Người Mỹ đầu tư mạnh cho thể thao học đường

THÁI VY| 13/09/2017 06:36

Thể thao học đường ở Mỹ thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, thống kê cho thấy số lượng trẻ em từ 6 đến 12 tuổi tranh tài tại nước này đã giảm gần 8% trong một thập kỷ qua.

Người Mỹ đầu tư mạnh cho thể thao học đường

Thể thao học đường ở Mỹ thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên một nghiên cứu mới được Hiệp hội ngành công nghiệp thể thao và thể hình Mỹ (SFIA) và Viện nghiên cứu Aspen đưa ra hồi tuần trước lại cho thấy tín hiệu bi quan. Số lượng trẻ em từ 6 đến 12 tuổi tranh tài đã giảm gần 8% trong một thập kỷ qua, theo The Washington Post

Đọc E-paper

Thể thao dành cho người giàu

Theo thống kê trên, năm 2008 có gần 45% trẻ em (6 đến 12 tuổi) chơi trong một đội thể thao thường xuyên. Năm nay, con số này chỉ còn 37%. Đó là một trong ba xu hướng đáng ngại cho thể thao trẻ ở Mỹ: ngày càng ít người tham gia, chi phí tăng cao và huấn luyện viên kém chất lượng.

Báo USA Today tuần trước dẫn trường hợp của cặp vợ chồng Judy Carter và Dwight Davis để thấy rằng, các học sinh muốn chơi thể thao tốt thì chi phí không hề ít.

Ông bà Davis vừa qua đã bay từ Mỹ sang tận Scotland, nơi được cho là "ngôi nhà của môn golf". Cặp vợ chồng này chi tổng cộng 4.800 USD cho 10 ngày dõi theo tiến độ của cậu con trai Ian Davis - tròn 14 tuổi hồi tháng 8. Cậu bé tham gia giải vô địch golf châu Âu dành cho trẻ em Mỹ - U.S. Kids Golf European Championship 2017 - và cán đích ở vị trí thứ 32 khi tranh tài cùng lứa 13 tuổi.

Vợ chồng Davis đặt nhiều kỳ vọng khi đã để Ian Davis chơi môn này từ lúc 7 tuổi, và ông Dwight ước tính số tiền đầu tư cho con mình cũng phải ở mức "sáu con số". Ông Davis - hiện là phó chủ tịch một công ty công nghệ thông tin truyền thông toàn cầu - thừa nhận đã phải hy sinh nhiều, như không đi du lịch nhiều và rút bớt khoảng 400.000 USD tiền quỹ phòng ngừa khi về hưu của mình.

Gần đây, họ bán căn nhà ở Dallas để chuyển tới sống tại Orlando, bang Florida. Đây là cách nhằm giúp Ian cải thiện kỹ năng tại Học viện Bishops Gate Golf Academy, nơi có học phí cỡ 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng).

Câu chuyện của nhà Davis điển hình cho chi phí đắt đỏ để phát triển khả năng thể thao.

>>Tay golf đặc biệt trên đất Mỹ

Đầu tư mạo hiểm?

USA Today dẫn khảo sát của Công ty dịch vụ đầu tư TD Ameritrade cho thấy, gần 20% các gia đình ở Mỹ chi hơn 12.000 USD/năm (hơn 270 triệu) cho mỗi đứa trẻ tham gia và luyện tập thể thao. Đây là thống kê đối với những bậc cha mẹ từ 30 tới 60 tuổi, với các khoản đầu tư cán mốc 25.000 USD và có con cái đang chơi thể thao ở lứa trẻ.

Cũng theo khảo sát trên, hầu hết các gia đình Mỹ (63%) chi từ 100 đến 499 USD cho một đứa trẻ mỗi tháng để chơi thể thao. 15% khác chi từ 500 tới 999 USD, 11% chi 1.000 tới 1.999 USD, và có 8% số người sẵn sàng chi 2.000 USD hoặc hơn cho sự nghiệp thể thao của con cái. Để làm điều này, 55% số người khảo sát nói phải hy sinh các thú vui giải trí, 40% nói sẽ ít đi du lịch hơn, và 23% thừa nhận đã dùng luôn tiền dự trù cho thời gian nghỉ hưu của mình.

Việc họ "liều mình" như thế cũng có lý do. Thứ nhất, nhiều chuyên gia tài chính nói với USA Today rằng đó là những quyết định chi tiêu đúng đắn, bồi dưỡng thể chất và sự cứng cáp cho thế hệ sau. Thêm vào đó, cũng như nhà Davis, họ muốn con mình một ngày nào đó sẽ thành ngôi sao thể thao - và khi ấy sẽ chẳng mấy chốc "hoàn vốn".

Mỹ có kiểu phát triển thể thao khác biệt với hầu hết các nước khác. Họ có bốn môn gọi là "tứ trụ”, nổi tiếng nhất với giới trẻ trong nước bao gồm: bóng chày, bóng rổ, bóng bầu dục và bóng đá. Đa phần các ngôi sao chơi ở các giải đấu đắt tiền sau này như giải bóng rổ NBA, bóng bầu dục NLF... chính là những người xuất thân từ các môn thể thao ở trường cấp 2, cấp 3 và đại học.

Đó là cách lý giải cho việc các phụ huynh sớm xác định tương lai cho con cái và sẵn sàng chi đậm để con mình hưởng lợi về sau. Tuy nhiên, ngược lại, đối với những người như cựu cầu thủ bóng chày Mike Trombley, hiện điều hành công ty đầu tư và kế hoạch hưu trí Trombley Associates, thì các bậc cha mẹ nên tính toán kỹ lưỡng và lo tiền về hưu trước khi đầu tư.

Thực tế là thể thao học đường phát triển mạnh sẽ nâng chất lượng các giải lớn, nhưng đồng nghĩa mức độ cạnh tranh quá cao vì các giải lớn không đủ chỗ cho tất cả.

>>Những cha mẹ không được "nghỉ hưu" tại Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Mỹ đầu tư mạnh cho thể thao học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO