Olympic Sochi 2014: Vượt qua ám ảnh khủng bố?

PHƯƠNG VY| 12/02/2014 06:10

Tại Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014, các vận động viên không chỉ phải tranh tài để giành huy chương, mà họ sẽ còn phải vượt qua nỗi ám ảnh về bóng ma khủng bố, vốn đang là đề tài nóng bỏng.

Olympic Sochi 2014: Vượt qua ám ảnh khủng bố?

Tại Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014, các vận động viên không chỉ phải tranh tài để giành huy chương, mà họ sẽ còn phải vượt qua nỗi ám ảnh về bóng ma khủng bố, vốn đang là đề tài nóng bỏng.

Đọc E-paper

Nguy cơ khủng bố là điều đáng lo ngại nhất về kỳ Olympic mùa Đông 2014, nhất là khi Sochi lại nằm ở khu vực khá gần các quốc gia ở Bắc Kavkaz thuộc Nga, nơi mà các chiến binh Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh.

Khi thành phố du lịch trở thành... pháo đài

Việc Dokka Umarov, trùm thủ lĩnh phiến quân, kêu gọi khủng bố Thế vận hội đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải ban bố thiết quân luật ở Sochi để đảm bảo an toàn.

Trong đợt diễn ra Thế vận hội lần này, có tới hơn 40.000 nhân viên an ninh với những trang thiết bị tối tân đã được triển khai - một con số kỷ lục từ trước đến nay. Và Sochi, thành phố với xấp xỉ 340.000 dân, đã được biến thành một pháo đài thực sự.

Ngoài lực lượng an ninh của Nga, nhiều nước cũng đã cử nhân viên an ninh tới Thế vận hội, trong đó đáng chú ý nhất là Mỹ với hai tàu khu trục được điều đến biển Đen cùng hơn 600 thủy quân lục chiến.

Bên cạnh đó là hàng chục đặc vụ FBI được gửi tới Nga để hỗ trợ công tác bảo vệ cho Thế vận hội. Ủy ban Olympic của Mỹ cũng lên kế hoạch rút khẩn cấp các vận động viên của mình ngay trong trường hợp xảy ra sự cố.

Trong hai ngày cuối tháng 1, những vụ đánh bom tự sát ở Volgograd đã giết hại 34 người, và các chiến binh cực đoan Hồi giáo đã nhân cơ hội ấy để đe dọa rằng họ sẽ "tặng quà” cho những nhà tổ chức và khán giả tại Sochi trong tháng 2.

Ít nhất đã có 5 thành viên của Ủy ban Olympic nhận được thư nặc danh đe dọa khủng bố. Khủng bố hóa học hay thậm chí là... "bom kem đánh răng" là những hình thức khác đe dọa sự an nguy của các cổ động viên.

Cho dù Nga và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các bên xung đột vũ trang ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội, nhưng không có gì đảm bảo rằng những kẻ khủng bố sẽ tôn trọng điều đó.

Nỗi ám ảnh từ quá khứ

Thật ra đây không phải lần đầu tiên các tổ chức khủng bố nhắm vào những sự kiện thể thao lớn để đe dọa. World Cup 2010 ở Nam Phi và Thế vận hội London 2012 cũng từng đứng trước nguy cơ khủng bố.

Trước đó, Thế vận hội mùa Đông 2002 tại Salt Lake đã diễn ra chỉ vài tháng sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Chính vì nguy cơ khủng bố mà cuộc đua nổi tiếng Paris-Dakar đã phải chuyển lộ trình sang Nam Mỹ.

Đau thương nhất trong lịch sử chính là vụ thảm sát ở Olympic mùa Hè 1972 tại Munich, khi một nhóm khủng bố có tên "Tháng Chín đen tối" đã bắt cóc 11 cổ động viên Israel để ra yêu sách đòi thả 234 người Palestine đang bị giam giữ. Chính phủ Israel không đáp ứng yêu cầu ấy khiến tất cả các cổ động viên ấy đều thiệt mạng.

Tại Atlanta 1996, một quả bom đã phát nổ ở Công viên Olympic Centennial, làm 2 người thiệt mạng và 111 người bị thương. Và phải mất 7 năm sau, cảnh sát Mỹ mới bắt được hung thủ.

Tháng 4 năm ngoái, vụ thi marathon lớn tại Boston bị đánh bom đã khiến 3 người chết và tới 282 người bị thương. Cho đến thời điểm này, ngôi sao Emmanuel Adebayor vẫn chưa quên những khoảnh khắc khủng khiếp ở Nam Phi khi chiếc xe chở đội tuyển bóng đá Togo bị tấn công bằng súng, song rất may, tiền đạo này thoát nạn.

Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014
Thời điểm diễn ra: 7/2 - 23/2
Số quốc gia tham dự: 88
Tổng số vận động viên: khoảng 2.800 người
Tổng số bộ huy chương: 98 (7 môn thể thao chính)
Đoàn thể thao đông nhất: Mỹ, 230 người

Quá khứ để lại những nỗi ám ảnh, nhưng cũng để lại những hy vọng về việc tổ chức thành công kỳ Olympic này, bất chấp những nỗi lo khủng bố. Các lực lượng an ninh của Nga có thể cần học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp Anh.

Hồi năm 2012, Al-Qeada đã không giấu giiếm ý định tấn công Olympic London và cũng khởi đầu màn đe dọa bằng 7 vụ đánh bom trong các ga tàu điện ngầm khiến 7 người chết và khoảng 700 người khác bị thương.

Nhưng người Anh đã tổ chức rất tốt vấn đề an ninh khi Olympic diễn ra, không để bất kỳ thảm kịch nào xảy ra, dù lực lượng nhân viên của họ khi ấy chỉ là 12.000 người, tức chưa bằng 1/3 số lượng nhân viên mà Nga đã triển khai.

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Thế vận hội mùa Đông sẽ là thời điểm để Sochi tỏa sáng. Liệu điều đó có thể trở thành sự thực?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Olympic Sochi 2014: Vượt qua ám ảnh khủng bố?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO