Sau ánh hào quang thể thao là gì?

VY BẢO| 23/02/2017 09:09

Ngay cả khi một vận động viên bước lên đỉnh cao trong môn thể thao của mình, quãng đời còn lại của họ cũng là một vấn đề đáng quan tâm, không chỉ với họ mà còn với xã hội.

Sau ánh hào quang thể thao là gì?

Độ tuổi đẹp nhất của một vận động viên có lẽ chỉ tầm 15 năm nếu họ là nhân tài được phát hiện từ nhỏ. Điều này đồng nghĩa, ngay cả khi một vận động viên bước lên đỉnh cao trong môn thể thao của mình, quãng đời còn lại của họ cũng là một vấn đề đáng quan tâm, không chỉ với họ mà còn với xã hội.

Đọc E-paper

Tuần trước, người hâm mộ môn bơi lội một phen hốt hoảng khi Grant Hackett, người từng đoạt 3 huy chương vàng tại các kỳ Olympic bỗng dưng "mất tích". Hôm 16/2, cha của Hackett mới lên tiếng nói rằng "kình ngư" này đã được tìm thấy và vẫn an toàn.

Hackett từ chỗ là vận động viên "vàng" của Úc, đã sa đà vào nghiện ngập, chơi ma túy và uống rượu. Trước đó trong ngày 15/2, Hackett bị cảnh sát Gold Coast giam giữ sau khi gặp phải một "sự cố” tại gia đình. Đó cũng là thời điểm Hackett mất tích và người cha Neville Hackett phải nhắn nhủ trước truyền thông để đứa con quay về, trong khi anh trai của Hackett lại nói rằng người em ngôi sao của mình là "mối nguy cho chính bản thân và đối với cộng đồng".

Câu chuyện của Hackett một lần nữa làm nổi bật những khó khăn của một vận động viên sau thời gian thi đấu chuyên nghiệp. Đài ABC (Úc) hôm 16/2 cũng có bài viết khơi lại những trường hợp tương tự. Dẫu không đến nỗi nghiện ngập như Hackett, song các vận động viên chuyên nghiệp khác vẫn gặp sự cố về tâm lý và cuộc sống.

Thông thường, một ngôi sao lớn ví như David Beckham hoặc Eric Cantona của môn bóng đá, có thể kiếm tiền nhờ vào các công việc liên quan tới quảng cáo, truyền thông. Trong khi đó, một số người sau khi giải nghệ tiếp tục gắn bó với nghề bằng việc làm huấn luyện viên. Song, đó chỉ là bề nổi của câu chuyện.

Vận động viên bơi lội Libby Trickett chia sẻ: "Vô cùng khó khăn khi rời khỏi thể thao đỉnh cao, nơi chúng tôi đã quen và hình thành một cấu trúc của việc tập luyện liên tục và giữ đam mê, mục tiêu rõ ràng. Khi bạn bước ra đời thực, tất cả sẽ mất đi và bạn sẽ phải nỗ lực chứng tỏ bản thân".

Với các môn thể thao như bơi, bóng chuyền, bóng bàn..., nhu cầu thi đấu không quá đa dạng như bóng đá, vì vậy lượng người thất nghiệp sau khi giải nghệ cũng đông đảo hơn. Việc từ ánh hào quang Olympic bước sang bóng tối của sự cô độc, lãng quên cũng góp phần khiến nhiều vận động viên sa vào nghiện ngập.

"Nếu tôi có sự giúp đỡ từ những người chuyên nghiệp, họ có lẽ đã cảnh báo rằng tôi chán nản. Chắc chắn rằng tôi đã tự hủy hoại mình bằng cách tham gia tiệc tùng thâu đêm. Tôi đã tìm kiếm điều gì đó và chẳng biết bản thân mình trông ra sao", Liz Brett, thành viên đội bóng chuyền Úc thừa nhận.

Nhiều tổ chức phi chính phủ đã được lập ra dành riêng cho việc chăm sóc, tái tạo sức khỏe tinh thần cho vận động viên sau khi giải nghệ, chẳng hạn như trung tâm "tái hòa nhập cộng đồng" do Tony Adams, cựu đội trưởng đội Arsenal tại Premier League đề xướng, và đối tượng giúp đỡ của ông là những cầu thủ từng là đồng nghiệp như Paul Gascoigne. Tuy nhiên, bao nhiêu đó chắc chắn là chưa đủ.

>>4 bài học về tài chính từ vận động viên Olympic

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau ánh hào quang thể thao là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO