Bóng trong hay ngoài vạch?

MINH TRƯỜNG/DNSGCT| 03/12/2012 05:21

Cách nay hơn sáu năm, quần vợt nhà nghề khởi đầu cuộc cách mạng điện tử với hệ thống Hawk-Eye (mắt chim ưng) áp dụng lần đầu tiên tại giải Miami 2006.

Bóng trong hay ngoài vạch?

Cách nay hơn sáu năm, quần vợt nhà nghề khởi đầu cuộc cách mạng điện tử với hệ thống Hawk-Eye (mắt chim ưng) áp dụng lần đầu tiên tại giải Miami 2006. Khỏi nói khán giả phấn khích đến dường nào khi họ hồi hộp theo dõi vị trí của bóng tái hiện trên màn hình. Với các tay vợt, mắt chim ưng giúp phân xử đánh giá của trọng tài biên, nhưng việc sử dụng nó đặt ra vài vấn đề.

Đọc E-paper

Trong năm 2012, có đến 34/45 giải ATP và 21/41 giải WTA trên mặt sân cứng hoặc sân cỏ sử dụng mắt chim ưng trên ít nhất một sân thi đấu. Thậm chí Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) cũng đã bắt buộc áp dụng hệ thống trọng tài điện tử này tại các cuộc tranh tài Davis Cup và Fed Cup nhóm thế giới.

Dấu ấn của hệ thống mắt chim ưng trên sân quần vợt trong sáu năm qua

Dù được nhiều tay vợt, trọng tài và khán giảủng hộ áp dụng mắt chim ưng tại giải, vẫn có vài ý kiến dè dặt do kết quả tái hiện trên màn hình đôi khi gây bất ngờ với khoảng cách sai lệch quá nhỏ (trung bình 3,5mm) được chấp nhận. Một số vấn đề gây tranh cãi khác liên quan đến quy định vận dụng nguyên tắc challenge (yêu cầu xem lại vị trí bóng) của các tay vợt.

Trước tiên, chẳng có động tác chính xác nào được quy định trong luật khi tay vợt muốn challenge. Một số thì đưa vợt lên, số khác thì quay lưng lại, do đó trọng tài phải hết sức chú ý. Dẫn chứng rõ nhất là tại Australian Open 2012, trong trận gặp Alexandr Dolgopolov, tay vợt chủ nhà Bernard Tomic ra vẻ muốn challenge nhưng rồi buông tay khi thấy đối phương đánh bóng tiếp.

Sau đó, Dolgopolov có khiếu nại vì bóng vẫn trong cuộc mà Tomic lại đòi challenge, nhưng trọng tài Carlos Ramos không nhìn thấy động tác và Tomic cũng không thừa nhận có ý định này. Như vậy, tất cả tùy thuộc vào đánh giá của trọng tài chính.

Tranh luận tiếp theo là có nên hạn chế thời gian ra quyết định challenge. Cũng tại Australian Open, David Nalbandian đã bị trọng tài Pháp Kader Nouni từ chối challenge trong trận gặp John Isner chỉ vì anh do dự ra động tác yêu cầu. Nalbandian đã có lý khi nổi giận vì màn hình chiếu lại cho thấy bóng ra ngoài.

Quy định có nói đến yếu tố “thời gian hợp lý” nhưng không cụ thể là bao lâu, chẳng hạn 10 giây trước khi trọng tài công bố tỷ số. Trên sân, tay vợt có một khoảng thời gian để kiểm tra địa điểm bóng rơi nếu như mặt sân cho phép “nhìn thấy”.

Tại Australian Open 2012, các tay vợt nữ đúng trong 35% trường hợp challenge so với 31,4% của nam. Tỷ lệ này ở US Open 2011 là 30,2% và 29,7%. Chỉ Wimbledon 2012 có tỷ lệ đảo ngược: 25,65% ở nữ và 28,04% ở nam. Về bảng xếp hạng cá nhân tính theo số lần challenge tại ba giải Grand Slam kể trên, dẫn đầu là Juan Martin Del Potro với 45,71% khiếu nại đúng (16/35), trong lúc ở nữ là Serena với 53,84% (7/13). Djokovic xếp sau Del Potro với 41,79% (28/67), trong khi Federer chỉ đạt 32,65% (16/49), Nadal 30,77% (16/52) và Murray 23,65% (22/93).

Trong thực tế, quyền quyết định cuối cùng của trọng tài cũng rất cảm tính tùy theo tay vợt. Gilles Simon kể: “Tôi đã thấy Rafa (Nadal) giao bóng, tiến gần đến lưới để nhìn điểm tiếp xúc bóng, hơi lưỡng lự và cuối cùng yêu cầu challenge, trong khi lúc bắt đầu trận đấu trọng tài đã nhắc rằng giữa cú giao bóng đầu tiên và thứ hai cần phải challenge thật nhanh”.

Một thắc mắc khác liên quan đến việc các tay vợt có xu hướng “tham khảo” ánh mắt, cử chỉ, thậm chí cả lời nói của huấn luyện viên và người thân ngồi trên khán đài trước khi quyết định challenge.

Theo phản xạ, tay vợt thường nhìn về hướng người của mình. Điều này có vẻ vi phạm quy định nhờ huấn luyện viên mách nước không được luật cho phép mà trọng tài khó phát hiện, dù có ý kiến cho rằng cũng không nên quá khắt khe như vậy, đặc biệt khi khán giả sẵn sàng mách nước.

Nhưng ngay cả chuyện nhìn về phía huấn luyện viên cũng gây ra những tình huống dở khóc dở cười. “Đôi khi có những huấn luyện viên chẳng nhìn thấy gì và ra ám hiệu cho học trò mình challenge, trong khi bóng ra ngoài vạch rất xa. Sau đó, tay vợt quay lại nổi nóng với thầy của mình”, Marion Bartoli cho biết.

Ngoài ra, cũng có trường hợp tay vợt quay sang nhìn trọng tài trước khi challenge, chẳng khác nào muốn thăm dò xem trọng tài có chắc chắn với quyết định phân xử của họ hay không. Chính sự xuất hiện của hệ thống mắt chim ưng đã làm thay đổi vai trò của các trọng tài, giúp làm giảm áp lực của chuyện tranh cãi đúng sai nhưng lại khiến trọng tài có cảm giác bị soi từng đường bóng, từng điểm và kích thích họ làm việc nghiêm túc hơn để chứng tỏ rằng không phải lúc nào họ cũng bắt lỗi sai.

Dù hầu hết mọi người đều cho rằng hệ thống trọng tài điện tử rất có ích trong thi đấu, nhưng vẫn còn vài vấn đề cần giải quyết. Riêng Federer cho rằng hệ thống này làm quần vợt “bớt lý thú” hơn. Anh giải thích: “Những người thích hệ thống này đã quên đi những cuộc tranh cãi với trọng tài khi khán giả huýt sáo ủng hộ hoặc phản đối tay vợt. Đôi khi tôi nghĩ rằng đó từng là một thời kỳ tươi đẹp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng trong hay ngoài vạch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO