ABENOMICS: Đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc

LAM HỒNG| 22/05/2013 08:05

Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông cũng như Biển Đông đã buộc Nhật Bản phải tạo ra những ưu tiên cho chính sách ngoại giao và quân sự.

ABENOMICS: Đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc

Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông cũng như Biển Đông đã buộc Nhật Bản phải tạo ra những ưu tiên cho chính sách ngoại giao và quân sự.

Đọc E-paper

Thủ tướng Abe chủ trương tăng sức mạnh quân sự Nhật Bản

Khi ông Shinzo Abe từ chức chỉ một năm sau khi nhậm chức thủ tướng hồi năm 2007, ông bị các cử tri chế giễu. Đến nay, chưa đầy 5 tháng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Abe đã tạo ra một hình ảnh mới đầy hứa hẹn.

Với chính sách "Abenomics", một chính sách kết hợp giải quyết lạm phát, chi tiêu chính phủ và tăng trưởng đã có những dấu hiệu khả quan đầu tiên để đưa kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài hai thập kỷ qua.

Kể từ khi ông đắc cử thủ tướng, thị trường chứng khoán đã tăng 55%. Chi tiêu tiêu dùng đã đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2013. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 2 tại Nhật Bản đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng cho thấy, chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng 4 điểm trong quý I/2013 sau khi giảm liên tiếp trong 2 quý trước đó.

Kéo Nhật Bản ra khỏi suy thoái là một công việc rất lớn. Sau hai thập kỷ bị mất mát, GDP của Nhật Bản hiện nay chỉ ngang bằng mức năm 1991, trong khi chỉ số Nikkei, ngay cả sau khi tăng vọt gần đây, chỉ bằng một phần ba so với đỉnh của nó.

Lực lượng lao động thu hẹp cùng gánh nặng an sinh ngày càng tăng do dân số già. Các công ty đã mất khả năng cạnh tranh sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ cần Abenomics thành công một nửa, ông Abe cũng sẽ được đánh giá là một thủ tướng xuất sắc.

Sự suy yếu của Nhật trong hai thập kỷ đã tạo động lực Trung Quốc qua mặt Nhật Bản trong năm 2010 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trung Quốc hiện đã tự tin đến mức sẵn sàng đe dọa Nhật trong tranh chấp quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc thậm chí còn hỏi chủ quyền cả đảo Okinawa. Đối phó với sự tham lam và hung hăng của người hàng xóm Trung Quốc đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hơn cả của nội các Abe.

Ông Abe lên kế hoạch ứng phó với Trung Quốc bằng khẩu hiệu của Thiên hoàng Minh Trị "Fukoku Kyohei" (làm giàu cho đất nước, tăng cường quân đội): Chỉ khi Nhật Bản giàu có mới đủ khả năng để tự bảo vệ mình. Chỉ khi có thể bảo vệ bản thân, Nhật Bản mới có thể kiềm chế Trung Quốc và tránh trở thành một chư hầu của đồng minh Hoa Kỳ.

Vì thế, chính sách Abenomics trong thực tế lại liên quan nhiều đến chiến lược quốc phòng. Có lẽ đó là lý do tại sao ông Abe đã điều chỉnh ngân sách khẩn cấp như vậy.

Trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông đã công bố chi tiêu chính phủ thêm 100 tỷ USD, một phần lớn trong số này được sử dụng để tài trợ tàu chiến cho Philippines, Ấn Độ, Úc. Trong tháng 2 vừa rồi, bất chấp áp lực dư luận, ông Abe vẫn ký thỏa thuận

Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một thỏa thuận thương mại khu vực buộc Nhật phải mở cửa ngành nông nghiệp nhưng kéo Nhật Bản gần hơn với Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.

Ông Abe mong muốn xây dựng một chiến lược địa chính trị mới "hướng Nam" và đặt tên là "An ninh dân chủ kim cương" liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Úc.

Bốn quốc gia trụ cột trong chiến lược này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Tất cả những quốc gia này có cùng một mối quan ngại chung là bị Trung Quốc đe dọa.

Nhưng những người nhớ nhiệm kỳ thất bại đầu tiên của ông Abe còn nhiều lo lắng. Bởi vì, chính sách tự cường của ông Abe có thể gây nhầm lẫn giữa tự hào dân tộc với chủ nghĩa dân tộc.

Trong thông điệp 31/1/2013 gửi Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo ông muốn "tu chỉnh bản Hiến pháp" được soạn thảo dưới sức ép của Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ II, ngăn cấm Nhật Bản vĩnh viễn không được sử dụng đến chiến tranh.

Sau nửa thế kỷ tự kiềm chế trong chính sách hiếu hòa, Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để đảm nhận vai trò của một đại cường quốc kinh tế và quân sự. Vì thế, dư luận Nhật lo ngại bị cuốn vào vòng xoáy của leo thang và xung đột quân sự trong tương lai gần.

Đặc biệt khi ông Abe tỏ ra "quân phiệt" hơn khi năm ngoái tới thăm đền thờ cựu binh chiến tranh Yasukuni và năm nay gửi tặng đồ nghi lễ cho một bộ trưởng tới thăm ngôi đền này. Hành động này lại tiếp tục khiến Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận.

Trong cốt lõi, ông Abe nói rằng, thái độ, hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã tạo ra sự ưu tiên cho chính sách ngoại giao và quân sự của Nhật Bản.

Tuy nhiên, dư luận Nhật cho rằng, ông Abe có quyền đánh thức Nhật Bản, nhưng để khôi phục sức mạnh Nhật Bản cần tiếp thêm lực cho nền kinh tế, chứ không phải kết thúc trong một cuộc chiến tranh không cần thiết với Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ABENOMICS: Đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO