![]() |
Vụ va chạm giữa Luiz Suarez và Patrice Evra đã làm xấu mặt bóng đá Anh |
1. Hình ảnh đáng thất vọng nhất, thật buồn, lại diễn ra ở ngay trận derby nước Anh giữa M.U và Liverpool, hai đội bóng sở hữu tới 37 chức vô địch quốc gia và 8 Champions League.
Trở lại sau án treo giò rất nặng (8 trận) vì những lời nói phân biệt chủng tộc với Patrice Evra, nhưng có vẻ như Luis Suarez vẫn chưa hề thấm.
Trước sự chứng kiến của 75.000 khán giả tại Old Trafford cũng như hàng trăm triệu người trên khắp 212 quốc gia trên thế giới qua màn ảnh nhỏ, tiền đạo người Uruguay đã từ chối bắt tay Patrice Evra trước khi trận đấu diễn ra.
Nó hoàn toàn khác với cách Wayne Bridge không thèm bắt tay John Terry, kẻ đã cắm sừng anh. Luis Suarez chẳng ưa gì Evra, nhưng trong vụ tai tiếng vừa rồi, chính hậu vệ người Pháp mới là nạn nhân chứ không phải anh.
Điều đó chứng tỏ Luis Suarez mới là người phải chủ động xin lỗi Evra, đằng này khi đội trưởng M.U chủ động chìa tay ra thì anh lại tảng lờ.
Đó hoàn toàn không phải là một hành động bột phát bởi nên nhớ, Suarez đã có 8 trận ngồi chơi xơi nước để nghiền ngẫm, hơn thế nữa, chính FA đã cẩn thận thông báo với cả hai đội rằng không được phép bỏ qua màn bắt tay chào hỏi trước trận.
Có vẻ như án phạt chưa khiến Luis Suarez lột bỏ được bộ mặt quỷ dữ của mình. Nên nhớ trước trận đấu với M.U, tiền đạo người Uruguay còn móc mắt rồi tung một cú đá trúng bụng Scott Parker, và một thẻ vàng vẫn là quá nhẹ.
Bởi thế, có thể tin rằng, việc không thèm bắt tay Evra đã nằm trong kế hoạch nhằm gây ức chế cho đội chủ nhà trong trận đấu quan trọng vừa qua.
Ở trận đấu với M.U, khi tiền vệ da màu Valencia vỗ vai Suarez, anh còn làm động tác xem lại áo xem có dính bẩn hay không.
Với những biểu hiện như thế, thật khó tin rằng Suarez đã ngấm án phạt về phân biệt chủng tộc mà FA áp dụng với anh. Và Sir Alex chẳng hề quá lời khi phẫn nộ: “Anh ta (Suarez) làm ô nhục màu áo Liverpool”.
Một ngày sau đó, Suarez đã xin lỗi, nhưng ít người tin rằng anh thành thật, mà chỉ là động thái đối phó với nguy cơ dính án phạt nữa.
2. Khi vòng chung kết EURO 2012 chỉ còn bốn tháng nữa là khởi tranh, đội tuyển Anh đã bất ngờ có sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện viên trưởng.
Fabio Capello đã chính thức đệ đơn từ chức, dù sau một vòng loại hết sức thành công, người ta đang kỳ vọng chiến lược gia người Ý sẽ giúp đội tuyển Anh quên đi nỗi thất vọng tại World Cup 2010 bằng một mùa Hè thành công tại Ukraina và Ba Lan.
Nguyên nhân dẫn đến lá đơn từ chức của Fabio Capello, thật buồn, cũng lại xuất phát từ một vụ phân biệt chủng tộc. Đó là việc đội trưởng Tam sư John Terry bị cáo buộc có những lời lẽ phân biệt chủng tộc với trung vệ Anton Ferdinand (QPR).
Để bảo vệ hình ảnh, FA quyết định tước băng thủ quân của Terry mà không thèm hỏi ý kiến Capello. Nhưng cũng chính vì muốn bảo vệ hình ảnh của mình mà FA đã hoãn vụ Terry đến sau vòng chung kết EURO 2012 mới xử.
Bởi vậy, Capello cho rằng trung vệ Chelsea vẫn chưa đáng bị coi là kẻ phạm lỗi và không đáng bị tước băng thủ quân.
Một điều đáng buồn không kém trong vụ này là chính Anton Ferdinand lại từng bị đe dọa bởi những người hâm mộ của John Terry, thậm chí có lúc anh này phải bỏ nhà ra khách sạn ở cho an toàn.
Rio Ferdinand sau khi lên tiếng bênh vực em trai đã trở thành đối tượng bị khán giả la ó tại Stamford Bridge khi M.U đến làm khách trên sân Chelsea.
Rõ ràng, một bộ phận không nhỏ khán giả Anh đã có những cái nhìn tương đối lệch lạc và mang màu sắc phân biệt chủng tộc không kém cầu thủ.
3. Hồi còn đá cho West Ham, Paolo Di Canio từng có một hành động rất fairplay: trong một tình huống tấn công rất đẹp mắt, với đường tạt bóng đẹp mắt từ bên cánh phải vào vòng cấm địa đến đúng tầm khống chế của tiền đạo người Ý, nhưng anh đã tung người... ôm bóng và xin dừng trận đấu. Lý do: một cầu thủ trong hàng phòng ngự đối phương bị chấn thương đang nằm dưới sân.
Còn ở trận Arsenal - Sunderland vừa rồi, Mertesacker bị dính chấn thương và tự ngã trong pha đuổi bóng. Thay vì đá ra ngoài biên để bác sĩ vào chăm sóc cho hậu vệ người Đức, McClean đã dẫn bóng xộc thẳng vào vòng cấm địa và ghi bàn mở tỷ số.
Về lý thuyết, đó là một bàn thắng hợp lệ, nhưng lại được ghi trên tinh thần thiếu fairplay. May là sau đó Sunderland vẫn thua, chứ nếu họ hòa hoặc thắng thì pha bóng ấy chắc chắn sẽ còn bị “soi” và chê cười nhiều hơn nữa.
Hóa ra bóng đá Anh bây giờ cũng chẳng còn đẹp như cái vỏ bề ngoài của họ!