World Cup 2022: Qatar sẽ tiếp cận được khoảng 60% dân số thế giới

Nguyễn Đăng| 10/12/2022 06:00

World Cup là một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế tổng thể theo kế hoạch "Tầm nhìn quốc gia 2030", giai đoạn mà đất nước vùng Vịnh này muốn đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào tài nguyên.

Chi ra hàng trăm tỷ USD cho một giải đấu bóng đá, vậy Qatar sẽ nhận lại được lợi ích gì từ giải đấu lớn nhất của bóng đá thế giới? 12 năm chuẩn bị, xây mới hoàn toàn 7/8 sân vận động, với khoản kinh phí khó tin hơn 220 tỷ USD phục vụ cho ngày hội bóng đá thế giới. Đó là những gì sơ bộ nhất về sự chuẩn bị của nước chủ nhà Qatar cho World Cup 2022.

Khoản kinh phí mà quốc gia Tây Á này đầu tư cho giải đấu là khó tin cho một giải đấu thể thao. Nên nhớ, trước khi kỳ Wolrd Cup trên đất Qatar diễn ra, Brazil là nước từng chi đậm nhất cho giải đấu cũng chỉ ở mức 15 tỷ USD. Nghĩa là chưa bằng 1/10 so với những gì Qatar chi ra cho World Cup 2022. Một so sánh khác, chủ nhà World Cup lần này đã chi ra khoảng tiền gấp gần 20 lần ngân sách quốc gia hằng năm của Uganda.

Với khí hậu khắc nghiệt của Qatar, ngay sau khi quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup, đã có nhiều ý kiến cho rằng sẽ là một giải đấu thảm họa. Bởi ai cũng hiểu, chơi bóng dưới cái nóng trung bình 50 độ C rõ ràng là điều không thể. Nước chủ nhà Qatar lập tức khẳng định nhiệt độ không phải là vấn đề lớn và họ hứa sẽ có công nghệ điều hòa không khí tiên tiến trong các sân vận động, khu vực dành cho cổ động viên. Và thật sự họ chẳng hề nói suông.

Đến thời điểm hiện tại, khi World Cup đã đi qua 2/3 chặng đường, những vị khách khó tính bậc nhất cũng chẳng thể phàn nàn về hiệu quả của khoản tiền hàng trăm triệu USD.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy Qatar thu được bao nhiêu từ giải đấu mà họ chấp nhận chi ra khoản tiền khó tin như vậy?”.

Hy Lạp đã vỡ nợ với một trong những nguyên nhân chính là Olympic Athens 2004. Brazil cũng lỗ 2 tỷ USD với Olympic Rio 2016. Kinh tế Ukraine cũng không khởi sắc sau Euro 2012. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, các lĩnh vực kinh tế của quốc gia này sẽ được hưởng lợi và thu về cũng chỉ khoảng 17 tỷ USD. Nghĩa là họ phải chịu khoản lỗ lên đến 203 tỷ USD. World Cup là một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế tổng thể theo kế hoạch "Tầm nhìn quốc gia 2030" của Qatar. Dự kiến trong một tháng diễn ra giải đấu sẽ có khoảng 1,2 triệu người đến Qatar. Ngoài ra, ước tính gần 5 tỷ người trên khắp thế giới theo dõi giải đấu từ xa. Có nghĩa, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Qatar sẽ tiếp cận được khoảng 60% dân số thế giới.

-1508-1670577303.jpg

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% năm 2022 nhờ World Cup. Sau đó, mức tăng trưởng có thể giảm xuống còn 1,7% vào năm 2024. Giống như nhiều quốc gia vùng Vịnh khác, Qatar được cảnh báo không nên phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Vì vậy, quốc gia này đang có những bước chuyển mình trong cách hoạch định, phát triển kinh tế. Họ không muốn dính phải “lời nguyền tài nguyên” (quá phụ thuộc vào tài nguyên để rồi sau khi không còn lợi thế đó nữa sẽ lập tức rơi vào cảnh nghèo đói). Kết quả từ năm 2015 đến nay, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp dầu mỏ vào nền kinh tế chung đất nước giảm từ 53% xuống còn 39%.

Du lịch là một trong những lĩnh vực mà chủ nhà World Cup 2022 định hướng phát triển. Giống như cách Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã làm và tạo nên “thiên đường mua sắm” Dubai. Qatar đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ tiếp đón 6 triệu du khách, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Ngoài ra, họ cũng đã lập quỹ đầu tư quốc gia với hàng trăm tỷ USD để đầu tư qua nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau. Trong đó, thương vụ mua lại Câu lạc bộ Paris Saint-Germain F.C của Pháp và biến đội bóng này trở thành một trong những câu lạc bộ giàu nhất thế giới. Việc sở hữu một đội bóng nổi tiếng giúp cái tên Qatar được biết đến nhiều hơn trên khắp thế giới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
World Cup 2022: Qatar sẽ tiếp cận được khoảng 60% dân số thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO