"Giờ vàng" nào cho Champions League?

TRƯỜNG NHÂN| 19/10/2016 06:34

Trong nỗ lực biến Champions League thành "con gà đẻ trứng vàng", Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đang quyết tâm thúc đẩy đổi lịch thi đấu từ giữa tuần sang cuối tuần.

Trong nỗ lực biến Champions League thành "con gà đẻ trứng vàng", Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đang quyết tâm thúc đẩy đổi lịch thi đấu từ giữa tuần sang cuối tuần.

Đọc E-paper

Phát biểu bên lề sự kiện Leader 2016 tổ chức ngày 5/10 vừa qua, Neil Doncaster - Giám đốc Điều hành Giải bóng đá chuyên nghiệp Scottland (SPFL) khẳng định đề xuất thay đổi lịch thi đấu Champions League là "hướng phát triển" trong giai đoạn 2021 - 2024.

Người phản đối, kẻ ủng hộ

"Đây là vấn đề chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới" - Daily Mail dẫn lời một nhân vật giấu tên từ Premier League - giải đấu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thay đổi (nếu có) của UEFA. Nhận định này thể hiện sự thống nhất với phát biểu của Richard Scudamore - Chủ tịch Điều hành Premier League hồi tháng 5: "Chẳng ai chú trọng tới lợi ích của các giải vô địch quốc gia (VĐQG) khắp thế giới lại muốn thấy lịch đấu Champions League điều chỉnh theo kiểu như vậy".

David Gill - cựu Giám đốc Điều hành Manchester United, hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) và các chức vụ trong ban điều hành UEFA, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), là một trong những người được cho là có quan điểm ủng hộ UEFA. Daily Mail cũng cho biết hàng loạt đội bóng lớn ở châu Âu như Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Juventus đã ngỏ ý tán thành việc chuyển đổi lịch thi đấu ở Champions League.

Đây là điều hoàn toàn có cơ sở, bởi vì cả Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich... đều đã quá quen với việc thi đấu 2 trận/tuần - cuối tuần là giải VĐQG, giữa tuần là Champion League.

Các đội bóng thuộc loại nhỏ ở châu Âu không trực tiếp được "hưởng lợi" từ xáo trộn theo đề xuất này vì Ban tổ chức Champions League vẫn chưa chính thức lên tiếng.

Cơn khát bản quyền truyền hình

Bất chấp phản đối, UEFA đang tỏ ra quyết tâm trong nỗ lực cải tổ Champions Legue. Nguyên nhân là xuất phát từ vấn đề tài chính. Mặc dù quy tụ những đội bóng xuất sắc nhất của châu Âu, nhưng Champions League lại thua kém về doanh thu so với các giải VĐQG. Dưới áp lực đòi ly khai từ Hiệp hội các CLB Châu Âu (ECA), UEFA càng phải làm tất cả để biến giải đấu danh giá nhất châu Âu thành "con gà đẻ trứng vàng".

Nghiên cứu của Công ty Tư vấn truyền thông, Giải trí và thể thao Oliver & Ohlbaum (O&O) cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2015, bản quyền truyền hình Premier League đã tăng đến 16% trong khi Champions League phải hài lòng với tỷ lệ 5,4%. Cũng theo ước tính của O&O, trong mùa bóng 2016 - 2017, bản quyền truyền hình của Champions League vào khoảng 1,40 tỷ euro, gần bằng La Liga (1,45 tỷ euro) và thua kém hẳn so với Premier League (3,04 tỷ euro).

Trong nỗ lực nâng cao sức hấp dẫn của Champions League, ngày 26/8 vừa qua, UEFA đã cho phép 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu có 4 đại diện vào thẳng vòng bảng Champions League. Kể từ mùa bóng 2018 - 2019, các đội bóng xếp thứ tư của Premier League, La Liga, Bundesliga sẽ không còn phải đá play-off như trước. Serie A cũng sẽ được nhận 4 suất "cứng" ở vòng bảng thay vì 2 vé chính thức và một vé đá play-off, tức hai lượt trận tranh suất với các đối thủ khác trước khi vào vòng bảng.

Thay đổi cách thức phân phối vé vào thẳng vòng bảng, UEFA đã chấp nhận hy sinh lợi ích của các đội bóng thuộc các giải VĐQG như Romani, Hungary, Ba Lan, Thụy Điển... Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để Champions League thu về nhiều hơn từ khoản tiền bản quyền truyền hình, nên tiếp tục tính đến việc chuyển lịch thi đấu từ giữa tuần sang cuối tuần nhằm ép các đội ở giải đấu lớn phải nhường lại "giờ đẹp" cho Champions League.

Nên biết rằng, các trận đấu sớm vào giữa trưa ngày thứ Bảy và Chủ nhật chính là "chìa khóa" giúp Premier League thu hút hàng trăm triệu khán giả châu Á, những người có thể theo dõi trực tiếp vào đúng "giờ vàng". Từ thành công của Premier League, trong những mùa bóng gần đây, La Liga, Bundesliga cũng đã chấp nhận đi ngược lại truyền thống nhiều năm, đẩy giờ thi đấu vào cuối tuần lên sớm một vài tiếng đồng hồ.

Bắt đầu từ năm 1968, Champions League (tính cả European Cup trước đây) đã duy trì truyền thống thi đấu vào giữa tuần. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, khi bóng đá đã vượt khỏi giới hạn của một môn thể thao để trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, yếu tố truyền thống dường như không thể đứng vững trước những con số doanh thu.

>Bản quyền bóng đá và nguyên tắc thị trường

>Bản quyền World Cup: Đắt mấy cũng mua?

>Olympic Rio 2016 và "cơn mưa" quảng cáo truyền hình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giờ vàng" nào cho Champions League?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO