Công nghệ

Thiếu kỹ sư, Mỹ gặp khó trong kế hoạch giúp Việt Nam thành cường quốc về chip

Thanh An 05/09/2023 18:00

Theo hãng tin Reuters, tình trạng thiếu kỹ sư ở Việt Nam đang nổi lên như một thách thức lớn đối với việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đồng thời cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của Mỹ nhằm thúc đẩy Việt Nam thành trung tâm sản xuất chip chính, phòng ngừa rủi ro liên quan đến nguồn cung từ Trung Quốc.

Tiềm năng của Việt Nam trong ngành xuất khẩu chip bán dẫn

Một đánh giá của Bloomberg hồi tháng 7/2023 cho biết, trong cuộc chạy đua ở thị trường sản xuất chip bán dẫn vào thị trường Mỹ, Việt Nam đã lọt vào top 4 nước dẫn đầu châu Á về lĩnh vực xuất khẩu này, bên cạnh Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam khi chỉ mới đặt nền móng ban đầu cho sản xuất chip trong nước.

phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam.jpg

Theo số liệu thống kê của Bloomberg hồi tháng 4/2023, chip từ Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. Riêng tháng 2/2023, số lượng chip xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng khoảng 240,8 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Xét theo mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng ba châu Á, chỉ sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), trong hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ.

Trong nhiều năm qua, cuộc chạy đua sản xuất chip bán dẫn giữa nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng diễn ra sôi nổi. Nếu như Mỹ vẫn còn đang tìm cách hồi phục và phát triển nguồn cung chip nội địa để vươn lên trở thành bá chủ trong ngành công nghiệp chip thế giới, thì Trung Quốc lại đang dẫn đầu cuộc đua và trở thành mối lo ngại đối với Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây thì nhiều quốc gia châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam lại đang bắt đầu nổi lên như những thị trường dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu chip vào thị trường Mỹ.

Bạn đọc đề cử 10 doanh nhân truyền cảm hứng 2023 nhấn vào ảnh bên dưới:

part-1_3.gif

Nhận định về những kết quả đạt được trong hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn từ Việt Nam trong những tháng đầu năm nay trước giới truyền thông, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, nhất là khi công nghiệp sản xuất chip Việt Nam đang ở mức đánh giá tiềm năng phát triển hơn là có vai trò chủ đạo.

Thách thức của Việt Nam trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn trên thế giới

Tiềm năng sản xuất chip bán dẫn của Việt Nam là điều không thể phủ nhận nhưng đi kèm với đó cũng là những thách thức, rủi ro và khó khăn vô cùng lớn. Thiếu hụt các kỹ sư được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chip là một trong những thách thức lớn mà ngành sản xuất chip Việt Nam phải đối mặt.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chip, với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng trong tương lai.

chip1.jpg

Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng từ 5.000-6.000 kỹ sư được đào tạo cho ngành chip bán dẫn, trong khi nhu cầu cần có là 20.000 kỹ sư trong 5 năm tới và 50.000 kỹ sư trong một thập niên tới.

Ông Vũ Tú Thành - người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết: “Con số các kỹ sư phần cứng có sẵn ở Việt Nam hiện thấp hơn số lượng cần thiết cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng tỷ đô này”.

Mặc khác, việc tạo ra một sản phẩm chip điện tử hoàn chỉnh bao gồm nhiều quy trình công nghệ phức tạp, từ thiết kế, sản xuất bán dẫn trên wafer đến kiểm tra và đóng gói không phải là điều dễ dàng cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chỉ mới có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm thiết kế và kiểm tra, đóng gói sản phẩm. Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ tập trung ở khâu thiết kế.

Ngoài ra, một số trở ngại như thiết lập chuỗi cung ứng nội địa có khả năng hỗ trợ sản xuất chip; đào tạo lực lượng lao động lành nghề; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, hợp tác với các đối tác quốc tế… trở thành những rào cản rất lớn cho ngành sản xuất chip Việt Nam.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn hiện nay, các chính sách thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào xây dựng nhà máy, đào tạo nhân sự cho ngành này của Chính phủ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các khó khăn ở ngành sản xuất chip Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 10/9/2023 tới đây và việc sản xuất chip bán dẫn được xem là một trong các trọng tâm trong việc phát triển quan hệ hai nước nhân chuyến đi này. Giới chức Mỹ cho biết trong chuyến thăm tới Việt Nam lần này, Tổng thống Biden sẽ đề nghị giúp Việt Nam phát triển việc sản xuất chip.

Chiến lược chuyển sản xuất đến những nước thân thiện với Mỹ được cho là yếu tố quan trọng trong việc Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược trong năm nay.

Việc Mỹ giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này cũng giúp mang đến hàng tỷ USD đầu tư cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, phân tích trong ngành công nghiệp này, Việt Nam cần các chuyên gia được đào tạo có tay nghề để giúp phát triển ngành công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu kỹ sư, Mỹ gặp khó trong kế hoạch giúp Việt Nam thành cường quốc về chip
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO