Số thu thuế nội địa năm 2009 của nhiều tỉnh, thành phố dự kiến sẽ giảm đáng kể so với dự toán đề ra, gây khó khăn cho công tác điều hành ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, nhiều cục thuế đã tìm ra được giải pháp để khai thác nguồn thu, góp phần bù đắp số hụt thu này. Vĩnh Phúc là địa bàn có số thu tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài. Năm 2009, số thu nội địa Trung ương giao cho Vĩnh Phúc là 8.000 tỷ đồng thì số thu từ khu vực đầu tư nước ngoài là 7.214 tỷ đồng (chiếm tới 90% tổng số thu nội địa trên toàn tỉnh), trong đó thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm ô tô là 5.059 tỷ đồng.
Chính vì vậy, số thu nội địa của Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ô-tô của hai công ty đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là Công ty Toyota và Honda.
Từ tháng 9/2008 đến nay, sản lượng ô-tô tiêu thụ của hai DN này liên tục giảm, có thời điểm giảm hơn 50%. Phó Cục trưởng Thuế tỉnh Vĩnh Phúc Doãn Tấn An cho biết, khi xây dựng dự toán thu năm 2009, đơn vị tính toán số lượng xe ô tô tiêu thụ của hai công ty này dự kiến là 38.200 xe, nhưng khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thì con số này được điều chỉnh giảm còn 26.600 xe. Do sản xuất và tiêu thụ ô tô giảm, cho nên dự kiến số thuế phải nộp năm 2009 của hai DN này giảm là 1.448 tỷ đồng.
Số thu nội địa của Vĩnh Phúc không chỉ giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn mà còn do thực hiện các chính sách về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Số thuế dự kiến giảm do thực hiện một loạt chính sách miễn, giảm, giãn thuế lên đến 1.102 tỷ đồng.
Trong đó thuế thu nhập DN (TNDN) giảm hơn 26 tỷ đồng, thuế TNDN được giãn nộp là 90 tỷ đồng; thuế VAT giảm hơn 944 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được giãn nộp làm giảm thu 40 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thuế nội địa trên địa bàn Vĩnh Phúc năm 2009 dự kiến giảm hơn 2.510 tỷ đồng.
Giống như Vĩnh Phúc, năm 2009, khả năng thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách của Cục Thuế Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng do việc triển khai chính sách giảm, giãn thuế. Tổng số thu dự kiến giảm là 542,6 tỷ đồng, trong đó giảm và giãn thuế TNDN 197,6 tỷ đồng; giảm thuế VAT 118 tỷ đồng và giãn thuế TNCN 70 tỷ đồng. Ðánh giá khả năng thu năm 2009, Cục Thuế Hải Phòng dự kiến số thu là 3.607 tỷ đồng, giảm 758,3 tỷ đồng.
Mặc dù số hụt thu năm 2009 so với dự toán được giao ở một số địa phương là khá lớn, nhưng nhiều cục thuế đã tìm ra những nguồn thu mới để bù đắp các khoản thiếu hụt này. Cục Thuế Hải Phòng xác định tập trung khai thác khoản thu về đất bằng cách phối hợp các sở, ngành, quận, huyện tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu thu từ 300 tỷ đồng trở lên đối với khoản thu này.
Ðiển hình như tại quận Ngô Quyền, Chi cục Thuế tăng cường quản lý kê khai về đất, kết hợp với thanh tra quận xử lý những hộ kê khai đất thiếu... nên chỉ trong bốn tháng đầu năm, trong tổng số 96 tỷ đồng thu thuế các loại thì số thu về đất đã là 61 tỷ đồng.
Trong bối cảnh các nguồn thu hạn hẹp, công tác quản lý thu của cơ quan thuế được coi là yếu tố quyết định. Vì vậy, đơn vị tập trung rà soát, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền phường, xã để quản lý thu đối với hoạt động xây dựng cơ bản, vận tải tư nhân, cho thuê nhà, cho thuê lại đất... Tăng cường kiểm tra quyết toán thuế kết hợp với đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp cưỡng chế, thi hành quyết định hành chính thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến mức thấp nhất đồng thời phấn đấu tăng thu từ công tác này khoảng 70 tỷ đồng.
Tương tự như Hải Phòng, Cục Thuế Vĩnh Phúc tích cực triển khai các giải pháp thu hồi nợ thuế, giảm tối đa số nợ đọng thuế, nhờ đó góp phần tăng thu ngân sách. Trong quý I vừa qua, tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh đã thu hồi là 183,9 tỷ đồng, trong đó thu hồi nợ cũ từ năm 2008 là 59,1 tỷ đồng, thu hồi nợ của tháng 1 và tháng 2-2009 là 116,4 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Thuế tỉnh Vĩnh Phúc Doãn Tấn An cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cơ quan thuế phải xác định: Có hỗ trợ DN một cách tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả thì mới có thể tăng thu ngân sách. Triển khai chính sách miễn, giảm, giãn thuế, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã chủ động nhanh chóng hướng dẫn đến từng DN các nội dung và điều kiện hưởng chính sách ưu đãi về thuế, giúp DN chủ động tính toán đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế tiếp tục được đẩy mạnh.
Cục trưởng Thuế Hải Phòng Vũ Công Nhĩ cho biết, đơn vị thực hiện đúng quy định về việc DN được tự xác định các điều kiện và mức miễn giảm thuế, không phải đăng ký hoặc làm các thủ tục với cơ quan thuế. Khi quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ kiểm tra hướng dẫn để xác định chính xác số thuế được miễn, giảm, giãn theo đúng quy định.
Các tiêu chí miễn, giảm, giãn thuế được công khai minh bạch để bảo đảm tính công bằng cho người nộp thuế. Ðơn vị cũng tập trung hoàn thuế VAT kịp thời cho các DN có hàng hóa tồn kho lớn, chu kỳ sản xuất kéo dài, nhất là các DN xuất khẩu chưa đủ thủ tục thanh toán qua ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực để DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.