Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 24/7/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ba Phó trưởng ban gồm: Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Ban chỉ đạo có 38 thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và cơ quan Đảng, Quốc hội. Trong đó có Thứ trưởng các bộ: Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Dân tộc và Tôn giáo, Quốc phòng, Công an; lãnh đạo các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND các thành phố trực thuộc trung ương; cùng một số chuyên gia và học giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án về phát triển kinh tế nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước trong bối cảnh mới, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Việc xây dựng đề án sẽ được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.
Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo. Trong một số trường hợp, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì họp để thảo luận và quyết định những nội dung cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban chỉ đạo.
Bộ Tài chính được giao là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm đôn đốc, phối hợp các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nội dung Đề án. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổ Biên tập Đề án, quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cán bộ chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ trình đề án theo yêu cầu.
Việc thành lập Ban chỉ đạo nhằm cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới tư duy, nâng cao vai trò, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước - trụ cột quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đây cũng là bước đi chiến lược trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy quản trị hiện đại, tăng khả năng dẫn dắt và điều tiết của khu vực công trong quá trình phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và toàn cầu.