Ấn Độ giải bài toán dùng điện "chùa"

BÍCH TRÂM| 18/10/2017 06:26

Các công ty điện lực tại Ấn Độ đã có "vũ khí” mới để "chiến đấu" với tình trạng sử dụng điện "chùa", Bloomberg nhận định.

Ấn Độ giải bài toán dùng điện

PwC Ấn Độ ước tính, các công ty điện lực ở Ấn Độ bị mất khoảng 10,2 tỷ USD/năm - là doanh thu của một phần năm lượng điện họ cung cấp. Những nguyên nhân được đưa ra là đồng hồ điện bị làm giả, tình trạng rò rỉ điện do thiết bị lỗi, và lớn nhất là vì người dân ở các khu ổ chuột chỉ thích... câu trộm điện để sử dụng. Không những không thu được tiền, các nhân viên công ty điện lực đến các khu vực này còn bị tấn công, đôi khi bị đánh đập, bị trói, thậm chí bị sát hại.

Sử dụng "nội ứng"

Vài năm nay, ban lãnh đạo Công ty Tata Power Delhi Distribution Limited (Tata Power-DDL, công ty con của Tata Power) ở Ấn Độ đã phối hợp với chính quyền bang Delhi đưa ra một giải pháp để khắc phục tình trạng này. Họ thuê những phụ nữ sống tại 223 khu ổ chuột mà công ty phục vụ (ở các khu vực phía bắc và tây bắc thủ đô) đến gõ cửa từng nhà hàng xóm của mình để thuyết phục, "dỗ dành" họ thanh toán hóa đơn tiền điện.

"Đội quân" này của Tata Power-DDL bao gồm 841 phụ nữ đã lập gia đình, những bà mẹ và cả những người đang ở độ tuổi 20, được gọi là "Abhas" - một từ trong tiếng Phạn để chỉ "ánh sáng". Kết quả là, doanh thu từ các khu ổ chuột nằm trong dự án này của Tata đã tăng 183% sau 5 năm triển khai. 56.000 hộ gia đình sử dụng điện không trả phí trước đây đã kết nối trở lại và chấp nhận thanh toán hóa đơn.

"Dự án này mở ra cho chúng tôi con đường để tiếp cận các khu dân cư này, vốn đầy rẫy các thế lực xã hội đen và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các mâu thuẫn chính trị. Chúng tôi nghĩ rằng phổ cập tri thức cho phụ nữ chính là một cách làm hiệu quả”, Praveer Sinha - Giám đốc điều hành Tata Power-DDL nói. Trên thực tế, Tata Power-DDL đã mở nhiều chiến dịch phổ cập tri thức cho phụ nữ ở các khu ổ chuột từ năm 2010 như là cách để tiếp cận cộng đồng này.

Praveer Sinha cho biết, ý tưởng thuê phụ nữ làm việc cho công ty được đề xuất vào năm 2012, khi những phụ nữ đã biết đọc biết viết hỏi rằng làm thế nào để họ áp dụng được những thứ đã học vào thực tế. "Những phụ nữ này không được gia đình cho phép ra ngoài làm việc, nhưng họ có thể làm việc trong chính cộng đồng của mình, được tùy ý chọn thời gian làm việc phù hợp và giúp chúng tôi tiếp cận được những hàng xóm của họ”, Manisha Wadhwa - nhà quản lý tại Tata Power-DDL, người đứng đầu nhóm những "nhân viên đặc biệt" này cho biết.

Khu ổ chuột phía bắc Delhi được gọi là Sanjay Basti, là nơi cư ngụ của 4.000 người. Sanjay Basti chỉ cách trụ sở của Tata Power-DDL khoảng 3km và từng là nơi nổi tiếng về các vụ "quấy rối" nhân viên điện lực. "Khi các nhân viên điện lực trèo lên cột điện để tháo các đường dây "bất hợp pháp", họ có thể không có cách nào trở lại mặt đất vì... chiếc thang đã bị lấy đi mất", Amarjeet Kaur - một bà từng là nội trợ mù chữ trước khi trở thành một Abhas vào năm 2013 - kể với Bloomberg.

Vừa đi giữa những con hẻm ổ chuột chằng chịt đường dây điện gần sát đầu người, Kaur (39 tuổi) vừa nói: "Mọi người từng hỏi tôi là tại sao lại trở thành "nhân viên" của công ty trong khi tôi chính là một cư dân trong khu ổ chuột đó, nhưng giờ đây nhiều phụ nữ đang xếp hàng chờ để được làm công việc này. Ngay cả những bé trai cũng muốn trở thành một Abhas".

Khám phá sức mạnh tiềm ẩn

Đến năm 2018, số lượng các Abhas dự kiến sẽ tăng lên mức 1.000 người. Trên thực tế, họ làm nhiều phần việc hơn là chỉ phát hóa đơn và thu tiền điện. Họ tư vấn cho các cư dân cách sử dụng điện tiết kiệm và an toàn. Chẳng hạn như dùng bóng đèn LED, không sử dụng các loại động cơ cũ để bơm nước ngầm, và quan trọng nhất là không dùng dây cáp điện làm... dây phơi quần áo.

Theo ông Praveer Sinha, nhiệm vụ mới nhất của Abhas là vận động người dân khu ổ chuột trả các khoản thanh toán trên thiết bị di động, nhằm giảm thiểu nhu cầu thanh toán kiểu cũ và tiết kiệm một khoản chi phí lớn. Các Abhas kiếm được trung bình 4.000 rupi (60 USD) mỗi tháng, tương đương với thu nhập của người giúp việc bán thời gian ở Ấn Độ. Những người quản lý các Abhas (hiện có 25 người) có thể kiếm được khoảng 12.000 rupi mỗi tháng, tương đương mức thu nhập của các tài xế xe buýt hoặc xe tải ở Delhi.

Người dân khu ổ chuột cho biết, so với người bên ngoài, họ thích tiếp xúc với những phụ nữ trong chính cộng đồng của mình hơn. Những "nhân viên đặc biệt" này sẽ giao hóa đơn tiền điện một cách cá nhân hóa: họ chọn thời điểm chắc chắn rằng hàng xóm của mình có ở nhà và chấp nhận cả việc thanh toán trước một phần hóa đơn khi "khách hàng" gặp khó khăn về tài chính.

Usha (38 tuổi) cho biết thích sự tiện lợi khi làm việc với những người mình đã quen biết, vì "trước đây, nếu chúng tôi không có ở nhà khi nhân viên điện lực đến thu tiền, chúng tôi bất đắc dĩ sẽ trở thành con nợ". Khi được hỏi có cảm thấy như bị "bắt nạt" hay không, cô cười và nói: "Nếu chúng ta sử dụng điện, chúng ta phải trả tiền".

Thành công từ sáng kiến của Tata Power-DDL đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác. Hồi đầu năm nay, Rival BSES Delhi - doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền bang Delhi và Công ty Reliance Infrastructure Limited - cũng đã tập hợp 40 phụ nữ tham gia vào một dự án thí điểm tương tự ở một khu ổ chuột ở phía tây Delhi.

Deepak Shankar - người phát ngôn của BSES cho biết, có được những phụ nữ ở ngay trong cộng đồng này đi phát hóa đơn và thu gom tiền điện từ hàng xóm của họ đã cho thấy "những kết quả rất đáng khích lệ” và là tiền đề để mở rộng chương trình về sau. World Bank cũng đang tiến hành các dự án tương tự ở Jamaica và Kenya, đồng thời xem xét điều chỉnh chương trình cho phù hợp với một số quốc gia châu Phi khác. Cho đến nay, Công ty Kenya Power & Lighting cũng đã cải thiện được mức độ kết nối điện thông qua việc "bắt chước" mô hình của Tata.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ giải bài toán dùng điện "chùa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO