Một người bạn nước ngoài bảo: "Bạn ở gần biển, bạn tha hồ ngắm bình minh tuyệt đẹp đến từ biển Đông". Nghe câu ấy tôi giật mình, thật không ngờ mấy mươi năm qua mình chưa bao giờ thấy bình minh ở thành phố ven biển quê nhà.
Đọc E-paper
Chỉ bởi mình đã sống như một người còn đôi mươi, đêm thức đến một, hai giờ để làm việc, nghe nhạc hay đọc sách, sáng ra không biết Mặt trời mọc ở hướng nào!
Và tôi quyết đi khám phá bình minh, ít nhất một lần trong đời mình phải biết cái gì ẩn náu phía sau ánh Mặt trời mới nhô lên từ biển, có gì hay hơn cảnh con thuyền rẽ sóng ra khơi do các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài từng mô tả trong các sách giáo khoa.
Và tôi gọi đó là thành phố của những người già, nó tựa như một bộ phim Mỹ mang cái tựa Không chốn nương thân (No country for old men). Thành phố lúc trời mới hửng sáng mang một dáng vẻ tôi chưa từng biết.
Thành thật khuyên các bạn viết văn, làm thơ ngồi hoài tưởng về những phiên chợ quê kiểng giản dị, chân thành đã mất, hãy một lần tỉnh dậy vào lúc bình minh để biết rằng cuộc sống vẫn ở đó, vẫn không mấy dịch chuyển, dường như ở đây không hề có đám mây điện toán, không có smartphone.
Trong buổi nhá nhem, bỗng nghe hừng hực: "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", hay "Cô gái mở đường" cất lên từ một chiếc điện thoại, và loang loáng những cái gậy, loại sử dụng cho tập dưỡng sinh, vung lên nhịp nhàng và dứt khoát trong ánh bình minh.
Thời khắc ấy, khi các cơ quan chức năng chưa thức giấc, những phiên chợ nho nhỏ nhóm họp ngay bên cạnh luống hoa sang trọng ở các đại lộ sang trọng nhất thành phố.
Thật không tin nổi khi bánh ú, bánh nậm lọc và muôn vàn bánh quê vẫn còn đó, còn rất nhiều trong một ngày bình thường, với xôi nếp chay chỉ rắc thêm ít hạt đậu phụng rang nóng hổi, thơm sực lại có sức quyến rũ như thế khi bình minh ló dạng.
Người đi chợ, có trẻ cũng đã ngoài bốn mươi, nhưng phần lớn là các cụ đã lĩnh sổ hưu, quần trắng, áo thun màu mè, giày thể thao, tranh thủ mua sắm trong cái phiên chợ giá rẻ nhất trong ngày.
Những thứ ban ngày vào tận các tiệm sang chảnh như xôi, cháo, bánh bèo nhân tôm, mì Quảng với những tô đĩa kiểu, nhà hàng máy lạnh, thì buổi sớm tinh mơ chúng còn thơm hơn, ngon hơn với sự cổ vũ của bình minh và của những giọt mồ hôi vừa nhỏ xuống sau buổi thể dục.
Những con cá, con tôm lên chợ vào giờ này là thứ nhảy lách tách trong tiếng la của mấy bà bán cá nhờ người đi chợ chụp giùm mấy con tôm biển nhảy ra khỏi chậu. Chúng luôn là thứ cá nhỏ quẩn quanh ven bờ đến từ thuyền nhỏ của ngư dân nghèo không đủ sức vươn khơi. Người nghèo tìm chỗ bán cho người nghèo.
Biết là phiên chợ nghèo thứ hai sẽ nhóm họp vào lúc nhá nhem tối, có cái tên văn học là hoàng hôn, nó nhóm trước cửa mấy khu công nghiệp cho nữ công nhân tạt vào. Phiên chợ bình minh thư thái hơn.
Tiền hưu trí hợp với nguồn cung này, thực phẩm tươi nhưng rẻ. Nó thúc đẩy các cụ nghiện dậy sớm, nghiện chợ sớm. Khác chăng với ngày xưa, các bà, các o rời chợ về tạt vào quán cà phê cóc, kéo ghế ngồi kể chuyện con dâu mẹ chồng, hay khoe cháu đẹp xinh.
Nhiều bà cũng dùng smartphone, mở Facebook "chém gió” thêm mớ tôm, cá tươi lên mạng cho bạn bè thèm cuộc sống ven biển phóng khoáng của mình. Đơn giản vậy nhưng cũng vui, cũng rộn ràng.
Hóa ra cuộc sống vẫn có những mảng màu khác biệt, mà khi Mặt trời ló dạng hẳn hòi, nó lui dần, nhường chỗ cho cuộc sống khác kế tiếp, có thể trẻ hơn, hiện đại.
Nhưng cũng hiểu rằng không có gì tự nhiên mất đi, nó chỉ ở đâu đó, và được những người nào đó duy trì ở nơi thích hợp. Nó như một bảo tàng sống, và là điểm rơi êm ái cho những người nhiều hoài niệm trở về. Và biết rằng một ngày nào đó, mình cũng sẽ lặng lẽ trở dậy, vì không thể để hoang phí một buổi bình minh.
>Gieo mầm yêu thương
>Yêu phố
>Nhân phẩm một vùng đất