2 sử gia nghệ thuật có uy tín khẳng định 65 bức phác thảo trong một cuốn tập vẽ nháp (sketchbook) được phát hiện gần đây là di cảo quý giá của thiên tài Vincent van Gogh, nhưng chính Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam không thừa nhận điều đó là chính xác.
Đọc E-paper
Tập sketchbook được cho là do Van Gogh thực hiện từ năm 1888 đến 1890 - khoảng thời gian mà bậc thầy hội họa người Hà Lan định cư tại một làng quê ở Arles của nước Pháp. Từ tài liệu ấy, bà Bogomila Welsh-Ovcharov – giáo sư danh dự về lịch sử mỹ thuật tại Đại học Toronto (Canada) đã viết cuốn sách Vincent van Gogh – tập sketchbook ở Arles bị thất lạc (Vincent van Gogh – the lost Arles sketchbook), xuất bản cuối năm vừa qua. Và người ủng hộ nhiệt thành cho cuốn sách ấy là ông Ronald Pickvance - giáo sư mỹ thuật từng giảng dạy tại Đại học Nottingham (Anh) và Đại học Richmond (Mỹ), tác giả của nhiều đầu sách viết về các thời kỳ Van Gogh sống và sáng tác tại Pháp.
Cả bà Welsh-Ovcharov và ông Pickvance đều từng làm giám tuyển cho các triển lãm tranh Van Gogh tại 2 bảo tàng quan trọng bậc nhất là Musée d’Orsay ở Paris và Metropolitan ở New York. Điều đó là một bảo chứng mạnh mẽ cho luận điểm cuốn sketchbook là “thứ thiệt” của nhà họa sĩ thiên tài.
Phát biểu trên tờ New York Times sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Bogomila Welsh-Ovcharov cho biết bà đã bỏ ra 3 năm để lần theo dấu vết cuốn sketchbook, nhằm trả nó về cho người vẽ. Nó chẳng phải là một tập vẽ nháp thường thấy các họa sĩ sử dụng thời đó để vẽ phác thảo mà đầy những ghi chép, tính toán công nợ bên cạnh các hình vẽ.
Sách Vincent van Gogh – tập sketchbook ở Arles bị thất lạc |
Theo bà Welsh-Ovcharov, 2 vợ chồng chủ quán trọ cũng là quán cà phê ở Arles – nơi Van Gogh trú ngụ trong vài tháng của năm 1888 – có thể đã ghi chép các khoản nợ vào cuốn vở nháp ấy rồi gửi cho ông. Thế rồi Van Gogh phải vào một dưỡng trí viện sau khi tự cắt tai của mình, và ông Felix Ray - bác sĩ của Van Gogh đã gửi lại cuốn vở nháp có các phác thảo của Van Gogh cho vợ chồng chủ quán.
Bà Welsh-Ovcharov còn tìm thấy trong một cuốn sổ ghi chép của nhân viên quán cà phê những dòng được viết vào ngày 20/5/1890, nội dung: “Bác sĩ Rey để lại cho ông bà Ginoux (tên của chủ quán – NV) những món đồ của họa sĩ Van Gogh, gồm vài hộp olive trống rỗng và một mớ khăn tắm đã được kiểm cũng như một tập phác họa khổ lớn cùng lời xin lỗi vì đã chậm trễ”.
Bà Welsh-Ovcharov cho biết cuốn sketchbook ấy đã ở trong nhà của gia đình Ginoux cho tới năm 1944, sau đó nó được một người hàng xóm của họ nhặt lấy nhưng không hề biết nó có giá trị như thế nào.
Vào thập niên 1960, con gái ông hàng xóm của nhà Ginoux được tặng các bản phác thảo nằm trong cuốn sketchbook và bạn của bà ấy đề nghị nên nhờ chuyên gia thẩm định. Họ đem 30 phác thảo đến Aix-en-Provence nhờ nhà sử học nghệ thuật Franck Baille xem xét. Ông Franck Baille đã liên hệ ngay với bà Welsh-Ovcharov và bà đã không ngăn được cảm xúc khi nhìn thấy tận mắt di cảo của vị họa sĩ thiên tài: “Cảm giác đầu tiên của tôi là một nỗi hân hoan tràn ngập và không thể tin được với những gì đang ở trong tay mình”, bà nói với New York Times.
Van Gogh tự họa với tai đã bị cắt, được băng kín (1889) |
Tuy nhiên, chỉ có Bảo tàng Van Gogh mới đủ thẩm quyền để xác định những gì là thật từ Van Gogh. Các giới chức bảo tàng đã được xem 3 lần các phác thảo trong tập sketchbook: lần thứ nhất vào năm 2008, kế đó vào năm 2012 và lần sau cùng vào năm 2013. Họ đem giám định với các bản phác thảo của Van Gogh được lưu giữ ở bảo tàng. Và cuối cùng, sau khi đã căn cứ vào nhiều yếu tố từ màu sắc đến đường nét thường thấy ở Van Gogh, bảo tàng đã đưa ra kết luận: những phác thảo đó không do Van Gogh vẽ!
Chưa hết, Louis van Tilborgh - một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bảo tàng Van Gogh còn cho rằng những dòng chữ ghi chép của nhân viên quán cà phê ở Arles “có nguồn gốc không đáng tin cậy”.
Bất chấp các luận điểm từ Bảo tàng Van Gogh, bà Welsh-Ovcharov vẫn cho xuất bản công trình nghiên cứu của mình. Và không chỉ có ông Ronald Pickvance ủng hộ bà mà còn nhiều chuyên gia cũng như các nhà sưu tập tin rằng những gì được công bố trong cuốn Vincent van Gogh – tập sketchbook ở Arles bị thất lạc là một tư liệu quý.
Xem ra cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết.
>Bí ẩn bên dưới tác phẩm của René Magritte
>Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố