Thế hệ khó làm sếp

Mai Hoàng| 19/08/2022 00:30

Nhẫn nại trong công việc, mờ nhạt trong cách thể hiện, Gen X tại Mỹ dường như bị bỏ quên trong vai trò quản lý.

Ở độ tuổi 42-57, những thành viên của thế hệ X đáng lẽ đang ở thời điểm vàng để làm lãnh đạo, có thể ở cấp độ quốc gia, tập đoàn, hoặc đơn giản đứng đầu một nhóm nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) áp đảo về số lượng trong lực lượng lao động, Gen X tiếp tục bị Millennials (sinh năm 1981-1996) vượt mặt.

Theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, Gen X chỉ chiếm phần đông lực lượng lao động Mỹ trong vài năm. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó kết thúc vào năm 2016. Sẽ có khá nhiều bất lợi nếu thế hệ X trở thành sếp ở thời điểm hiện tại, theo New York Times.

Những người thuộc thế hệ X tại Mỹ khó làm sếp. Ảnh: British Council.

Những người thuộc thế hệ X tại Mỹ khó làm sếp. Ảnh: British Council.

Khó làm sếp

Những người thuộc thế hệ này bị mang tiếng là quá mờ nhạt, không phải biểu hiện tốt để trở thành sếp trong tương lai. Khi họ gia nhập lực lượng lao động vào khoảng những năm 90, nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái và sự phục hồi sau đó cũng khá chậm chạp.

Tất nhiên, không thể nói rằng toàn bộ Gen X đều như vậy. Dù vậy, bối cảnh thời đại cũng sẽ quyết định phần nào nét đặc trưng của mỗi nhóm tuổi. Khi thế hệ X tìm được việc làm, họ luôn trong tình trạng bấp bênh, dễ dàng mất việc. Làm việc dưới 80h/tuần, không đạt chỉ tiêu, hoặc đơn giản là có sếp nóng tính, đều có thể trở thành lý do để bị sa thải.

Tuy nhiên, thế hệ này cũng rất giỏi chịu đựng, nhẫn nhịn. Một biểu tượng của văn hóa đại chúng Mỹ về người quản lý thuộc thế hệ X là nhân vật Mark trong phim truyền hình "Severance". Anh chàng Mark kém may mắn vô tình trở thành sếp của một nhóm nhân viên nhỏ, bị kẹp giữa đám cấp dưới láo nháo và người quản lý nghiêm khắc trên mình một bậc.

Đó chính là hình tượng người lãnh đạo thuộc thế hệ X ở xứ cờ hoa. "Thế hệ X không cảm thấy hợp với vị trí quản lý. Có vẻ chúng tôi đã bị lãng quên”, Meagan Johnson, người chuyên tư vấn về khác biệt thế hệ cho các công ty lớn, nói với New York Times.

Xu hướng thay đổi

Trùng hợp thay, khi một số người thuộc thế hệ X bắt đầu đạt đến vị trí cao hơn trong công việc, vai trò quản lý đã không còn hấp dẫn như trước. Làn sóng “đại nghỉ việc” đã khiến việc làm sếp trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo chỉ số xu hướng việc làm của Microsoft, 54% các quản lý cho biết cách lãnh đạo còn xa vời với kỳ vọng của nhân viên, trong khi 74% nói rằng họ không có đủ nguồn lực hay sức ảnh hưởng để kiến tạo thay đổi cho đội nhóm.

Vai trò quản lý ở thời điểm hiện tại không còn hấp dẫn. Ảnh: American Magazine.

Vai trò quản lý ở thời điểm hiện tại không còn hấp dẫn. Ảnh: American Magazine.

Phần lớn nhân viên muốn làm tại nhà thay vì đến văn phòng. Hoặc tệ hơn, họ muốn nghỉ hẳn. Một khảo sát tháng 10/2021 cho thấy 46% nhân viên thế hệ Milennial dự định bỏ việc trong năm đó. Họ đang phải làm việc với cường độ cao và thời gian kéo dài hơn bao giờ hết.

Hơn một nửa số nhân viên thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) nói rằng họ sẽ chọn những công việc cho phép làm từ xa, nơi sếp không thể quản lý trong tầm tay. Một báo cáo gần đây của The Times cũng cho thấy Gen Z mới là người nắm quyền lựa chọn công việc và thời gian gắn bó với nó.

Nói cách khác, những người sếp Gen X đang phải làm việc cho nhân viên của họ thay vì ngược lại. Nhưng có lẽ, những người thuộc thế hệ này vẫn sẽ chấp nhận thực trạng rằng mình khó mà làm quản lý. Khác với Baby Boomers hay Millennials, vốn thường nghĩ mình có vai trò quan trọng, Gen X đã quen với việc nhẫn nại, chịu đựng sự chỉ trích. Họ không tin vào cấp trên hay chính bản thân mình.

(Theo Zing)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế hệ khó làm sếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO