nói đến sản xuất và tiêu thụ trên thế giới, không thể chỉ chú ý đến các nước giàu. Trong khi đó, ngoại trưởng Brazil Celso Amorim cũng không ngần ngại nói: “Nhóm G-8 đã chết”. Bởi vì nhóm này sẽ không thể thay thế sự hiện diện của Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ trong các cuộc thảo luận về những vấn đề kinh tế lớn trên thế giới.

BRIC = 15% GDP và 40% dân số của hành tinh

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs từng đánh giá bốn nước này sẽ nằm trong số các nước có nền kinh tế mạnh nhất vào năm 2050. Ông Alexei Pouchkov, giáo sư thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế tại Moscow bình luận, BRIC là một huyền thoại và huyền thoại này đang từng bước trở thành thực tế.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6 thể hiện quyết tâm muốn tạo dựng một cộng đồng. Vấn đề đặt ra là liệu cộng đồng này có trở thành một định chế chính trị hay không. Theo Reuters, tại cuộc họp, lãnh đạo bộ tứ thảo luận về việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế và khả năng lập ra đồng tiền dự trữ chung. Brazil và Nga mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la của Mỹ.

Điều này thể hiện rõ qua việc Tổng thống Lula da Silva đã đồng ý cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vay 10 tỷ USD dưới dạng mua trái phiếu của định chế này. Chính quyền Nga cho biết sẽ giảm bớt tỷ trọng công trái Hoa Kỳ trong khoản dự trữ và gia tăng việc mua công trái của IMF. Còn Trung Quốc tránh không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ, bởi vì công trái Hoa Kỳ, tức là đầu tư bằng đồng USD, chiếm một tỷ lệ quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cho rằng, hình thức phối hợp giữa bốn nước mang lại nhiều triển vọng hợp tác kinh tế và chính trị. Còn theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, lãnh đạo bốn nước sẽ thông qua một tuyên bố chung kêu gọi “thành lập một trật tự thế giới công bằng và dân chủ hơn”.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Vladimir Osakovsky thuộc Ngân hang UniCredit tại Moscow, cả bốn nước chưa sẵn sàng, chưa có những chuẩn bị cần thiết để thành lập đơn vị tiền tệ dự trữ chung, từ bỏ đồng tiền quốc gia và quyền kiểm soát chính sách tiền tệ trong nước... Chính vì vậy, cuộc họp đầu tiên này mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là đưa ra những quyết định quan trọng về kinh tế. Mục tiêu chính của nhóm này là tạo áp lực để phương Tây công nhận vai trò của các nước mới nổi lên này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
BRIC muốn tiếm ngôi G-8?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO