Chuyện làm ăn

Thách thức ô tô "made in Vietnam"

Ngọc Minh 07/02/2024 18:00

Ngay sau khi hãng xe VinFast đặt chân lên sàn chứng khoán Mỹ, thị trường xe ô tô Việt có thêm luồng sinh khí mới và có thêm một thương hiệu ôm giấc mơ sản xuất ô tô Việt.

o-to-viet.jpg

Những ngày cuối năm 2023, câu chuyện doanh nhân Vũ Văn Tiền bắt tay với đối tác Trung Quốc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô trên quê nhà Thái Bình được quan tâm. Theo truyền thông đưa tin, Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) sẽ đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, Thái Bình.

Dự án có tổng vốn đầu tư cho cả ba giai đoạn chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, ước tính khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng) và công suất thiết kế 200.000 xe/năm.

Quyết định liên doanh với nhà sản xuất xe hơi nước ngoài để lắp ráp, sản xuất ô tô này có khả năng sẽ gia tăng vị thế mảnh ghép sản xuất công nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Văn Tiền gồm bất động sản, sản xuất công nghiệp, ngân hàng - chứng khoán, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

Tham gia vào sân chơi ô tô Việt, Geleximco không chọn cách tạo ra một thương hiệu xe ô tô Việt hay đi theo chiến lược “Make in Vietnam” giống như VinFast mà triển khai theo hình thức liên doanh với Chery của Trung Quốc để làm nên “thế lực” mới trong khu vực.

Tuy nhiên, bức tranh tươi sáng cho các thương hiệu tham gia sân chơi này chưa bao giờ là dễ dàng. Giới phân tích nhận định về sự hợp tác của Geleximco không mấy khả quan khi cho rằng, làn sóng xe ô tô Trung Quốc đang trỗi dậy ở Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh nhà phân phối tư nhân lâu đời Kylin (bán các xe Zoyte, BAIC, HongQi, Beijing), hàng loạt các thương hiệu Trung Quốc đã đặt chân vào Việt Nam như Wuling, Haima, Haval, hay sắp tới có thêm Lynk & Co. Vì vậy, “miếng bánh” thị phần ô tô Trung Quốc vốn đã nhỏ bé ở Việt Nam nay sẽ càng phải chia nhỏ.

Phân tích giới chuyên gia cho biết thêm, dù không phủ nhận sự đổi mới về mặt công nghệ và thẩm mỹ trên các dòng xe Trung Quốc hiện nay, nhưng thiện cảm của người tiêu dùng Việt Nam chưa thể sớm tăng lên do các định kiến từ quá khứ. Giới chuyên gia cho rằng, rất khó để Geleximco xây dựng chiến lược hình ảnh chiếc xe “Make in VietNam” như kiểu của VinFast.

Trước đó, thương hiệu Vinaxuki Công ty CP Ô tô Xuân Kiên do ông Bùi Ngọc Huyên sáng lập) cũng chọn hướng đi theo con đường tự lập hãng xe riêng, ban đầu Vinaxuki tập trung vào việc mua linh kiện và lắp ráp ô tô, sản xuất các loại thùng xe tải một lĩnh vực không yêu cầu công nghệ cao nhưng mang lại lợi nhuận lớn. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được xây dựng ở Mê Linh, Hà Nội với công suất là 20.000 xe mỗi năm. Sau đó, mở rộng thêm một nhà máy lớn ở Hậu Lộc, Thanh Hóa và các nhà máy khác ở Hà Nội, Thái Nguyên. Thời điểm ấy Vinaxuki đã trở thành một thương hiệu sản xuất ô tô nổi tiếng với sản phẩm được tiêu thụ hết ngay sau khi sản xuất.

Vinaxuki từng làm ăn khá hiệu quả với số tiền lãi có năm cao nhất lên đến 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh đình trệ, rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Những tháng cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) Sở giao dịch thông báo phát mại tài sản đảm bảo CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki chi nhánh Đắk Nông. Tổng giá trị của các tài sản rao bán là gần 4,4 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2023, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) cũng thông báo xử lý tài sản bảo đảm là 15 xe ô tô tải hiệu Vinaxuki đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh, các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012 để thu hồi nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

Khoản nợ gốc của Vinaxuki là 82,4 tỷ đồng, tính đến ngày 4/7/2023 lãi phát sinh lên đến 166,1 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ là 248,5 tỷ đồng.

Vinaxuki Xuân Kiên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên. Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Theo đó, từ năm 2009, công ty này không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô con Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.

Giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đã đột ngột dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động. Cũng từ đó, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần, các dây chuyền sản xuất bị “đắp chiếu”. Cuối 2012, công ty này nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng.

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam được dự báo sẽ “bùng nổ” vào năm 2025. Đón đầu xu hướng này, Vinfast đã sớm hoàn thiện hệ thống nhà máy sản xuất với dây chuyền và công nghệ hiện đại sản xuất ô tô điện bậc nhất theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Mới đây, khi chia sẻ với báo giới, ông Huyên nói rằng: “Vinaxuki không thể phát triển nhanh như VinFast vì ông bắt đầu từ tay trắng và chỉ có thể vay vài trăm triệu từ ngân hàng. Trong khi đó VinFast thuộc tập đoàn lớn nhất Việt Nam và do người giàu nhất Việt Nam sở hữu đã đầu tư một số tiền lớn ngay từ đầu. Cụ thể là đến cuối tháng 3 năm 2023 VinFast đã chi khoảng 40.000 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển r&d với khoảng đầu tư lớn nhất là gần 20.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là thời kỳ VinFast chuyển mình mạnh mẽ vào lĩnh vực xe điện và hướng tới trở thành công ty sản xuất ô tô toàn cầu”.

Đúng như những gì ông Huyên nói, VinFast là một hãng xe của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam với ông chủ là người giàu nhất Việt Nam. Để bắt đầu tư một con số 0, VinFast đã chi ra một số tiền khổng lồ. Một chỉ tiêu dễ thấy nhất để hình dung đó là chi phí nghiên cứu và phát triển của (R&D) của VinFast.

Số liệu cập nhật mới nhất tính đến cuối tháng 3/2023, VinFast đã chi tổng cộng gần 40.000 tỷ đồng cho R&D. Trong đó, cao nhất là năm 2022 gần 20.000 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm hãng xe đẩy mạnh chiến lược điện khí hóa, đưa VinFast trở thành công ty sản xuất ô tô toàn cầu.

Tính đến hiện nay, mặc dù một số thương hiệu ô tô Việt đã có những thành công được ghi nhận nhưng hành trình ô tô Việt vẫn còn nhiều thách thức. Ngay cả VinFast được xem là thành công khi ghi dấu vang dội trên thị trường quốc tế vẫn nhiều đồn đoán “đang phải đối mặt với không ít thách thức mới”.

Theo báo cáo gửi đến Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ SEC, Vingroup đã tiết lộ rằng: “Tổng cộng số tiền tập đoàn, các công ty Liên Kết và các nguồn vay bên ngoài đã tài trợ cho hoạt động và vốn đầu tư từ 2017 đến nay là 8,2 tỷ USD, một con số khổng lồ”.

Với Thaco Group, chọn hướng đi biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô của khu vực Asean giống như Thái Lan đã làm trước đó, được xem là “an toàn” và đã phát triển thành một đế chế ô tô khổng lồ, tại khu kinh tế mở Chu Lai Quảng Nam bao gồm tám nhà máy lắp ráp 19 nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm nghiên cứu cảng, hậu cần cảng và trường cao đẳng nghề. Thaco hiện đang lắp ráp ba thương hiệu xe du lịch Mazda Kia và Peugeot.

Thành Công Group TC motor thì đang quản lý hai nhà máy lắp ráp xe Hyundai tại Ninh Bình với tổng công suất dự kiến vượt 170.000 xe mỗi năm và tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng để đáp ứng các quy định xuất khẩu của ASEAN. TC motor cũng đã xây dựng khu công nghiệp phụ trợ ô tô tại Hạ Long Quảng Ninh với tổng diện tích 340ha. Dù thành công hay thất bại, giới chuyên gia vẫn nhận định: “Con đường ô tô made in Vietnam vẫn nhiều thách thức”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức ô tô "made in Vietnam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO