Làm bóng đá kiểu Mỹ

THÁI VY| 06/09/2017 06:43

Giải Nhà nghề Mỹ (Major League Soccer - MLS) có thực sự là "gã khờ" chuyên chiêu mộ các cầu thủ hết thời về đánh bóng tên tuổi? Câu trả lời sẽ rất khác.

Làm bóng đá kiểu Mỹ

Giải Nhà nghề Mỹ (Major League Soccer - MLS) có thực sự là "gã khờ" chuyên chiêu mộ các cầu thủ hết thời về đánh bóng tên tuổi? Câu trả lời sẽ rất khác. 

Đọc E-paper

Tuần trước, tiền đạo David Villa bất ngờ trở lại đội tuyển Tây Ban Nha sau 3 năm kể từ ngày chia tay đấu trường quốc tế sau World Cup 2014. Với người hâm mộ thích hoài niệm, Villa trở lại là một tượng đài trở lại. Cầu thủ 35 tuổi này từng giành đủ mọi vinh quang cả trong màu áo Barcelona lẫn đội tuyển, là một trong những chân sút xuất sắc nhất của bóng đá Tây Ban Nha thời hoàng kim (từ 2008 tới 2012). Nhưng đối với giải MLS, giá trị của Villa còn hơn thế.

Thay đổi ở "thiên đường"

Tờ Marca ngày 31/8 ca ngợi việc Villa trở lại đội tuyển Tây Ban Nha - một trong những đội bóng chứng tỏ sự thống trị của làng bóng đá 10 năm qua, cho thấy tiền đạo này là "đại sứ lý tưởng của giải MLS".

Villa trở lại nghĩa là giải MLS không phải chỉ là địa điểm cho những "ông già” tìm đường nghỉ hưu ở Mỹ. Lâu nay, xứ cờ hoa giống như "bãi đáp" cho những ngôi sao của bóng đá châu Âu. Đây là nước phát triển bậc nhất thế giới, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về tinh thần cho những cầu thủ triệu phú, là nơi trả lương xứng đáng nhưng áp lực thành tích không cao.

Cú chuyển nhượng của David Beckham sang Los Angeles Galaxy vào năm 2007 không phải trường hợp đầu tiên, nhưng điển hình và mở ra một trào lưu cho kiểu "hạ cánh" của những ngôi sao già cỗi. Thierry Henry, Steven Gerrard, Frank Lampard, Andrea Pirlo, Villa, Bastian Schweinsteiger, và cả Kaka - người đang nhận mức lương 7,16 triệu USD/mùa (cao nhất giải), đã lần lượt cập bến nước Mỹ để góp phần không nhỏ quảng bá cho những câu lạc bộ mà cách nay chừng 15 năm không mấy ai để ý như Seattle Sounders, New York Red Bulls, L.A Galaxy, New York City, Orlando City...

Theo nhận xét của Marca, thì giải vô địch Mỹ giờ đây đã phát triển và chứng tỏ họ thực sự nghiêm túc. Trong vài mùa giải gần đây, số lượng cầu thủ hạng "sao" ở châu Âu sang Mỹ đã vơi đi, hoặc nếu có thì đó đều xứng đáng là một danh thủ - như Gerrard hay Lampard. Ở mùa 2016-2017, MLS chứng kiến rất nhiều cầu thủ mới theo dạng tự đào tạo (home grown), hoặc ngôi sao tiềm năng. Và ngược lại họ cũng gần như không để các cầu thủ tiềm năng rời khỏi giải đấu để đi theo tiếng gọi của châu Âu.

>>Bóng đá châu Âu rối loạn vì các "siêu cò”

Động lực kinh tế

Tại Mỹ, bóng đá không phải môn thể thao được ưa chuộng như bóng rổ, tennis, bóng chày, boxing hoặc bóng bầu dục. Chính vì vậy thị trường này cũng không thể mang tầm vóc như các giải hàng đầu châu Âu. Một bài báo của The Wall Street Journal đầu năm nay nói rằng ngoại trừ L.A Galaxy hay Seattle Sounders, hầu hết các đội còn lại đều không kiếm nhiều tiền. Bản quyền phát sóng không đủ lớn, tiền tài trợ áo đấu, sân vận động chỉ đủ để các đội duy trì họat động. Nhưng như vậy làm sao họ có tiền để trả lương cho Kaka, Pirlo hay Villa?

Thực tế MLS đã mở rộng ra cả về số lượng bề nổi lẫn quy mô kinh tế. Cách nay 10 năm, hai đội Toronto FC (2007) và Real Salt Lake (2005) chỉ đóng lệ phí 10 triệu USD là tham dự MLS. Nay, muốn làm điều tương tự thì hai đội khác phải chi ra 150 triệu USD, vì lệ phí tham dự mỗi đội là 74,25 triệu USD. Đó là biểu hiện cho thấy MLS làm ăn có lãi!

Cách thức kiếm tiền của các đội liên quan tới cấu trúc giải. Báo Stripes của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện nay MLS vẫn tồn tại theo dạng "một thực thể”. Nghĩa là nếu ở Anh, 20 đội Giải Ngoại hạng có 20 chủ sở hữu khác nhau, thì tại MLS, đó là một "nhóm ông chủ” điều hành một giải. Nói cách khác họ không phải là đối thủ của nhau, mà là những đối tác của nhau, và được uỷ nhiệm điều hành một đội bóng dưới trướng... MLS. Thế nên số tiền thu được đều phải quy về MLS một phần và chia cho các đội một phần. Tiền của MLS sẽ được tái đầu tư, phân phối cho các đội để trang trải các chi phí lương cầu thủ, sân bãi, trọng tài...

MLS có thể coi là nhà tổ chức và cũng là đại diện cho bộ mặt của toàn thể các đội tham dự. Đây là khác biệt lớn so với Anh. Ngoài ra, các hợp đồng kiếm tiền từ bản quyền truyền hình được uỷ thác cho Hiệp hội tiếp thị bóng đá (SUM) - nơi sẽ "thu gom" mọi hợp đồng phát sóng nếu dính tới các thành viên MLS hoặc cầu thủ. Ví dụ khi tuyển Mỹ đã cúp vàng CONCACAF, tiền bản quyền cũng chảy vào túi SUM.

>>Bản quyền bóng đá và nguyên tắc thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm bóng đá kiểu Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO