2010 – Năm của châu Phi

PHƯƠNG VY| 07/01/2010 08:29

Giải vô địch bóng đá châu Phi diễn ra tại Angola (từ 10 - 31/1) được coi là sự kiện thể thao lớn đầu tiên trong năm 2010...l

2010 – Năm của châu Phi

Giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN) diễn ra tại Angola (từ 10 - 31/1) được coi là sự kiện thể thao lớn đầu tiên trong năm 2010. Song, ngày hội bóng đá châu Phi lại đem tới nhiều nỗi ưu phiền cho nhiều câu lạc bộ (CLB) châu Âu vì phải chia tay với những hảo thủ trong suốt tháng 1! Điều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng của các cầu thủ châu Phi đối với bóng đá châu Âu.

Trái với giải vô địch bóng đá ở các châu lục khác, vòng chung kết CAN diễn ra vào thời điểm chẳng giống ai: tháng 1. Thời điểm này là giữa mùa giải, khi các giải vô địch quốc gia châu Âu bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc và sự chuẩn bị lực lượng có tính chất tối quan trọng. Sẽ là một thảm họa nếu như CLB nào sở hữu nhiều cầu thủ châu Phi, và buộc phải trả họ về đội tuyển quốc gia trong những ngày này.

CAN 2010 diễn ra từ 10 - 31/1, nhưng theo quy định của FIFA, các cầu thủ sẽ phải trở về tập trung tối thiểu 14 ngày trước khi giải khai mạc. Điều đó có nghĩa là các đội bóng sẽ phải chia sẻ lực lượng cho các đội tuyển quốc gia châu Phi dự CAN 2010 trong thời gian 5 tuần. Đó là trường hợp của đội bóng lọt vào đến vòng chung kết, còn nếu không thì cũng phải mất ít nhất một tháng. Rõ ràng, không hề dễ dàng khi phải đương đầu với những sự thiếu vắng ấy trong vòng hơn một tháng.

Đơn cử là trường hợp của Chelsea, đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League sau 20 vòng đấu. Chelsea có thể đánh mất vị trí của mình do thiếu vắng tới bốn cầu thủ trụ cột vì họ bận dự CAN 2010, gồm: Michael Essien (Ghana) và John Obi Mikel (Nigeria), Didier Drogba và Salomon Kalou (Bờ Biển Ngà). Những cầu thủ này không chỉ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đội hình Chelsea, mà đội tuyển của họ còn được coi là những ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch CAN 2010. Nghĩa là, nếu các đội tuyển ấy càng lọt sâu vào vòng trong thì Chelsea sẽ càng phải xa các ngôi sao của mình lâu hơn.

Chelsea không là ngoại lệ, hầu hết các đội bóng hàng đầu châu Âu đợt này cũng đều lao đao vì CAN. Đương kim vô địch Champions League là Barcelona phải ngậm ngùi chia tay Yaya Toure (Bờ Biển Ngà) và Seydou Keita (Mali). Quán quân Ý Inter Milan thì sẽ vắng Sulley Muntari (Ghana) và Samuel Eto’o (Cameroon). Song, thiệt hại lớn nhất có lẽ là các CLB Pháp, bởi cả 20 đội bóng ở League 1 đều có tuyển thủ người châu Phi trong đội hình, với tổng cộng 56 người dính CAN!

Những ví dụ kể trên đã phản ánh một thực tế: Các cầu thủ châu Phi ngày càng đóng vai trò quan trọng ở các CLB châu Âu. Trước đây, đội quân tinh nhuệ ở các đội bóng châu Âu chủ yếu là cầu thủ Nam Mỹ, với lối chơi kỹ thuật khéo léo. Nhưng giờ đây, chất thép của các cầu thủ châu Phi lại được ưa chuộng, nhất là khi bóng đá hiện đại ngày càng đề cao yếu tố thể lực.

Ở nhiều vị trí, những chuyên gia hàng đầu thế giới hiện giờ đều là những “ngôi sao đen”, điển hình là vị trí tiền vệ phòng ngự với các tên tuổi như Essien hay Yaya Toure. Trên hàng tấn công, bất kỳ huấn luyện viên nào cũng đều muốn sở hữu các chân sút như Drogba hay Eto’o, những cầu thủ hội đủ cả phẩm chất kỹ thuật lẫn thể lực.

Một ví dụ khác, trong đội hình tiêu biểu của bóng đá thế giới năm 2009, do tờ báo thể thao uy tín L’Equipe của Pháp bầu chọn, thì lục địa đen đóng góp ba người (Essien, Drogba và Toure), tức còn cao hơn cả số cầu thủ Nam Mỹ (Messi, Daniel Alves). Đấy là chưa kể tuyển thủ Pháp Patrice Evra giữ vị trí hậu vệ trái trong đội hình này cũng là người gốc Senegal. Nhân tiện cũng nói luôn, đội tuyển Pháp hoàn toàn có thể tung ra sân một đội hình mà cả 11 người đều có bố mẹ hoặc ông bà là người gốc Phi, nên nhiều người đã nói vui rằng, “Les Bleus” nên chuyển sang dự CAN thay vì EURO!

Thế nên, ở kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi tới đây, kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở lục địa đen, nếu có một đội bóng châu Phi nào đó giành chức vô địch thì có lẽ cũng chẳng nên coi đó là một cú sốc quá lớn. bởi tương lai của bóng đá thế giới là nằm châu Phi.

TẠI SAO CAN DIỄN RA VÀO THÁNG 1?

Tất cả các giải vô địch bóng đá lớn trên thế giới đều tổ chức vào mùa Hè, từ World Cup, EURO (giải vô địch châu Âu) cho tới Copa America (Nam Mỹ), Gold Cup (Bắc Trung Mỹ) hay Asian Cup (châu Á). Nhưng chỉ có giải vô địch châu Phi (CAN) là lại diễn ra vào đầu năm, và rõ ràng điều này gây khó khăn cho các CLB châu Âu. Năm 2008, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng đề xuất ý tưởng tổ chức CAN vào tháng 6, kể từ năm 2016, để đồng bộ với các giải châu lục khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi Issa Hayatou đã phản đối đề xuất này. Sở dĩ châu Phi vẫn đi theo quỹ đạo riêng là vì hai lý do chính. Thứ nhất, tháng 6 là mùa mưa ở Tây Phi, vì thế có thể khiến cho rất nhiều trận đấu bị hoãn. Thứ hai, nếu thi đấu vào mùa Hè, CAN chắc chắn sẽ không nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ bởi năm chẵn thì đã có World Cup, EURO, còn năm lẻ thì đã có Copa America của Nam Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2010 – Năm của châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO