"Ngoại giao Judo" trong quan hệ Nga - Nhật

THÁI VY| 22/09/2017 06:32

Trong hai nền văn hóa gần như khó thấy điểm chung, môn Judo đã trở thành điểm chung giữa Nga và Nhật Bản, đồng thời cũng được coi như là một công cụ ngoại giao đáng chú ý.

Trong hai nền văn hóa gần như khó thấy điểm chung, môn Judo đã trở thành điểm chung giữa Nga và Nhật Bản, đồng thời cũng được coi như là một công cụ ngoại giao đáng chú ý. 

Đọc E-paper

Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2017 tổ chức hồi đầu tháng 9 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga cùng thưởng thức trận đấu giao hữu Judo môn võ mà cả ba cùng đam mê.

Phóng viên của hãng TASS ghi lại rằng, ông Abe thậm chí đã đề nghị ông Putin thử tranh tài với Yasuhiro Yamashita, một vận động viên Judo khét tiếng của Nhật Bản và từng nhận huy chương vàng Olympic.

Giải tỏa khúc mắc

Nếu ông Abe là người hâm mộ cuồng nhiệt Judo - môn võ thuật biểu tượng khi nhắc tới Nhật Bản, thì cả ông Putin lẫn ông Battulga đều có... đai đen của món này. Chưa kể ông Battulga còn điều hành Liên đoàn Judo Mông Cổ nhiều năm trước khi làm lãnh đạo. Điều đáng nói hơn, Judo còn mang ý nghĩa rất đáng kể trong lịch sử cũng như quan hệ Nga - Nhật.

12 năm sau khi Đế quốc Nga bại trận trước Đế quốc Nhật Bản năm 1905, hai nước đã bắt đầu tham gia giải Judo lịch sử năm 1917. Giải đấu tại Vladivostok khi ấy, được ông Vasili Oshchepkov đứng ra tổ chức.

Nhà nghiên cứu võ thuật nổi tiếng này cũng là người đã tham dự Viện nghiên cứu Judo Kodokan ở Tokyo (Nhật Bản), do ông Jigoro Kano thành lập sau đó 6 năm. Oshchepkov có đai đen đầu tiên năm 1913, sau đó trở thành người sáng lập trường phái Sambo, được coi là "nhu đạo của người Nga", mang ý nghĩa gốc là tự vệ mà không cần vũ khí và nhanh chóng trở nên phổ biến thời nước Nga Xô Viết.

Nhưng ông Oshchepkov và Judo cũng phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Nhật trong lịch sử. Bất chấp đã để lại nhiều thành tựu và di sản, cuộc đời ông đã trở thành bi kịch năm 1938. Oschepkov bị cáo buộc là gián điệp Nhật Bản và bị bắt, sau đó chết khi mới 45 tuổi. Thời gian trôi qua, người ta chỉ còn nhìn nhận cái chết của Oshchepkov theo hướng nhẹ nhàng. Những di sản của ông được hồi tưởng trong năm nay, tức 100 năm kỷ niệm ngày khởi đầu một cuộc giao lưu võ thuật giữa Nga và Nhật Bản.

>>Putin dự giải vô địch judo châu Âu

Trả lời về việc tại sao lại muốn tổ chức sự kiện kỷ niệm này, ông Yamashita nói: "Nga và Nhật là hai cường quốc chia sẻ chung một Biển Nhật Bản. Điều quan trọng là hiểu được rằng hai nước chúng ta có một lịch sử và các giá trị văn hóa phong phú. Quan hệ hữu nghị không thể thiếu sự tôn trọng văn hóa của nhau. Nga là một trong những nước đầu tiên phát triển Judo và truyền tải giá trị của nó. Tôi rất vui khi Nga và Nhật có thể chia sẻ trải nghiệm của họ trong môn thể thao tuyệt diệu như Judo".

Phương tiện ngoại giao

Tháng 1/2016, Tổng thống Nga Putin - vị lãnh đạo nổi tiếng cường tráng và đam mê vận động, được ghi hình trong một buổi tập ở Sochi cùng đội Olympic Judo Nga. Tất cả đều ấn tượng với màn trình diễn của ông Putin, nhưng ít ai để ý rằng đó là sự kiện nhân lúc ông vinh danh huấn luyện viên trưởng Ezio Gamba, bằng cách trao tư cách công dân Nga cho ông này.

Dưới tài dẫn dắt của Gamba, đội Olympic Judo Nga đã giành những tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử. Ông Putin đã không quên đem câu chuyện này kể với Thủ tướng Ý khi ấy là Matteo Renzi: "Ông biết không, công dân của ông, Ezio Gamba, đang làm việc tại Nga. Ông ấy đưa đội tuyển của chúng tôi giành được thành quả tuyệt vời ở Olympic 2012, giúp chúng tôi thành công xuất sắc ở các trận Olympic và đạt kết quả tốt nhất lịch sử Olympic".

Khi được hỏi liệu lời đề nghị của ông Abe về cuộc tranh tài giữa ông Putin, ông Battulga và ông Yamashita có thật hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ rằng đó là một trò đùa. Tuy nhiên, nó cho thấy "sự phát triển tích cực" trong quan hệ giữa ba nước, và Judo nghiễm nhiên trở thành "phương tiện" ngoại giao quan trọng đối với các nước trong việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ, ông Peskov nói.

Với việc tranh chấp ở quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc còn chưa được giải quyết, quan hệ Nga - Nhật vẫn còn nhiều khả năng cải thiện ít nhất thông qua những kênh giao lưu khác như Judo. Nó cũng có thể được ví như "ngoại giao bóng bàn" của Mỹ và Trung Quốc những năm 70, cũng như "ngoại giao pin-down" trong môn vật giữa Mỹ và Iran những năm 90 của thế kỷ trước vậy.

>> Âm nhạc chưa hàn gắn ngoại giao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ngoại giao Judo" trong quan hệ Nga - Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO