![]() |
Manchester United (Man Utd) đã cải thiện tình trạng tài chính đáng kể và đang bước vào một giai đoạn quan trọng, trong đó trọng trách được đặt vai lên huấn luyện viên (HLV) Jose Mourinho.
Cái tên Man Utd chưa bao giờ thôi chiếm lĩnh các mặt báo thể thao các nước. Đó là cách đội bóng này vẫn đang thành công, xét về mặt hình ảnh, bất chấp phải trải qua giai đoạn khó khăn thời hậu Sir Alex Ferguson.
Biểu tượng về kinh doanh
Báo cáo tài chính của Man Utd năm 2016 ghi nhận một cột mốc lịch sử khi trở thành câu lạc bộ Anh đầu tiên vượt mốc nửa tỷ bảng doanh thu trong một năm. Tính tới 30/6/2016, doanh thu của Man Utd đạt 515,3 triệu bảng, qua đó dẫn đầu bảng xếp hạng kiếm tiền trong các câu lạc bộ Anh, chỉ xếp sau hai đội bóng Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid.
Đội bóng chủ sân Old Trafford cũng công bố lợi nhuận 68,9 triệu bảng, và thu nhập từ lĩnh vực bóng đá là 191,9 triệu bảng. Tất cả đều là những kỷ lục mới ở Anh. Phân tích từ Forbes cho thấy doanh thu từ thương mại của đội bóng này tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 354 triệu USD (khoảng 272 triệu bảng). Trong khi đó, doanh thu quảng cáo chỉ tăng 3,4%, nhưng các phân khúc kinh doanh, bán lẻ, sản phẩm cấp phép lại tăng tới 208% so với năm ngoái, chủ yếu đến từ thỏa thuận hợp tác với thương hiệu adidas từ tháng 8/2015, cùng một phần trước đó của Hãng Nike.
"Kết quả tài chính kỷ lục trong năm 2016 của chúng tôi phản ánh sức mạnh tiềm ẩn trong việc kinh doanh của Câu lạc bộ và mục tiêu doanh thu kỷ lục trong năm 2017, kể cả khi không đá Champions League. Hiệu suất mạnh mẽ về tài chính này cho phép chúng tôi đầu tư vào đội hình, đội ngũ quản lý và cơ sở hạ tầng để giành danh hiệu trong các năm tới", BBC ngày 12/9 dẫn khẳng định của Phó chủ tịch Ed Woodward của Man Utd.
Giờ là chuyện chuyên môn
Dù doanh thu của Man Utd đã tăng kỷ lục, nhưng thực tế nợ ròng của đội bóng này đã tăng 5,7 triệu bảng so với năm trước, nâng tổng số nợ hiện tại thành 260,9 triệu bảng. Giải thích việc này, Man Utd cho rằng họ đã chịu ảnh hưởng một phần vì đồng bảng Anh mất giá, khiến số nợ của họ - vốn nợ USD từ Mỹ, cũng tăng lên.
Bức tranh tài chính của Man Utd gần như được vẽ lại hoàn toàn từ lúc gia đình doanh nhân người Mỹ Glazers mua lại Câu lạc bộ năm 2005. Từ chỗ không nợ nần, Man Utd thành "chúa chổm" với mức nợ cao điểm là 777,9 triệu bảng vào năm 2010. Tuy nhiên, song hành cùng nợ là những con số khổng lồ về doanh thu, giá trị niêm yết... Nói cách khác, Man Utd giờ giống như một doanh nghiệp vận hành bóng đá hơn là một câu lạc bộ đơn thuần.
Trong mùa chuyển nhượng năm nay, đội bóng biệt danh "Quỷ đỏ" đã thực hiện hợp đồng 89 triệu bảng đưa Paul Pogba về sân Old Trafford, biến tiền vệ người Pháp thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Về chuyên môn, đó là sự hoang phí. Nhưng về toàn cục, nó phản ánh sức mạnh tài chính của Man Utd và cũng đóng góp quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh của đội bóng này cũng như thu hút đầu tư.
Một cách cụ thể hơn, để có dòng chữ Chevrolet trên áo thi đấu của Man Utd, hãng xe này phải trả 750 triệu bảng trong 10 năm, tức trung bình 75 triệu bảng/năm. So sánh với Chelsea, nhà tài trợ Yokohama Rubber "chỉ" phải trả 40 triệu bảng/năm.
Nỗ lực của Man Utd trong thời gian khó khăn từ năm 2013 tới năm 2016 đang bắt đầu cho thấy "quả ngọt". Năm 2013 là thời điểm đội bóng này bị nghi ngờ với quyết định nghỉ hưu của Sir Alex Ferguson, một huyền thoại sống của sân Old Trafford. Trong 3 năm qua, Man Utd đã không được dự Champions League vì thành tích bết bát trong thi đấu. Mặc dù vậy, sự cầm cự về mặt tài chính đến lúc này đang được tưởng thưởng với việc đưa ông Jose Mourinho về dẫn dắt đội bóng.
Ông Mourinho cùng tiền đạo Zlatan Ibrahimovic cũng như Paul Pogba, đã tạo ra một cú hích lớn trước thềm công bố kết quả tài chính của Man Utd. Mọi người đều hiểu rằng Champions League sẽ là một bước nữa nâng tầm của đội bóng này cả về thể thao lẫn kinh tế. Chính vì vậy, như ban lãnh đạo Man Utd khẳng định, tiền bản quyền Premier League (Giải Ngoại hạng Anh) tăng từ mùa giải năm nay, cộng thêm việc dự Champions League năm sau sẽ một bước nữa đưa Man Utd "lên tiên".
Về cơ bản Man Utd đã bước vào một cuộc chơi mới, vấn đề chỉ là mùa này họ có hoàn thành mục tiêu trở lại Champions League hay không. Đó chính là gánh nặng lớn nhất đặt lên vai ông Jose Mourinho: tạo ra bước ngoặt hay tiếp tục sắm vai David Moyes và Louis Van Gaal - những người đã phải "làm nền" thời hậu Ferguson.
>Cách kiếm tiền của các câu lạc bộ bóng đá danh tiếng
>Bóng đá châu Âu - mục tiêu mới của các tỉ phú Trung Quốc
> Các CLB bóng đá châu Âu được nhượng bộ tài chính