Anh tiếp tục rối bời vì Brexit

THÁI BẢO| 23/11/2016 07:40

Chính quyền của Thủ tướng Theresa May vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc đưa Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU) và ổn định tình hình.

Anh tiếp tục rối bời vì Brexit

Chính quyền của Thủ tướng Theresa May vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc đưa Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) và ổn định tình hình.

Đọc E-paper

Sắp tới, công dân Anh dự kiến phải đóng mức phí 5 euro (khoảng 120.000 đồng) và hoàn tất một bảng thông tin trực tuyến mỗi khi muốn di chuyển sang các nước EU. The Independent ngày 17/11 cho biết, EU đã công bố một loại "thuế đi lại", kèm theo hệ thống kiểm tra gọi là Hệ thống Etias. Theo các quan chức EU, đây là cách họ kiểm tra nhằm ngăn chặn những phần tử khủng bố lọt vào khu vực Schengen (gồm đa phần các nước EU đã ký hiệp định đi lại tự do). Tuy nhiên, phía Anh tin rằng đây chỉ là biểu hiện cho thấy họ đang bị EU trừng phạt vì đã bỏ phiếu rời tổ chức này (Brexit).

Tiến trình Brexit gặp khó

Trong lúc các hậu quả nhãn tiền của Brexit đã hiển hiện, hơi khó hiểu khi thấy thực tế người Anh vẫn... chưa thể rời khỏi EU.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 năm nay chứng kiến hơn 50% người Anh muốn ra đi. Thế nhưng để tách khỏi EU, điều này đòi hỏi một quá trình đàm phán dài hơi để tháo từng nút một, ví dụ bỏ luật đi lại tự do, lập lại rào cản thuế quan mới, thuế doanh nghiệp, thuế đầu tư của người Anh ở các nước EU và ngược lại... Để bắt đầu tiến trình đàm phán này, chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May phải kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon. Theo kế hoạch, Điều khoản 50 sẽ được kích hoạt vào tháng 3/2017.

Mặc dù vậy, một tòa án cấp cao Anh trong tháng này ra phán quyết quyền kích hoạt Điều khoản 50 không nằm ở Chính phủ, mà phải đợi kết quả một cuộc bỏ phiếu khác của Quốc hội. Chính phủ đã kiện tiếp lên Tòa án Tối cao (cơ quan xét xử cao nhất Vương quốc Anh), và phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 12.

Kể cả khi phải nhận định rằng Quốc hội chỉ bỏ phiếu... cho có, chứ hiếm khi "phản bội" lại ý muốn của hơn phân nửa người dân Anh hồi tháng 6 qua, thì Brexit vẫn là câu chuyện khó nhằn. Tuần trước, BBCThe Times thu được một bản ghi nhớ trong đó khẳng định Chính phủ Anh hoàn toàn chưa có kế hoạch tổng thể nào cho Brexit. Người lập bản ghi nhớ ấy nói rằng chính quyền phải giải quyết hơn 500 dự án lớn nhỏ liên quan tới Brexit, và việc này cần thêm 30.000 nhân sự nữa mới đáp ứng được khối lượng công việc ấy. Trong vòng 6 tháng nữa, chắc chắn chưa đâu vào đâu cả, tờ ghi nhớ khẳng định.

Tranh cãi

Bên cạnh những khó khăn từ công việc chất chồng, nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc chính phủ hoạt động chậm chạp là vấn đề bất đồng nội bộ. Bản ghi nhớ do BBC dẫn lại phía trên khẳng định các quan chức trong nội các của bà Theresa May không thể phối hợp với nhau, trong khi chính Thủ tướng Anh cũng bị chỉ trích là "ích kỷ”.

Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis và Bộ trưởng Ngoại thương Liam Fox được cho là một nhánh riêng chống đối phe Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark. Điều này thực tế đã được tờ The Sun đưa tin từ tháng 10. Ông Hammond, cựu Ngoại trưởng Anh, cáo buộc Bộ trưởng Liam Fox "hung hăng", và kêu gọi cấm ông này tham gia các cuộc thảo luận Brexit. Đồng thời, ông Hammond cũng nhận xét 3 nhân vật Fox, Johnson và Davis - vốn được bổ nhiệm như hệ quả của đợt thay đổi nội các sau cuộc bỏ phiếu Brexit, là những người hành xử không đúng mực.

Trong số các chính trị gia hiện tại ở Anh, Boris Johnson có lẽ là nhân vật thường xuyên dính đến những sự cố vạ miệng, cãi nhau nhất. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Bộ trưởng Phát triển tài chính Ý Carlo Calenda cáo buộc ông Johnson đã "xúc phạm" nước Ý trong đoạn nói chuyện liên quan tới thương mại hai nước. Theo đó, ông Calenda mô tả rằng ông Johnson "ảo tưởng" vì chỉ muốn tiếp cận thị trường Ý, nhưng không muốn doanh nghiệp Ý được thoải mái tiếp cận thị trường Anh.

Qua câu chuyện trên, có thể thấy quá trình thăm dò của Ngoại trưởng Anh tỏ ra không mấy hiệu quả, và vẽ lên bức tranh màu tối cho tổng thể những cuộc thương lượng rời Brexit mà nước này đối mặt. Các nước khác có quyền gây áp lực lên Anh, vì giờ London không còn đồng hội đồng thuyền với Brussels. Cái bất lợi của người Anh, như khi ông Johnson và ông Calenda trao đổi với nhau, nằm ở quy mô thị trường.

Ông Johnson bảo rằng người Ý đã bán rất nhiều loại rượu vang trắng ở nước Anh. Đáp lại, ông Calenda nói rằng Anh có thể hưởng lợi từ món "fish and chips" (cá và khoai tây - món ăn truyền thống của người Anh). "Nếu rời anh, tôi mất một thị trường, còn anh thì mất 27 thị trường", ông Calenda nói, nhắc đến 27 thành viên châu Âu mà Anh sắp "rời xa".

>Angela Merkel và Theresa May: Sức mạnh của "bóng hồng"

>Phiên trả lời chất vấn đầu tiên của tân Thủ tướng Anh - Theresa May

> Brexit cứng - "cơn ác mộng" của giới tài chính Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Anh tiếp tục rối bời vì Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO