![]() |
Tết Nguyên đán của người Việt được định sẵn ngày giờ chuyển giao của thời gian tính theo nông lịch, theo “con nước, con trăng”, mà cái mốc là đêm Giao thừa. Tết của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên không giống vậy, nó là cả một mùa lễ hội.
Tết cho người chết
![]() |
![]() |
Các tượng này làm để đặt xung quanh nhà mồ |
Tết của người dân tộc ở Tây Nguyên không được định sẵn ngày giờ, không có thời hạn, mà kéo dài suốt vài ba tháng, từ cuối mùa mưa, tức là mùa thu hoạch nương rẫy, hay nói đúng hơn, bắt đầu từ lễ hội “rước Mẹ Lúa về kho - mừng lúa mới” cho đến “lễ đóng cửa
kho”, cũng là mùa hoa cúc quỳ vàng rực khắp nơi nơi.
Theo cách nói của người Việt, ấy là mùa nông nhàn. Sau “lễ đóng cửa kho” là hàng loạt lễ hội lớn nhỏ khác như chọn bến nước, làm nhà mới - vì đây cũng là dịp bà con tu sửa hoặc làm nhà mới, đặc biệt là nhà rông - nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc. Sau cùng là lễ hội Pơ-Thi - Lễ hội bỏ mả. Có thể nói, đây là lễ hội trung tâm của tất cả các lễ hội.
Mùa Pơ-Thi âm vang cồng chiêng, rộn ràng buôn làng. Người Tây Nguyên quan niệm, khi người ta chết không phải đã hết, mà “cái hồn” vẫn còn lẩn quất đâu đó. “Cái hồn” là một thực thể sống, nên cũng cần có cơm ăn, áo mặc và các vật dụng khác để sinh sống.
Vì vậy, người sống phải lo cho cuộc sống của “cái hồn” chu đáo. Trong quá trình chăm lo cho “cái hồn”, người sống còn phải chuẩn bị một số vật chất nhất định để làm lễ tiễn đưa người chết về nơi vĩnh hằng. “Phía bên kia, nơi ấy ngày gọi là đêm, trên gọi là dưới, trong gọi là ngoài...”.
Trước khi diễn ra Lễ bỏ mả, người ta làm một cái nhà mồ (Pơxa) thật to, thật đẹp với nhiều tượng người, tượng thú, rồi mới làm lễ đâm trâu tế thần, khao đãi buôn làng, đánh chiêng trống tiễn đưa người chết. “Kể từ nay tôi với mày không còn gì nữa...”.
Một cuộc tiễn đưa không luyến tiếc, đầy vui vẻ, càng vui vẻ càng đẹp lòng nhau. Có những nhà giàu khao đãi không chỉ cả làng, mà người dân ở vài ba làng kế cận khi nghe điệu chiêng mời cũng đánh chiêng đáp lễ và kéo nhau đến dự, có khi hàng tháng trời. Pơ-Thi của riêng biến thành của cả cộng đồng.
Ăn Tết cùng thần linh
Nếu bạn lên Tây Nguyên vào dịp sau Tết Nguyên đán, đến bất kỳ buôn làng nào, càng ở vùng sâu vùng xa càng được dự những cuộc lễ hội tưng bừng, “nguyên bản” hơn.
Tôi đã nhiều lần được dự lễ hội có đâm trâu ở Gia Lai - Kon Tum. Các cuộc lễ hội “đời mới” đã giảm đi rất nhiều thủ tục nghi lễ mà xưa kia người ta không được phép bỏ qua, hoặc không dám bỏ qua.
Biểu tượng của lễ hội đâm trâu là cây cột dùng để cột trâu, tiếng Bahnar gọi là Gưng Sakapô. Gưng Sakapô giống như cây nêu, được chia làm ba phần, có trang trí rất cầu kỳ.
Phần từ mặt đất lên làm bằng bốn cái chân đặt bốn góc, được cột chặt bởi bốn thanh ngang - làm thành giàn, nơi già làng bước lên giàn cúng tế.
Phần thứ hai, từ giàn đứng của già làng lên ngọn, được trang trí bằng các tua vót từ thân le, nứa nhuộm nhiều màu, thân cột được khắc, chạm, vẽ hoa văn sặc sỡ.
Trên đỉnh cột Gưng là biểu tượng - hoặc con chim, hoặc con cá, phía dưới treo chùm ống nứa tơơng nơơng tạo nên những âm thanh rất đặc thù cho cuộc vui.
![]() |
Đã gọi là lễ hội thì nhất định đó là cuộc vui của cộng đồng. Cuộc vui lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của từng gia đình, từng địa phương. Nhưng nguồn gốc của các cuộc vui mà ta gọi là lễ hội ấy có từ bao giờ, khởi thủy của nó ra sao thì ít ai nói chính xác được.
Tuy nhiên, theo sự quan sát của tôi, gốc của các cuộc lễ hội có đâm trâu đều bắt nguồn từ sự cúng tế thần linh rất linh thiêng, mà con vật được chọn làm vật tế thần ấy chính là Kapô (con trâu).
Con trâu đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên nói chung là vật đánh giá có giá trị trung tâm, được dùng để đổi chác. Những tài sản lớn đều được tính bằng trâu: Bộ chinh chiêng này được mười con trâu; thằng ấy làm việc tầm bậy bị phạt một con trâu; cái ghè ấy giá hai mươi trâu...
Nhưng, không vì thế mà con trâu bị mất đi giá trị tinh thần. Người ta ăn mừng nhà rông mới, làm lễ hội có đâm trâu. Năm nào làng được mùa, tổ chức lễ hội có đâm trâu. Lễ hội Pơ-Thi mở đầu bằng lễ đâm trâu cúng tế Yàng.
Từ dân tộc Bahnar, Giarai, Êđê, Xêđăng, Yẻh, Xeđrá đến dân tộc Bờrâu, đâu đâu cũng có lễ hội này, về tính chất thì giống nhau, tuy nghi lễ mỗi nơi mỗi khác.
Người Bahnar, và cả người Giarai nữa luôn coi thần linh là bạn bè gần gũi, có thể kết nghĩa anh em, cha con, lại có thể “ly dị”.
Thậm chí có người còn “trả thù” thần linh bằng cách bỏ đói, không cúng tế nữa, để chuyển sang thờ một thần linh khác.
Sự gần gũi giữa các thần linh và con người tạo nên cuộc sống hồn nhiên, và ngày vui hội hè người ta “ăn” chung với các Atâu (ma), các Yàng (thần linh, trời).
Chính vì thế, sau lễ “tế thần” là tới lễ “ăn trâu”. Ăn trâu cùng với các thần linh - qua những bài hát, điệu múa và đặc biệt là qua Atâu xít (thần rượu cần).
Atâu xít được coi là bạn thân thiết nhất của mọi thành viên, từ già chí trẻ, từ đàn ông đến đàn bà. Ai cũng có thể ôm ghè rượu, vít cần, uống và hát. Họ hát bài có sẵn lời của đời trước để lại, hay cũng có thể là những lời ngẫu hứng tự đặt...
Atâu xít - Atâu chinh chiêng (thần rượu cần và thần chinh chiêng) làm cho con người gần gũi nhau, trong các lễ hội, mọi hiềm khích, mọi thắc mắc của thời gian qua đều được các thần linh giúp sức nói ra để rồi xóa đi hết...