World Cup 2022: Cuộc chơi "hành xác" cầu thủ và kim tiền?

Nguyễn Minh| 13/11/2022 07:00

World Cup 2022 được đánh giá không hề đổi mới về những giá trị tích cực mà là cuộc chơi “hành xác” các cầu thủ và giá trị kim tiền đắt đỏ.

Dấu chấm hỏi về chất lượng giải đấu?

Đây là lần đầu tiên World Cup tổ chức vào mùa Đông thay vì mùa Hè như thường lệ. Điều này kéo theo nhiều thay đổi trong kế hoạch chuẩn bị của các Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) cũng như các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) cho giải đấu quan trọng này. Thông thường tại các kỳ World Cup, các ĐTQG tham dự sẽ có trung bình 1 tháng để chuẩn bị cho giải đấu. Chốt đội hình chính thức, thi đấu giao hữu để thuần thục lối chơi... 

Mới đây, báo chí Anh đưa tin, các đội bóng Ngoại hạng Anh từ chối trả các cầu thủ mang quốc tịch Argentina về sớm với ĐTQG. Nguyên do họ đang trong giai đoạn quyết định của giải đấu, nên việc để mất các trụ cột sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chặng đường còn lại.

Như Lisandro Martinez từ đầu mùa tới giờ thi đấu gần 1.500 phút cho Man.United. Và nếu tính đến thời điểm khăn gói trở về tuyển quốc gia, ngôi sao 24 tuổi sẽ vượt ngưỡng 1.600 phút thi đấu. Đặt phép tính dễ hiểu, chơi với mật độ dày đặc, kết hợp quãng đường di chuyển dài cùng số trận phải ra sân liên tiếp tại World Cup 2022, rất khó để Martinez đảm bảo thể lực.

Tương tự Vinicius Junior, Federico Valverde của Real Madrid cũng không ngoại lệ, chạm ngưỡng 1.600 phút thi đấu ở thời điểm hiện tại. Sự bào mòn về thể lực sẽ là điều dễ nhận thấy ở cả hai trong những trận đấu tới của tuyển Brazil cùng Uruguay.

Hiệp hội Cầu thủ Nhà nghề Thế giới FIFPro từng nhận định, giới hạn cầu thủ trong 1 năm không nên quá 60 trận. Nhưng trước thềm World Cup 2022, số cầu thủ thi đấu 1 năm với hơn 50 trận sẽ góp mặt tại giải đấu tới đây không dưới 100 người.

Kevin De Bruyne từng lên tiếng việc phải cày ải 4 trận trong 11 ngày tại UEFA Nations League. Vậy World Cup 2022 thì sao? Sẽ có quá không khi gọi đó là một cuộc “hành xác” dưới lớp áo choàng đổi mới?

“Choáng” với kinh phí đăng cai 

Tờ Monitor mới đây đưa tin, Qatar đã chi ra kinh phí khổng lồ lên đến 220 tỷ USD cho ngày hội bóng đá kéo dài 1 tháng. Trước đó Nam Phi, Brazil và Nga đã chi lần lượt là 3,6 tỷ USD, 15 tỷ USD và 11,6 tỷ USD cho các kỳ World Cup năm 2010, 2014 và 2018.

Nên nhớ, ngân sách tài chính năm 2022/2023 của đất nước Uganda chỉ gần bằng 1/19 con số này. Nhìn tổng thể, việc Qatar chi số tiền lớn như vậy cũng không quá so với tiềm lực kinh tế nước chủ nhà. Nhưng nếu so với các World Cup trước đây, có sự chênh lệch đáng kể. Đăng cai World Cup được chứng minh không chỉ vì lợi ích kinh tế. Đây là sự thể hiện sức mạnh chính trị và kinh tế và niềm tự hào của một quốc gia trước bạn bè thế giới.

Qatar có lý do khi chi một khoản kinh phí khổng lồ cho cuộc chơi vỏn vẹn 1 tháng. Theo thông tin từ FIFA, để đăng cai một kỳ World Cup, đội chủ nhà ngoài đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, còn phải thực hiện cuộc vận động chuẩn bị từ 6 năm trước.

Đức đã 8 lần đua đăng cai tổ chức, nhưng chỉ 2 lần thành công. Anh kể từ World Cup 1966 đến nay đều thất bại trong cuộc chạy đua cho World Cup 1990, 1998, 2006 và gần đây nhất là 2018.

Morocco từng 2 lần vận động chuẩn bị, nhưng đều không được chọn vào các năm 2006 và 2010. Nam Phi thành công nhờ vào chính sách xoay vòng bảo vệ lợi ích của FIFA dành cho các nước châu Phi, đó là sự ưu ái đặc biệt. Riêng Ai Cập, Libya, Nigeria và Tunisia... cũng từng muốn đăng cai nhưng đều thất bại.

Qatar giành quyền đăng cai World Cup là kỳ tích. Và với tiềm lực tài chính hùng mạnh, họ có quyền phô trương thanh thế của một kẻ giàu với giá trị kim tiền hiện hữu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
World Cup 2022: Cuộc chơi "hành xác" cầu thủ và kim tiền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO