Arsène Wenger và mô hình lạc hậu của bóng đá Anh

TRƯƠNG NHÂN| 19/04/2017 08:50

21 năm làm việc tại xứ sở sương mù, Arsène Wenger từ một “nhà cải cách” đã biến thành một chiến lược gia lạc thời. Tất cả bắt nguồn từ mô hình quản lý “kiểu manager” mà Wenger đang trở thành đại diện tiêu biểu nhất.

Arsène Wenger và mô hình lạc hậu của bóng đá Anh

21 năm làm việc tại xứ sở sương mù, Arsène Wenger từ một "nhà cải cách" đã biến thành một chiến lược gia lạc thời. Tất cả bắt nguồn từ mô hình quản lý "kiểu manager" mà Wenger đang trở thành đại diện tiêu biểu nhất.

Đọc E-paper

"Bóng đá Anh thật sự tuyệt vời. Thế nhưng, bên trong nó vẫn còn một khoảng tối", Uwe Rosler, cựu tiền đạo đội Manchester City đã kết luận như thế trên The Guardian. Khoảng tối mà Rosler nhắc tới - được rút ra từ kinh nghiệm huấn luyện một loạt đội bóng Anh như Leeds United, Wigan Athletic... - là "sự thiếu vắng vai trò của một Giám đốc Thể thao, hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn gọi nó".

"Manager cuối cùng" của bóng đá Anh

Xét về mặt danh tiếng, Uwe Rosler, người chưa từng dẫn dắt một đội bóng thuộc Premier League nào khó có thể so sánh với Arsène Wenger. Thế nhưng, nhận xét của cựu tiền đạo người Đức có thể khiến Wenger phải chạnh lòng.

"Đó phải là người có ảnh hưởng lớn, làm việc với HLV 24/7 và kết nối họ với ban lãnh đạo. Tôi nói chuyện với Giám đốc Kỹ thuật của Fleetwood nhiều hơn cả nói chuyện với vợ mình", Rosler nói.

Trong bóng đá hiện đại, Head Coach - huấn luyện viên trưởng - chỉ đơn thuần lo việc chuyên môn bên trong sân cỏ. Bên ngoài sân, các hoạt động chuyển nhượng, đào tạo, phát triển... được giao vào tay Giám đốc Thể thao (Sporting Director), Giám đốc Bóng đá (Director of Football) hoặc Giám đốc Kỹ thuật (Technical Director).

Với riêng bóng đá Anh, tất cả những trọng trách trên đều được dồn cả lên vai một người: Manager - huấn luyện viên kiêm nhà quản lý.

Mô hình quản lý kiểu manager đã giúp bóng đá Anh tạo nên những "siêu huấn luyện viên", không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là nhà quản lý đại tài. Brian Clough với Nottingham Forest, Bob Paisley với Liverpool và lừng lẫy nhất chính là Alex Ferguson với Man United. Từ năm 2013, sau khi Ferguson giã từ sự nghiệp huấn luyện, Arsène Wenger đã thực sự trở thành "manager" nổi tiếng nhất và quyền lực nhất của bóng đá Anh.

Ngay từ khi cập bến Arsenal, Wenger đã thực sự tạo nên một "cuộc cách mạng": thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập luyện, thanh lọc đội hình, tự tay mua về và rèn giũa nên thế hệ bất bại ở mùa bóng 2003-2004. Tuy nhiên, cũng chính việc phải cáng đáng quá nhiều đã biến Wenger thành con dao hai lưỡi. Khi HLV người Pháp không còn đưa ra được những quyết định đúng đắn, "Pháo thủ" dần loay hoay trong việc hướng đến các danh hiệu.

Từ 1996 đến 2017, trong suốt 21 năm Wenger chèo chống Arsenal, thế giới bóng đá đã thay đổi. Mô hình một HLV quyết định mọi vấn đề của đội bóng đã không còn phù hợp với bóng đá hiện đại. Nguyên nhân không chỉ bởi vì sức lực các manager có hạn, mà còn là áp lực tìm kiếm người thay thế khi họ phải ra đi.

>>Arsènal: Giã từ Wenger để "lột xác" lần nữa?

"Bất cứ nơi nào, khi những người khổng lồ rời khỏi sân khấu thì đều để lại khoảng trống quyền lực mênh mông, và các câu lạc bộ phải bắt đầu lại từ đầu" - cây bút kỳ cựu Raphael Honigstein đã tổng kết trong bài báo trên trang The Red Bulletin.

Trên thực tế, Man United đã phải khốn khổ suốt 4 năm qua, kể từ khi "siêu HLV" Alex Ferguson nói lời chia tay. Trong khi đó, Arsenal lâm vào khủng hoảng ngay từ khi Wenger vẫn còn tại vị.

Thời điểm phải thay đổi

Trong những năm gần đây, các đội bóng Anh cũng đã dần nhận ra sự thiếu sót và lạc hậu của mô hình quản lý theo kiểu manager. Chelsea chính là đội bóng đi đầu trong cuộc chiến cắt giảm quyền lực khi bổ nhiệm Michael Emenalo vào vị trí Giám đốc Kỹ thuật vào năm 2010. Thậm chí, ngay trên trang chủ của Chelsea, vai trò của chiến lược gia người Ý Antonio Conte còn được ghi rất rõ ràng: HLV đội 1.

Man City cũng hoạch định một chiến lược lâu dài khi đặt niềm tin vào Txiki Begiristain - cựu Phó chủ tịch Barcelona - ở vị trí Giám đốc Bóng đá. Trong khi đó, tại Liverpool, Jurgen Klopp không được trao quá nhiều quyền lực như người tiền nhiệm Brendan Rodgers. Không những thế, các ông chủ Liverpool còn lựa chọn Michael Edwards, một gương mặt mới 37 tuổi, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh để chia sẻ gánh nặng cùng HLV người Đức.

Trên khắp châu Âu, không chỉ có những cầu thủ ngôi sao, các HLV hàng đầu mà chính các Giám đốc Thể thao tài năng cũng được các đội bóng lớn trải thảm đỏ mời về. Steve Walsh, người đã mua về những Riyad Mahrez, N’Golo Kanté... góp phần đưa Leicester lên ngôi vô địch Premier League năm ngoái đã nhanh chóng bị Everton lôi kéo về. Monchi - "kiến trúc sư" 3 chức vô địch Europa League của Sevilla cũng đang là cái tên được săn đón.

Nhìn vào top đầu Premier League hiện tại, chỉ còn Arsenal của Arsène Wenger và phần nào đó là Man United với Jose Mourinho còn theo đuổi mô hình quản lý kiểu cũ. Nếu như bảng xếp hạng Premier League hiện tại được giữ nguyên đến cuối mùa, với Arsenal và Man United nằm ngoài Top 4, có thể nói "mô hình Head Coach" đã giành được đại thắng trước "kiểu quản lý Manager".

>>Arsene Wenger: Nho gia hay doanh gia?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Arsène Wenger và mô hình lạc hậu của bóng đá Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO