Bình Nhưỡng: Giữa ngã ba đường

LAM HỒNG| 07/01/2012 08:33

Những cải cách cuối đời của ông Kim Jong-il làm dấy lên hy vọng tân lãnh đạo CHDCND Triều Tiên (TT) sẽ tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng hơn, tạo tiền đề dẫn đến chính sách ngoại giao cởi mở với thế giới, hơn là chỉ có hạt nhân làm đầu câu chuyện.

Bình Nhưỡng: Giữa ngã ba đường

Những cải cách cuối đời của ông Kim Jong-il làm dấy lên hy vọng tân lãnh đạo CHDCND Triều Tiên (TT) sẽ tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng hơn, tạo tiền đề dẫn đến chính sách ngoại giao cởi mở với thế giới, hơn là chỉ có hạt nhân làm đầu câu chuyện.

Cải cách hay sự lựa chọn tình thế?

Người dân trên đường phố Bình Nhưỡng

Hãng tin CHDCND Triều Tiên (TT) KCNA đã ra thông báo lãnh đạo mới của TT Kim Jong - un đã chính thức được bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang TT, đồng nghĩa với việc con trai cố Chủ tịch Kim Jong-il trở thành người kế nhiệm vị trí lãnh tụ tối cao của TT.

Các nước láng giềng TT cũng như cả thể giới đang theo dõi xem sự thay đổi lãnh đạo có ảnh hưởng đến quan hệ của Bình Nhưỡng với thế giới hay không. Ngoài vấn đề hạt nhân, Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung TT sẽ tiến hành cải cách kinh tế.

Mặc dù cộng đồng quốc tế kêu gọi TT nên thay đổi, theo gương của Myanmar, tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế, nhưng theo giới phân tích, tân lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng, ít ra là trong giai đoạn đầu khi mới lên cầm quyền, vẫn sẽ đi theo con đường mà ông nội Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong-il đã vạch ra.

Là người ca ngợi học thuyết “chủ thể”, vốn đề cao việc tự dựa vào bản thân là học thuyết dẫn đường duy nhất của đất nước, ông Kim Jong - il đã hạn chế rất nhiều cải cách kinh tế của TT.

Năm 1974, khi ông Kim bắt đầu lãnh đạo miền Bắc cùng với cha, nền kinh tế miền Bắc và miền Nam Triều Tiên có quy mô gần như nhau. Nhưng vào năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã gấp 19 lần so với dân TT.

Kể từ năm 2000, Kim Jong-il đã có các cuộc họp thượng đỉnh với các Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo Hyun. Các cuộc họp này đã dẫn đến việc mở các các tour du lịch đến núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong.

Trước khi qua đời, ông Kim đã ra sức tìm kiếm ủng hộ của Trung Quốc và Nga nhằm tìm kiếm sự chuyển giao quyền lực cho người con trai út và để vực dậy nền kinh tế vốn gặp lắm khó khăn do bị bao vây kinh tế.

Để thực hiện điều đó, ông Kim tập trung vào ba dự án kinh tế xuyên quốc gia, mà theo đánh giá là “những dự án có thể làm thay đổi bàn cờ khu vực”. Dự án thứ nhất là đường ống dẫn khí đốt dài 1.700 km, chuyển khí đốt từ Nga đến Hàn Quốc trung chuyển qua lãnh thổ TT.

Hồi cuối tháng 8/2011, bất chấp bệnh tình, nhà lãnh đạo TT đã đến tận Nga để bật đèn xanh cho Tổng thống Medvedev về ống dẫn này. Le Figaro đánh giá, đường ống của Nga là sự hiện diện nước ngoài đầu tiên trên lãnh thổ TT, vì bấy lâu nay đối với nước này, mọi sự hiện diện nước ngoài đều bị xem là mối đe dọa cho chế độ.

Nhưng Bình Nhưỡng đứng trước ngã ba đường, giữa lợi ích kinh tế và lý tưởng chính trị. Khó khăn tài chính cũng khiến Bình Nhưỡng xây dựng hai đặc khu kinh tế vừa mới được thành lập ở ranh giới với Trung Quốc và Nga.

Đây là mô hình mô phỏng theo kiểu Trung Quốc. Tại cảng Rajin của đặc khu này, việc giao dịch bằng ngoại tệ đã được cho phép, Nga và Trung Quốc cũng đã ký được hợp đồng khai thác dài hạn ở đó.

Thực phẩm quan trọng hơn đầu đạn

Một số nhà quan sát hy vọng những dự án này sẽ mở đường cho những cải cách sâu rộng hơn dưới thời Kim Jong - un khi chính tân lãnh đạo này gửi thông điệp “thực phẩm quan trọng hơn so với đầu đạn”.

Những người lạc quan cho thấy rằng, để biện minh cho cải cách, lãnh đạo 28 tuổi này có thể lập luận rằng: cha của ông xây dựng vũ khí hạt nhân để làm cho người dân “mạnh mẽ”, bây giờ là thời gian để làm cho người dân “thịnh vượng”.

Yonhap dẫn lời một số chuyên gia dự báo, với một nhà lãnh đạo trẻ được đào tạo ở nước ngoài, TT có thể từng bước cải cách kinh tế và mở cửa nhiều hơn đối với thế giới bên ngoài.

“Tôi nghĩ rằng Kim Jong-un rất có thể sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế theo hướng nhìn về phía trước. Chúng ta không biết ông Kim đã học những gì ở nước ngoài, nhưng có thể chắc rằng nền kinh tế của những nước tiên tiến đã hấp dẫn được ông”, Cho Bong-hyun, một nhà phân tích của Viện IBK (thuộc Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc) nói.

Dự đoán này không phải là không có cơ sở khi TT cũng đang tiếp tục xây dựng một khu thương mại tự do ở khu vực Rajin-Sonbong và phát triển vành đai công nghiệp ven biển.

Chính sách mở cửa của TT mặc dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài khác, đặc biệt là yếu tố Trung Quốc, nhưng trước sức ép của quốc tế, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động hợp tác kinh tế trên quan điểm giúp ổn định tình hình TT.

TT đã tiến hành cải cách tiền tệ nhằm kiềm chế giá cả và nâng cao đời sống cho người dân đã 2 năm, nhưng kết quả lại không được như mong đợi khi giá gạo tăng mạnh và giá trị đồng tiền thì giảm nhanh chóng.

Tiến sĩ Dong Yong-seung thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Samsung đánh giá, biện pháp đóng cửa thị trường của TT đã làm cho một bộ phận tầng lớp giàu có mới nổi nhờ đầu cơ tích trữ đã bị suy thoái đáng kể.

Đặc biệt, những người đầu từ buôn bán với Trung Quốc bằng đồng tiền của TT, ví dụ như với Hoa kiều, đã hứng chịu cú sốc mạnh nhất, sinh hoạt của người dân miền Bắc gần như bị tê liệt.

Đứng trước tình trạng cấp bách và nghiêm trọng như vậy, Thủ tướng TT Kim Yong-il, lúc bấy giờ trong cuộc họp với các cán bộ cấp cao thuộc Ủy ban Nhân dân Bình Nhưỡng, đã lên tiếng xin lỗi về hậu quả của cuộc cải cách tiền tệ và cho phép thị trường hoạt động trở lại.

Như vậy, từ dự định muốn phát triển kinh tế quốc gia thông qua kiềm chế thị trường, TT lại khiến thị trường hoạt động mạnh hơn, khiến mức độ phụ thuộc vào thị trường trở nên cao hơn. TT cũng phải đứng ra chuẩn bị phương sách tự cứu lấy mình, như mở cửa lại thị trường sau nhiều tháng, cho phép sử dụng ngoại tệ.

Nhưng sẽ là quá sớm để nói rằng miền Bắc sẽ có ngay thay đổi lớn về tư duy kinh tế, theo các chuyên gia khác, viện dẫn tuổi đời còn non nớt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như thực tế là ông ta cần thời gian để củng cố và tập trung quyền lực.

Nhà lãnh đạo tối cao Kim trẻ có thể bị cám dỗ tham gia vào các hành động khiêu khích như thử hạt nhân hoặc một hành động quân sự nào đó để khẳng định uy quyền của mình (một số người tin ông này gánh trách nhiệm cho các cuộc tấn công ở Hàn Quốc trong hai năm qua). Hoặc chỉ đơn giản là ông chưa đủ khả năng để kiểm soát các phe phái trong các chế độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình Nhưỡng: Giữa ngã ba đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO