Nhật Bản: Người già về đâu?

GIANG LANG| 02/07/2015 01:32

Câu chuyện về dân số già cỗi của Nhật Bản tồn tại từ nhiều năm qua, song khuyến cáo của Hội đồng Chính sách Nhật Bản gần đây chỉ gây tranh cãi, thậm chí còn làm lộ ra những vấn đề lớn hơn.

Nhật Bản: Người già về đâu?

Những cuộc tranh cãi xung quanh đề xuất đưa người già rời khỏi thủ đô Tokyo về vùng quê sinh sống đang nói lên hai vấn đề trong xã hội Nhật Bản: Dân số già cỗi và sự bế tắc của nhà cầm quyền trong vấn đề này.

Hồi đầu tháng 6 qua, Hội đồng Chính sách Nhật Bản đã đưa ra một khuyến cáo về việc đưa người cao tuổi về các vùng nông thôn sinh sống, theo báo Nhật The Asahi Shimbun.

Câu chuyện về dân số già cỗi của Nhật Bản tồn tại từ nhiều năm qua, song khuyến cáo của Hội đồng Chính sách Nhật Bản gần đây chỉ gây tranh cãi, thậm chí còn làm lộ ra những vấn đề lớn hơn.

Không có đất cho người già

Trong khuyến cáo của mình, Hội đồng Chính sách Nhật Bản nêu: "Khuyến khích người cao tuổi di chuyển về các vùng nông thôn, nơi ít sự đông đúc, có nhiều không gian cho những người đủ thời gian chăm sóc họ". Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã gây không ít tranh cãi.

Trong bài bình luận đăng ngày 28/6, báo The Japan Times cho rằng khuyến cáo trên là một "Hoạt động chết ở núi Obasute" (Operations Obasuteyama). Đây là cách chơi chữ lấy nguồn gốc từ truyện cổ Nhật, đề cập đến việc con cái hay đẩy người già lên núi Obasute và để họ chết ở đó. Một ngày sau, báo The Irish Times của Ireland cũng lấy chi tiết này mô tả kế hoạch của những nhà làm chính sách Nhật.

The Japan Times cho rằng Operations Obasuteyama về cơ bản là cách nói với người già rằng: "Này những người già! Hãy về vùng nông thôn, nơi không có bạn bè hoặc gia đình. Hãy làm điều này vì Tokyo".

Và trong khi các nhà hoạch định chỉ ra 41 khu vực để người già có thể rời Tokyo đến đó sinh sống, vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để triển khai. Kitakyushu, một thành phố phía Tây Nam của Nhật Bản cho biết vẫn chưa thấy chính phủ nói gì về việc trả tiền nhà ở, chính sách điều dưỡng, chăm sóc y tế.

Một bức tranh miêu tả một phụ nữ lớn tuổi bị người trong gia đình bỏ rơi trên núi Obasute. Nguồn ảnh: Kyodo

The Irish Times cũng dẫn tin cho biết các địa phương tại Nhật Bản hoài nghi về kế hoạch này, vì nó đi ngược lại chính sách tự do về tiêu dùng, sử dụng nguồn thu của từng nơi. Rõ ràng, cả trung ương lẫn vùng ven đều không sẵn sàng nhận người già ở Nhật.

Bế tắc với vấn đề dân số

Trong buổi họp báo ngày 4/6, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã hưởng ứng khuyến cáo của Hội đồng Chính sách Nhật, cho rằng kế hoạch này sẽ "mang lại sức sống cho Tokyo và các khu vực".

Nếu đưa người già về miền quê, các dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng sẽ tăng theo, tạo thêm công ăn việc làm. Đồng thời khu vực Tokyo như được "thay máu", rộng rãi hơn để đón người trẻ.

Mặc dù vậy, trên thực tế các địa phương cũng có nhu cầu ấy, nghĩa là bản thân họ cũng không muốn vì Tokyo mà dân số tại thành phố của họ “già” đi.

Akira Muraoka, trưởng khoa sức khỏe và phúc lợi của chính quyền thành phố Kochi cho biết: "Tôi nghi ngờ rằng việc chuyển người cao tuổi về đây sẽ ảnh hưởng đến việc tái sinh của các khu vực nông thôn. Vấn đề quan trọng của chúng ta là làm thế nào để duy trì và gia tăng số lượng người trẻ”.

Một người đàn ông đang làm việc tại một cơ sở dành cho người cao tuổi tại thành phố Akita chỉ trích đề nghị của Hội đồng Chính sách là "ích kỷ".

"Chúng tôi đã phải đối mặt với sự thiếu hụt kinh niên của những nhà cung cấp điều dưỡng. Đó là sự ích kỷ khi Hội đồng đề nghị các địa phương trong khu vực nông thôn nhận những người về hưu từ Tokyo", người đàn ông 50 tuổi nói với The Japan Times.

Theo dự tính của Hội đồng Chính sách, số lượng người cần hưởng dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng sẽ tăng lên 1,68 triệu đến năm 2025, và 3,13 triệu vào năm 2040.

Đây thực sự là thách thức lớn cho toàn bộ Nhật Bản kể cả việc giải quyết việc làm lẫn chăm sóc người cao tuổi.

Năm ngoái một cơ quan cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị Nhật Bản nên cho phép 200.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Đây có thể là giải pháp để Tokyo "có sức sống" hơn, giải quyết vấn đề nhân sự nhiều hơn, nhưng sẽ tiếp tục bế tắc nếu không thể "giải phóng" người già.

>Bạn biết gì về tính cách người Nhật?

>Văn hóa giao tiếp của người Nhật

>6 điều cần lưu ý khi làm việc với đối tác người Nhật

>Cẩm nang làm việc với người Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản: Người già về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO