Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu trái cây Việt Nam liên tục tăng, từ 827 triệu USD (2012) lên 1 tỷ USD (2013) và 1,477 tỷ USD (2014). Với kết quả tăng trưởng khả quan này, năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trái cây lên 2 tỷ USD. Liệu đích ngắm ấy có quá xa?
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Thế nhưng, vấn đề là những người thực thi không thực thi đúng chính của Nhà nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Sĩ Công nói: "Chúng ta đang có mâu thuẫn rất lớn trong việc thực thi chính sách. Trong khi Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu trái cây... thì chính những người làm việc trực tiếp với DN tại nhiều cơ quan như cơ quan kiểm dịch thực vật, hải quan lại... hành DN.
Nếu Việt Nam không cải thiện được bốn vấn đề, gồm điều tiết thị trường, thực thi chính sách, định hướng nông sản, định hướng thị trường thì sẽ rất khó để cải thiện tình hình xuất khẩu trái cây.
Lý giải những điều vừa nêu, đại diện Chuối Laba Đà Lạt, cho hay, nông dân Việt Nam hiện nay đang tự bơi với sự phụ thuộc đến 80% vào thị trường Trung Quốc và thường trực trong tình trạng "được mùa mất giá”.
Chuối Việt Nam trồng rất nhiều, thừa để xuất khẩu nhưng chất lượng và tính đồng bộ quả thì gần như bằng không.
>>Vắng bóng DN tư nhân trong chính sách nông nghiệp của ASEAN
Như vậy, rất khó để xuất khẩu tiểu ngạch chứ chưa nói đến xuất khẩu chính danh. Đã vậy, chính sách điều tiết thị trường cũng chưa được phát huy.
Cụ thể là mới đây khi giá thanh long giảm mạnh, chỉ còn 500 - 2.000đ/kg thì tại Lâm Đồng, thanh long vẫn được bán với giá 20.000 - 30.000đ/kg.
"Để trái cây Việt Nam có mặt trên thế giới, cần phải có sự tham gia của các tập đoàn lớn, có tiềm lực về tài chính, có vùng chuyên canh lớn", ông Công nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Chung nêu dẫn chứng về việc thất bại của một DN FDI sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu trái cây. Cụ thể, năm 1995 có một DN FDI (Anh Quốc) vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất nước trái cây cô đặc tại Long An.
Thời điểm đó, DN này chọn dứa để sản xuất nhưng chỉ sau một tuần hoạt động, nhà máy không đủ nguyên liệu đành khép lại dự án. Bởi, để có được 100kg nước dứa cô đặc cần đến 1.000 tấn dứa nguyên liệu nhưng vùng trồng ở Long An không đáp ứng đủ.
>>Trái cây xuất khẩu: Cơ hội giảm lệ thuộc Trung Quốc
Theo ông Chung, trái cây ngoài xuất khẩu tươi, có thể chế biến được rất nhiều sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao, như nước trái cây cô đặc, chế biến dạng mứt, miếng, hạt, trái cây đóng hộp, các nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp bánh kẹo, sữa...
Song, cái khó của trái cây Việt Nam là nếu muốn chế biến sau thu hoạch thì phải xem lại vùng trồng mà điều này thì Việt Nam chưa đáp ứng được.
Cũng theo ông Chung, hiện nay, thị trường Trung Đông tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD/năm nước ép trái cây. Đây là thị trường rất lớn đối với các DN Việt Nam. Giá nước trái cây cô đặc đang ngày một tăng cao, riêng dứa cô đặc có giá khoảng 1.700 USD/tấn.
"Vấn đề là Chính phủ cần phải có những định hướng dài hạn và tập trung vào một số loại trái cây chủ lực, không nên phát triển dàn trải theo chiều rộng.
Philippines có thương hiệu chuối Dole, New Zealand có trái Kiwi, táo... với diện tích hàng nghìn ha, canh tác hoàn toàn bằng cơ giới, cho ra sản phẩm đẹp, đồng bộ, giá rẻ, nổi tiếng trên toàn thế giới. Việt Nam cần học tập ở họ”, ông Chung nói.
Các nhà phát triển nông nghiệp cũng cho rằng, để kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng có thể tiến đến đích với con số nhiều tỷ USD thì mở rộng vùng trồng đồng bộ từ 1.000 ha trở lên và phối hợp nhịp nhàng giữa Nhà nước, nhà khoa học, DN và người nông dân.
>>Thị trường trái cây: Nhập khẩu rộn ràng, xuất khẩu gian nan