Thách thức của tăng trưởng xanh tại VN

PGS-TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN| 30/10/2014 07:08

Tăng trưởng xanh, một lựa chọn bắt buộc nếu quan tâm đến tương lai, nhưng một khi buộc phải lựa chọn, nó có những thách thức. Đặc biệt, thách thức với Việt Nam sẽ gay gắt hơn nếu gắn tăng trưởng xanh với tái cơ cấu nền kinh tế.

Thách thức của tăng trưởng xanh tại VN

Tăng trưởng xanh, một lựa chọn bắt buộc nếu quan tâm đến tương lai, nhưng một khi buộc phải lựa chọn, nó có những thách thức. Đặc biệt, thách thức với Việt Nam sẽ gay gắt hơn nếu gắn tăng trưởng xanh với tái cơ cấu nền kinh tế.

Đọc E-paper

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra rất chậm, chưa đi vào những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược, chưa thiết kế được hệ thống chính sách mới. Ở đây có ba điểm mấu chốt. Một là, mô hình tăng trưởng, tư duy tăng trưởng không còn phù hợp với thời đại, vẫn duy trì mô hình tăng trưởng dễ dãi.

Hai là, hệ thống thị trường chưa được tập trung ưu tiên, khuyến khích phát triển. Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường nhưng hai yếu tố cơ bản của thị trường là cạnh tranh và giá cả đều có vấn đề.

Cạnh tranh chưa lành mạnh, thậm chí còn "hoang dã”. Bởi cạnh tranh yếu, hệ thống giá cả cũng không hoặc ít mang tính thị trường, giá đất đai, giá năng lượng vẫn áp đặt, tiền lương chưa hợp lý... Một khi hệ thống giá cả như vậy thì không thể phân bổ nguồn lực tốt.

Ba là, quản trị nhà nước vẫn duy trì cơ chế phân bổ nguồn lực mang tính dàn trải, xin cho, chia đều, dẫn đến phân tán và lãng phí. Các thành phần kinh tế chưa được đối xử công bằng, gắn với đó là thiên vị, sự ám ảnh thành phần, nào là chủ đạo, nào là quan trọng.

Cách đặt vấn đề theo nguyên tắc phân biệt đối xử, nặng về hành chính đã làm cho phân bổ nguồn lực méo mó, hướng tới các nhóm lợi ích. Thời điểm này, phải nghĩ đến hành động để xoay chuyển tình thế. Đấy cũng là vấn đề cần lưu ý khi bàn đến tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh trước hết phải gắn với chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, trong đó nhấn mạnh hai điểm quan trọng.

Thứ nhất,công nghiệp phải gắn với chuỗi. Hiện nay, định vị chuỗi công nghiệp của Việt Nam không rõ, vẫn mang tính chất đầu cơ. Phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm trọn gói, kiểu xi măng, sắt thép, sẽ không có thị trường.

Thứ hai, công nghiệp của Việt Nam phải gắn với chuỗi công nghiệp toàn cầu mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam đi sau nên phải đặt vấn đề tiếp cận một cách bài bản, đấy là công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Công nghiệp hỗ trợ gắn với ba vấn đề.

Một là, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có đáp ứng được không? Samsung vừa qua cho thấy số DN đáp ứng được tiêu chuẩn làm sản phẩm hỗ trợ cho Tập đoàn này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hai là, DN Việt Nam làm thế nào để được chọn? Hiện các tập đoàn toàn cầu đã chia nhau các chuỗi gắn với các tuyến phát triển của thế giới. Nếu họ không chọn, Việt Nam sẽ không có cơ hội tham gia chuỗi toàn cầu.

Việt Nam chủ động nhưng phải khẳng định được vị thế, phải thể hiện được cái mình làm tốt nhất.

Ba là, công nghiệp là phải tập trung vào đột phá vùng. Việt Nam có nhiều đột phá về khu kinh tế công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế ven biển... nhưng đều không thành công, do vẫn giữ tư duy dàn trải về đầu tư công.

Muốn tăng trưởng nhanh, Việt Nam phải tập trung đột phá cho các vùng ưu tiên thay vì chỉ ưu đãi thuế, dịch vụ...

Những ưu tiên đó đối với các nhà đầu tư chiến lược là không cao. Việt Nam cần ưu tiên các điều kiện về thể chế, hạ tầng..., mới có thể "làm tổ cho chim phượng hoàng".

Tăng trưởng xanh, phải gắn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Tư duy phát triển nông nghiệp hiện nay vẫn theo kiểu "tít mù nó chạy vòng quanh", vẫn hướng tới sản lượng cao nhưng giá trị gia tăng thấp, chuyển dịch cơ cấu nhưng ba năm sau vẫn cây đấy, con đấy, dẫn đến đẳng cấp sản phẩm nông nghiệp thấp.

Mặt khác, sản lượng cao cũng tiêu tốn tài nguyên, đi ngược tăng trưởng xanh. Chẳng hạn, sản lượng lúa cao sẽ tiêu tốn tài nguyên nước, tốn nhiều vận tải, tốn xăng dầu...

Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra định hướng mới về phát triển nông nghiệp.

Nhưng để có nền nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao, ngoài thay đổi nhận thức, cần tìm kiếm phương thức chuyển đổi. Kinh nghiệm của thế giới và những thử nghiệm của Việt Nam cho thấy, nông nghiệp phát triển dựa trên trục DN.

Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp, phải đổi mới thể chế, phát triển phải dựa trên trục cơ bản là DN và nông dân.

Tăng trưởng xanh cũng phải gắn với du lịch. Lâu nay, du lịch Việt Nam vẫn có thiên hướng sản lượng, nặng thành tích khách tăng lên mỗi năm. Du lịch mà chỉ nói đến lượng khách là không đủ. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phải hướng tới du lịch đẳng cấp cao, như vậy mới mang lại giá trị gia tăng cao.

Một câu hỏi đặt ra, thực hiện các nội dung này bằng cách nào? Vấn đề quan trọng là phải xoay chuyển được ba nút thắt trên. Việc xoay chuyển bộ máy nhà nước, gần đây đã có những tín hiệu tích cực, đấy là gắn trách nhiệm cá nhân với việc giảm số giờ DN nộp thuế.

Trước đây, các cơ quan thuế "ngâm tôm" DN, bởi đó là cách tạo lợi ích rất hiệu quả, càng ngâm lâu thu nhập càng cao. Số giờ DN nộp thuế đã từ hơn 700 giờ giảm xuống còn 500 giờ, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện.

Nền kinh tế đang yếu, nhiều vấn đề khó, không dễ một lúc có thể thay đổi, nhưng cách tiếp cận đó đang mở ra cơ hội cải cách quản trị nhà nước.

>VN nằm trong nhóm trụ cột tăng trưởng kinh tế thế giới
>Vì sao giáo dục không đi liền với tăng trưởng kinh tế?
>
Bảo vệ môi trường giúp tăng trưởng kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức của tăng trưởng xanh tại VN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO